Đệ nhất danh tướng gánh chịu báo ứng vì lạm sát người vô tội
Bạch khởi (白起) là một trong những vị tướng lĩnh xuất sắc nhất trong lịch sử Trung Hoa, đứng đầu trong hàng ngũ tứ đại danh tướng thời chiến quốc. Tuy nhiên, ông vì lạm sát nhiêu sinh linh vô tội mà phải gánh chịu quả báo nhiều kiếp.
Đệ nhất danh tướng thời Chiến Quốc
Từ nhỏ, Bạch Khởi đã theo cha sống cuộc đời trong doanh trại. Ông rất thông minh, lại hiếu học, nhất là về những vấn đề quân sự. Bạch Khởi rất say mê nghiên cứu những trận đánh và binh pháp của những tướng lĩnh nổi tiếng như Tôn Vũ, Ngô Khởi, Tôn Tẫn. Vì từ nhỏ sống trong quân doanh nên Bạch Khởi vừa giỏi lý luận quân sự lại có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Năm 18 tuổi, ông chính thức tòng quân.
Bạch Khởi xông pha trận mạc suốt 37 năm, hầu như đánh đâu thắng đó, trước sau đánh phá 4 nước chư hầu, chém đầu trăm vạn quân địch, hạ hơn 73 thành, mở rộng hơn trăm dặm đất đai cho nước Tần, làm suy yếu hoàn toàn Tam Tấn và khiến nước Sở từ chỗ ngang hàng với Tần bị đặt vào thế yếu hơn, luôn phải ở tư thế phòng ngự.
Chiến công của Bạch Khởi đã tiêu hao lực lượng chiến đấu của các nước mạnh nhất thời đó như Triệu và Sở, đưa nước Tần trở thành nước bá chủ thời Chiến Quốc, khởi đầu cho việc thôn tính hoàn toàn 6 nước chư hầu của Tần Thủy Hoàng, đi đến thống nhất Trung Hoa.
Đại thắng Trường Bình
Cao Bình, Sơn Tây là địa danh gắn liền với một trong những trận đánh lớn nhất thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Đại chiến Trường Bình, diễn ra từ năm 262 – 260 (TCN), giữa nước Tần và nước Triệu. Kết quả Tần đánh bại Triệu, là thắng lợi khẳng định sức mạnh của nước Tần, tạo nền tảng quan trọng cho quá trình thống nhất Trung Quốc sau này của Tần Thủy Hoàng.
Thắng lợi ở trận Trường Bình đưa Bạch Khởi lên hàng đệ nhất danh tướng thời Chiến Quốc, nhưng với việc giết chết 40 vạn hàng binh Triệu, đây được coi là 1 trong những vụ thảm sát lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Trong trận chiến này, sau 2 năm giằng co ở ải Trường Bình, cả Triệu và Tần đều thay chủ tướng. Nhưng trong khi Tần bí mật cử Bạch Khởi làm chủ tướng để bổ sung nhân sự (Vương Hột vẫn được giữ làm phó tướng) thì bên Triệu, khi Triệu Quát ra làm chỉ huy, danh tướng Liêm Pha bị bãi chức phải rời mặt trận.
Xuyên suốt chiến dịch, Bạch Khởi luôn cơ động, thực tiễn, thậm chí làm trái nhiều điều trong binh pháp. Ngược lại, Triệu Quát chỉ là người biết binh pháp qua sách vở và không có kinh nghiệm trận mạc thực tế nên đã phải trả giá cho hàng loạt sai lầm. Theo lẽ thường binh pháp, nếu Bạch Khởi thực sự muốn tiêu diệt hoàn toàn đại quân Triệu thì quân Tần phải chiếm ưu thế so với kẻ địch.
Tại Trường Bình, quân Triệu đến trước, quân Tần đến sau, theo Binh pháp Tôn Tử thì: “Người thiện chiến xếp đặt người ta chứ không để người ta xếp đặt mình”, do đó về điểm này quân Triệu lợi thế hơn. Về quân số, quân Tần không chiếm ưu thế quân số so với quân Triệu. Theo Binh pháp Tôn Tử, “đông gấp 10 lần thì vây, gấp 2 thì chia cắt”, tuy nhiên Bạch Khởi lại dùng quân Tần để chia cắt và vây quân Triệu đông hơn. Thậm chí ông còn vây quân Triệu ngặt nghèo, cũng trái với điều mà Tôn Tử viết: “Vây quân nên để hở”.
Bạch Khởi toàn làm nhiều điều trái với sách vở, thế nhưng quân Tần trong suốt chiến dịch không hề bị suy giảm nhuệ khí mà ngày càng chiếm ưu thế, ngược lại quân Triệu dưới quyền Triệu Quát theo khuôn khổ binh pháp thì càng ngày càng nguy khốn với quân Tần.
Trong 46 ngày từ tháng 7 đến tháng 9 năm 260 TCN, hơn 40 vạn quân Triệu bị vây ngặt, lương thảo cạn kiệt, quân sĩ giết hại lẫn nhau. Triệu Quát mấy lần xua quân ra đánh phá vây nhưng quân Tần dũng mãnh đánh rát khiến quân Triệu không thể phá vây được. Triệu Quát cùng kế, đành đích thân dẫn một cánh quân tinh nhuệ liều chết đi phá vây, hy vọng mở đường máu thoát ra. Khi quân Triệu Quát xông ra ngoài đều bị quân Tần dùng cung nỏ bắn trúng. Triệu Quát cùng cánh quân Triệu đều bị tử trận.
Thảm sát hơn 40 vạn hàng binh
Nghe tin Triệu Quát tử trận, quân Triệu không còn tinh thần chiến đấu, đều buông vũ khí đầu hàng. Quân Triệu đầu hàng quá đông, Bạch Khởi lo lắng chưa biết xử lý ra sao. Ông nhớ tới trước kia Vương Hột đánh chiếm Thượng Đảng, người Thượng Đảng một mực bỏ chạy hết sang nước Triệu, không chịu theo Tần, vì thế với số binh sĩ đông hơn cả quân mình, Bạch Khởi sợ cũng không thể kiềm chế được, nên bàn với Vương Hột chôn sống hết.
Để lừa quân Triệu, Bạch Khởi đem hàng tốt chia làm mười doanh, sai 10 viên tướng thống suất, hợp với 20 vạn quân Tần, đều cho trâu rượu, ăn uống và nói rằng ngày mai Vũ An quân sẽ lựa chọn quân Triệu, người nào khoẻ mạnh đánh trận được, thì cấp cho khí giới và đem về nước Tần sai dụng, còn người già yếu đều cho về Triệu. Quân Triệu mừng rỡ.
Đêm ấy, Bạch Khởi truyền mật lệnh cho 10 viên tướng rằng: Quân Tần đều dùng vải trắng phủ đầu, nếu đầu không có vải trắng, thì tức là quân Triệu, đều phải giết đi. Quân Tần theo lệnh, cùng ra tay một lúc. Hàng binh nước Triệu vì không biết có lệnh ấy, lại không có khí giới, nên đều bó tay chịu chết. Bốn mươi vạn quân Triệu trong một đêm đều bị chém chết cả.
Bạch Khởi thu nhặt những đầu lâu quân Triệu, chất đống ở trong luỹ Tần, gọi là núi Đầu Lâu. Tính ra trong trận Trường Bình, trước sau 45 vạn quân Triệu, tính cả những quân Triệu đầu hàng Vương Hột trước, đều bị giết sạch. Bạch Khởi chỉ cho thả 240 người ít tuổi về Hàm Đan để tuyên dương cái oai của nước Tần.
Tự vẫn cũng chưa hết tội
Bạch Khởi tuy vô địch trên chiến trường nhưng quá bộc trực, thẳng tính, đã xúc phạm đến Tần Chiêu Tương Vương. Một khuyết điểm nữa là Bạch Khởi quá hiếu sát, trong các chiến dịch do ông chỉ huy hầu như quân địch không có người sống sót trở về, thậm chí là một ngày giết mấy mươi vạn người như trong trận Y Khuyết, trận Yên-Dĩnh, trận Trường Bình.
Xem trong “Sử ký – Bạch Khởi, Vương Tiễn liệt truyện” có thể thấy Bạch Khởi đánh trận chưa từng thua, ông vì nước Tần đánh hạ 70 mấy thành trì, nhưng ông lại giết người quá hung ác tàn nhẫn. Có những lần là: Chém đầu 24 vạn, chém đầu 13 vạn, chém đầu 5 vạn, dìm chết 2 vạn quân ở sông… Cuối cùng trong trận chiến Trường Bình, trong chốc lát đã giết 40 vạn hàng binh Triệu. Chúng ta tính sơ sơ, số binh sĩ đối phương bị Bạch Khởi giết khi đánh trận đã lên đến hơn 80 vạn (800 nghìn người).
Cuối cùng ông bị thừa tướng Phạm Thư hạch tội, vua Tần muốn ông chết, có thể coi là báo ứng.
Năm 257, Bạch Khởi có bệnh, nhiều lần từ chối đem quân vây thành Hàm Đan của nước Triệu, Tần Chiêu vương vô cùng giận, sai thu hết chức tước và phong ấp của ông, giáng xuống làm lính, đày ra Âm Mật, bắt ông phải lập tức ra khỏi thành Hàm Dương. Ông than rằng: “Phạm Lãi có nói: ‘Thỏ khôn đã chết, chó săn tất bị mổ’. Ta vì Tần đánh hạ được hơn 70 thành của chư hầu, cái thế tất phải bị mổ!”
Rồi ông đi ra cửa tây Hàm Dương, đến Đỗ Bưu tạm nghỉ để đợi hành lý. Thừa tướng Phạm Thư lại nói với vua Tần rằng: “Bạch Khởi ra đi, trong lòng ấm ức không phục, thốt ra nhiều lời oán giận, nói có bệnh, không phải là thật, sợ rằng sẽ đi sang nước khác để làm hại Tần!”
Vua Tần bèn sai sứ đưa cho Bạch Khởi một thanh gươm sắc, bắt phải tự tử. Bạch Khởi nhìn thanh kiếm mà lòng rối loạn như tơ vò, tự hỏi: “Ta đã phạm lỗi lầm gì đến nỗi phải bị vua ban cho cái chết?” Nhưng rồi ông lại tự nghĩ: “Đây hẳn là quả báo của việc ta làm trước đây. Trong trận Trường Bình, chỉ một quyết định của ta đã giết sạch hơn 40 vạn quân nước Triệu, mặc dù họ đã đầu hàng không kháng cự. Tội ác đó xét ra thật đáng chết vạn lần, không còn gì oan uổng nữa.” Nghĩ như vậy rồi liền vung kiếm lên tự sát.
Đại tướng quân Bạch Khởi công to như núi, chinh chiến bao năm giúp nước Tần uy chấn thiên hạ. Thế mà chỉ một lần thua trận, một lần từ chối dẫn quân ra trận, lẽ nào lại đáng tội chết hay sao? Đây chẳng qua là ác nghiệp sâu nặng nên dẫn đến Tần vương một phút hồ đồ mới xuống lệnh tự dứt đi một danh tướng của mình. Chuyện này tuy nhìn từ bên ngoài thấy có vẻ như vô lý, nhưng nếu xét từ nguồn gốc nhân quả của sự việc thì cái chết thảm của Bạch Khởi rõ ràng là không thể tránh khỏi.
Lão Tử từng giảng: “Người mà thích sát nhân, không thể đắc chí (hợp ý) của thiên hạ”. Đối với Bạch Khởi mà nói, đây đã không còn là vấn đề có đắc được ý chí thiên hạ hay không nữa rồi. Ông dùng mạng mình để trả vẫn chưa hết, còn phải trả thêm ác nghiệp sát nhân nữa. Hơn thế nữa, sau khi chết còn khó lòng tránh khỏi phải sa đọa vào ba đường ác vì tội giết hại quá nhiều mạng người.
Trong điển tích Phật giáo “Pháp Uyển Châu Linh” có ghi chép một câu chuyện như sau: Vào năm Khai Hoàng thứ 11 thời nhà Tùy, Triệu Văn Xương giữ chức thừa tự Đại Phủ đột nhiên lăn ra chết, duy chỉ có trái tim ông còn lại chút hơi ấm nên người trong nhà không dám mang thi thể của ông đi chôn cất.
Sau đó, bỗng dưng ông ấy sống dậy và kể cho người nhà nghe chuyện mình đã đến địa ngục gặp Diêm Vương. Diêm Vương khen ngợi ông ấy lúc bình sinh tin vào Phật Pháp, có thể đọc thuộc lòng “Kinh Kim Cương” không sai chữ nào nên đã đặc cách đưa ông ấy trở lại dương gian.
Triệu Văn Xương còn nói với người nhà rằng ông ấy đã gặp được hai người ở chốn địa phủ. Một trong hai người là Đại tướng Bạch Khởi của nước Tần bị cầm tù trong một hố phân lớn, đầu tóc trôi nổi trên nước trông hết sức thê thảm. Bạch Khởi lúc còn sống đã lạm sát 400 nghìn mạng người nên bây giờ xuống địa ngục bồi hoàn tội nghiệp.
Cuối thời nhà Đường, tại vùng Sơn Tây (Trung Quốc) có một sự kiện kỳ quái xảy ra. Trong một cơn cuồng phong lớn chưa từng có, sấm sét đánh chết một con trâu lớn. Khi đến xem xét, người ta nhìn thấy trên bụng con trâu này có hai chữ “Bạch Khởi”. Dân gian truyền nhau rằng, vì sinh thời Bạch Khởi giết quá nhiều người nên hơn một ngàn năm sau khi chết ông vẫn còn phải chịu quả báo, phải làm kiếp súc sinh bị sét đánh chết.
Lại theo Di Kiên Chí có viết: Ở Giang Nam có một người con gái họ Trần 17 tuổi, trước nay chưa từng đọc qua sách sử, thân mắc trọng bệnh. Trước khi lâm chung, cô bỗng nói với người trong nhà rằng: “Ta là tướng quân Bạch Khởi của nước Tần, năm xưa khi còn sống đã từng giết bảy, tám chục vạn người. Sau khi chết, ở địa ngục chịu đủ mọi tra tấn hành hạ, gần đây mới được phép đầu thai chuyển sinh làm người. Nhưng mỗi lần đầu thai đều chỉ có thể làm thân nữ, thọ không quá hai mươi tuổi, cái chết ngày hôm nay, là ta đáng nên bị như vậy”. Nói xong rồi tắt thở qua đời.
Thiện Thành (t/h)