Đấu đá nội bộ ngày càng gay gắt, Tập Cận Bình cảnh cáo Vương Hỗ Ninh?
Ngày 7/1, tờ Tân Hoa Xã của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa tin, Ủy ban thường vụ bộ chính trị trung ương ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp trong suốt một ngày để nghe báo cáo công việc của 5 bộ ngành và Ban Bí thư Trung ương. Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đã chủ trì cuộc họp và có bài phát biểu.
Từ báo cáo có thể nêu ra được những điểm sau:
1. Nhắc lại sự cần thiết phải tuân thủ sự lãnh đạo của ĐCSTQ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “Duy trì vững chắc quyền lực và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của trung ương ĐCSTQ”. ĐCSTQ liên tục triệu tập các cuộc họp và bắt buộc các tổ chức Đảng, các ngành các cấp trên cả nước phải học tập, để xử lý việc số người trong nội bộ Đảng không nghe theo lãnh đạo ngày càng tăng, đứng trước thời khắc tan rã và sụp đổ này, ĐCSTQ không còn cách nào khác, chỉ có thể thông qua việc tăng cường học tập, tẩy não.
2. So với hội nghị tương tự được triển khai vào cùng kỳ năm 2018 và 2019, tổ chức Đảng của 5 bộ ngành được đánh giá cao hơn một chút, cho rằng trong năm vừa qua, Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, Quốc vụ viện, Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao “đã luôn vững vàng kiên trì sự lãnh đạo tập trung thống nhất của trung ương Đảng, tận tâm quán triệt thực hiện mọi quyết sách của trung ương Đảng… đạt được thành tựu mới trên mọi phương diện công việc”.
Cách diễn đạt từ ngữ của năm 2019 là “tự giác duy hộ”, “kiên quyết quán triệt”, năm 2018 là “tự giác duy trì” và “tận tâm quán triệt”, còn cách nói “luôn luôn vững vàng” của năm nay ngụ ý rằng, những việc mà chủ quản của 5 ban ngành đã làm khiến Tập Cận Bình tương đối hài lòng, không gây ra bất kỳ việc lớn nào đi ngược với “hạch tâm” của Tập.
3. Ban Bí thư của văn phòng Ủy ban trung ương ĐCSTQ không được đánh giá cao trong việc duy trì sự lãnh đạo tối cao. Báo cáo chỉ nói rằng, trong năm vừa qua, Ban Bí thư trung ương đã “quán triệt” việc chính sách của trung ương, “thực hiện một cách tận tâm nhiệm vụ của mình”, và đã thực hiện rất nhiều công việc trong một số lĩnh vực.
Cách diễn đạt trong hai năm qua về cơ bản là giống nhau, nhưng ít nhất trong năm 2018, từ “tận tâm” đã được thêm vào trước hai từ “thực hiện”. So với đánh giá của 5 ban ngành, công việc của Ban Bí thư trung ương dường như khiến ông Tập Cận Bình rất bất mãn.
4. Trong năm mới, kỳ vọng của 5 ban ngành sẽ tiếp tục được chỉ đạo bởi “tư tưởng Tập”, tăng cường “4 ý thức”, củng cố “4 niềm tin” và đạt được “2 duy trì”. Ban Bí thư trung ương cần đi đầu trong việc tăng cường “4 ý thức”, củng cố “4niềm tin” và đạt được “2 duy trì” để hoàn thành các nhiệm vụ được giao bởi chính quyền trung ương. Xin lưu ý hai từ “đi đầu” là cụm từ chưa từng được xuất hiện trước đây trong các bài phát biểu.
Bài phát biểu năm 2019 là “Ban Bí thư trung ương cần nêu gương trong việc củng cố và duy trì quyền lực và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của trung ương Đảng”. Phát biểu của năm 2018 là “Ban Bí thư trung ương cần tăng cường ‘4 ý thức’, tự giác triển khai công việc dưới sự lãnh đạo của Bộ chính trị trung ương Đảng và Ban thường vụ Bộ chính trị, tự giác bảo vệ ‘hạch tâm’ trung ương Đảng của Tập Cận Bình cũng như vị thế ‘hạch tâm’ của toàn Đảng”.
Đánh giá dành cho Ban Bí thư trung ương không cao, có lẽ vì Ban Bí thư không có “ý thức chính trị, ý thức tổng thể, ý thức hạch tâm, ý thức liên kết”, và không bảo vệ trung ương Đảng của Tập. Tại sao Ban Bí thư trung ương lại khiến Tập không hài lòng kể từ năm 2018?
Hiện tại có 7 người trong Ban Bí thư của Uỷ ban trung ương ĐCSTQ, đó là Vương Hỗ Ninh, Đinh Tiết Tường, Dương Hiểu Độ, Trần Hi, Quách Thanh Côn, Hoàng Khôn Minh và Vưu Quyền. Trong đó Vương Hỗ Ninh, Quách Thanh Côn đều là “người” của phe Giang, những người khác đều được Tập tín nhiệm. Do đó, có thể kết luận rằng, “4 ý thức” và “2 duy trì” của Ban Bí thư là không đủ. Trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu danh sách là Bí thư Vương Hỗ Ninh. Nói cách khác, Tập đang đưa ra cảnh cáo với Vương Hỗ Ninh.
Các tin tức trước đó đã nói rằng, Vương Hỗ Ninh ở Thượng Hải được Giang Trạch Dân đề bạt lên trung ương, gán cho ông ta cái mác “ba đại biểu”. Sau khi Hồ Cẩm Đào lên nắm quyền vào năm 2002, Vương Hỗ Ninh được thăng chức làm giám đốc của Văn phòng nghiên cứu chính sách trung ương, và năm 2012 ông trở thành thành viên của Bộ chính trị trung ương.
Trong đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ năm 2017, Vương Hỗ Ninh được bổ nhiệm làm một trong 7 Uỷ viên ban thường vụ của Bộ Chính trị, thay thế Lưu Vân Sơn phụ trách tư tưởng và tuyên truyền văn hóa, Ban liên lạc đối ngoại ủy ban trung ương ĐCSTQ cũng thuộc phạm vi quản chế của ông ta. “Quan điểm phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào và “Mộng Trung Hoa”, “hạch tâm Tập”, “tư tưởng Tập” đều do bàn tay Vương “nhào nặn” ra.
Ngoại giới nhận thấy rằng, trong 2 năm qua, Vương Hỗ Ninh, người được coi là “con cờ” của phe Giang, đối với Tập Cận Bình thì “miệng mật ngọt dạ gươm đao”, trong các vấn đề lớn như chiến tranh thương mại Trung – Mỹ, vấn đề Hồng Kông và vấn đề Bắc Triều Tiên, Vương Hỗ Ninh đã chỉ sai đường để cản trở Tập.
Ở Trung Quốc có tin rằng, Văn phòng nghiên cứu chính sách trung ương – cơ quan cố vấn mà Tập tin tưởng nhất do Vương Hỗ Ninh làm chủ nhiệm và đệ tử của Vương Hỗ Ninh là Lâm Thượng Lập làm bí thư trưởng thường trực, phải có trách nhiệm nặng nề vì cơ quan này rõ ràng đã gây áp lực mạnh mẽ trên nhiều phương diện khi đối đầu với tổng thống Mỹ Trump trong cuộc chiến thương mại, khiến Tập Cận Bình đánh giá sai sức mạnh của ĐCSTQ, đánh giá sai quyết tâm của chính quyền Trump, từ đó, lúc đầu là cứng rắn “ăn miếng trả miếng”, sau đó là “nhận thua” rồi lại bước sang làn sóng mới – “kháng Mỹ”, và đến nay là bị “bóp mồm bóp miệng” để đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu.
Thuở đầu của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ năm 2018, một số phương tiện truyền thông Hồng Kông đã trích dẫn các nguồn tin nội bộ của ĐCSTQ nói rằng, do các hành vi không phù hợp của một số quan chức ĐCSTQ và ngôn luận không thích đáng của truyền thông Đảng, mới khiến cuộc chiến tranh thương mại “nóng lên”, mũi nhọn chĩa thẳng vào Vương Hỗ Ninh.
Ngoài ra, về vấn đề Hồng Kông, Tăng Khánh Hồng của phe Giang, đã cung cấp rất nhiều thông tin tình báo giả cho Tập Cận Bình thông qua Văn phòng Hồng Kông và Ma Cao, Văn phòng liên lạc Trung ương ĐCSTQ tại Đặc khu Hành chính Hồng Kông, Chính phủ Hồng Kông và Bộ An ninh… Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương do Quách Thanh Côn chủ quản cũng can thiệp vào việc đàn áp Hồng Kông, các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ cuồng loạn bêu xấu cũng như bôi nhọ Hồng Kông và Hoa Kỳ.
Dựa vào thông tin sai lệch, Tập cũng đánh giá sai về Hồng Kông, cho rằng người Hồng Kông đang đòi độc lập và người dân Hồng Kông biểu tình vì vấn đề kinh tế… Mãi cho đến khi phe Dân chủ giành được chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Hội đồng quận Hồng Kông mới khiến Tập Cận Bình choàng tỉnh khỏi giấc mộng, và thay thế giám đốc của Văn phòng Liên lạc.
Việc các phương tiện truyền thông của Đảng do Vương Hỗ Ninh kiểm soát đã “bưng bít” các bài phát biểu của Tập Cận Bình trong hơn hai năm vừa qua cũng không hiếm gặp. Ví dụ, vào tháng 11/2019, trong quá trình khảo sát và điều tra tại Thượng Hải, Tập Cận Bình đã nói rằng, nền dân chủ của ĐCSTQ là một “nền dân chủ toàn quá trình”, nhưng đã bị giới truyền thông Đảng ngăn chặn phát tán ra ngoài.
Vào ngày 7/6/2019, trong chuyến thăm Nga của Tập Cận Bình, vào thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang và ĐCSTQ lớn tiếng phê phán Hoa Kỳ, trong bài phát biểu của mình, ông Tập hiếm khi thể hiện ra rằng Tổng thống Trump là “bạn của tôi”, cả hai đều không muốn thấy Trung Quốc và Hoa Kỳ hoàn toàn chia rẽ. Nhưng bài phát biểu của Tập cũng bị giới truyền thông Đảng ngăn chặn.
Vào tháng 9/2018, Tập Cận Bình đã nhắc lại khẩu hiệu “tự lực cánh sinh” trong quá trình kiểm tra tại Hắc Long Giang và cũng bị giới truyền thông Đảng “bưng bít”.
Ngoài ra, hình tượng “rực rỡ” của Tập Cận Bình mà Vương Hỗ Ninh dựng lên trên các phương tiện truyền thông là phản tác dụng và gây ra sự phẫn nộ từ cộng đồng quốc tế và nhiều người trong nước. Cho dù việc “bưng bít” và tâng bốc của Vương Hỗ Ninh là vì mục đích duy trì chế độ hay có mục đích khác, tin rằng bản thân Tập tự mình có thể thấy rõ.
Không biết từ bao giờ thái độ của Tập Cận Bình đối với Vương Hỗ Ninh đã thay đổi, nhưng vào ngày 20/6/2019, khi Tập Cận Bình có chuyến thăm nhà nước đầu tiên tới Bắc Triều Tiên, theo thông lệ, người đáng ra phải tháp tùng là Vương Hỗ Ninh và bộ trưởng Tống Đào của Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương, nhưng lại không thấy tăm hơi đâu.
Sau khi trở về Trung Quốc, Tập đã gọi điện thoại nói chuyện với Trump để xác nhận lại “Cuộc gặp mặt Trump – Tập”. Hơn nữa, CCTV đã phát sóng bộ phim “Chuyện tình bên sông Hoàng Hà”, kể về câu chuyện tình cảm giữa một phi công Mỹ và một nữ quân nhân của Quân đoàn 8 trong Chiến tranh chống Nhật, và mệnh lệnh không phải từ Bộ Tuyên truyền Trung ương, mà là Văn phòng Trung ương. Ẩn ý đằng sau những động thái này không hề đơn giản, rõ ràng đây là một trò chơi sinh tử giữa những người đứng đầu của ĐCSTQ.
Vào đầu năm mới, Tập một lần nữa cảnh báo Vương Hỗ Ninh đi đầu trong việc tăng cường “4 ý thức” và đạt được “2 duy hộ”, rất khó để nói hiệu quả sẽ đạt được là bao nhiêu. Và nếu Tập Cận Bình muốn thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại thì phải cắt đứt mối liên hệ ý thức hệ với ĐCSTQ, từ bỏ ý định phi thực tế là thông qua Đảng để bảo vệ quyền lực, tránh xa những tên gian thần khiến đầu óc u mê lạc lối. Nếu vậy, có thể còn có một cơ hội sống sót.
Tác giả: Chu Hiểu Huy
Minh Huy (Theo Epoch Times)
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của BBT Tinhhoa.net)