Đạo kinh doanh của Đào Chu công: 3 lần tán tài, 3 lần nên nghiệp lớn
Thành công trong kinh doanh là ao ước của rất nhiều người. Tuy nhiên, trong cuộc sống khi các giá trị đạo đức bị xem nhẹ, thì những nhân tố chính yếu quyết định thành bại lại bị coi thường. Xem lại gương thành công của người xưa mới thấy nhiều đạo lý kinh doanh là được xây dựng trên nền tảng làm người.
“Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” trong văn hóa truyền thống đã bao hàm thành và tín. Không thành thì lấy gì đối nhân xử thế, không tín thì lấy gì mà lập thân ở đời. Thành tín là một chuẩn tắc làm người, đạo đức kinh doanh cũng xem đây là cốt lõi.
Lấy tín nghĩa làm trọng, chính là bản sắc buôn bán trung thực, ngay chính của người làm ăn. Trải qua bao triều đại, xã hội nào cũng đều xuất hiện rất nhiều thương nhân thành tín trọng nghĩa, từ đó trở thành người giàu có, danh nổi một phương. Họ lấy tín, nghĩa, thành, nhân mà kinh doanh, vì thế mà luôn được ngợi ca, kết quả là “Cơ nghiệp ngày một hưng thịnh, gia đạo ngày một phú quý”.
Cái cân của Trung Quốc cổ đại, cơ chế 16 lượng, phân biệt lấy 16 hạt sao để đánh dấu, 6 lượng phía trước là 6 hạt sao Nam Đẩu, 7 lượng nữa là 6 hạt sao Bắc Đẩu, 3 lượng cuối cùng là 3 sao Phúc Lộc Thọ. Nam Đẩu chủ sinh, Bắc Đẩu chủ tử, Phúc Lộc Thọ chủ phúc khí, tài phú và thọ mệnh; hàm nghĩa của người xưa vô cùng rõ ràng, việc cân đo đong đếm nhất định liên quan đến sinh tử, khuyết cân thiếu lượng:
Thiếu một lượng thì giảm phúc, thiếu hai lượng thì giảm lộc, thiếu ba lượng thì giảm thọ. Chiếc cân này được cổ nhân lưu truyền cho tới ngày nay, với tư cách là cán cân chuẩn mực cho sự thành tín, kết tinh của tinh hoa văn hóa truyền thống.
Thành tín không lừa gạt là yếu tố cơ bản của việc duy trì thành công lâu dài trong kinh doanh. Người xưa có nói, hoạt động kinh doanh mẫu mực ấy chính là “Sự nghiệp Đào Chu“, sau là cần lấy “Phong thái Quản Bảo” làm tấm gương. Đối với khách hàng, thương gia, vô luận lớn nhỏ, đều nên dùng thành tín mà đối đãi.
Đào Chu ở đây chính là để nói đến Phạm Lãi.
Căn cứ theo sách sử ghi lại, Phạm Lãi lúc tuổi còn trẻ uyên bác tinh thông, bụng đầy kinh luân, không chỗ nào là không tinh tường, nhưng lại không được người đương quyền nước Sở trọng dụng.
Năm 496 TCN, nước Ngô và nước Việt xảy ra chiến tranh, Ngô vương Hạp Lư tử trận. Con của Hạp Lư là Phù Sai vì muốn báo thù cho cha, nên năm 494 TCN đã cùng nước Việt tại Phu Tiêu (nay là núi Động Đình, Thái Hồ, Giang Tô) quyết chiến. Việt Vương Câu Tiễn đại bại, còn sót lại 5.000 quân lính phải trốn vào núi Hội Kê.
Phạm Lãi lúc này đang phò tá Việt Vương Câu Tiễn, vì vua bày mưu tính kế. Hơn 20 năm sau, Câu Tiễn cuối cùng khiến nước Ngô đại bại, Phù Sai phải tự vẫn. Việt Vương trở thành bá chủ thời kỳ mới là hậu Xuân Thu. Phạm Lãi được tôn là Thượng Tướng quân.
Biết rõ Câu Tiễn là người có thể chung hoạn nạn, nhưng lại khó cùng hưởng thái bình, Phạm Lãi đã chọn đường lui thân. Sau khi Câu Tiễn lên làm bá chủ, Phạm Lãi mang theo gia quyến, thân tín cùng tùy tùng lên thuyền rời đi, lênh đênh đến nước Tề, tự mình đổi tên thành “Xi Di Tử Da”, có nghĩa là “1 túi đựng rượu bị trục xuất vì phạm tội“. Đoàn của ông cùng khai hoang canh tác, đồng thời kinh doanh buôn bán. Không quá vài năm, tích lũy được mấy ngàn vạn gia sản.
Trở thành đại phú ông, nhưng Phạm Lãi trọng nghĩa khinh tài, thường làm việc thiện ở quê nhà. Về sau, Tề vương nghe nói, mời ông đến kinh thành, tấn phong làm Tướng quốc. Phạm Lãi cảm thán nói: “Làm quan đến tể tướng, gầy dựng gia sản có được nghìn vàng, đối với một người xuất thân là dân thường, vốn chỉ có hai bàn tay trắng mà nói thì đã là lên tới cực điểm, nếu sống hưởng thụ cái tôn danh mãi như vậy thì e rằng không phải là điều tốt lành”.
Vì thế, sau 3 năm làm Tướng quốc, lần nữa Phạm Lãi giã từ sự nghiệp khi đang trên đỉnh vinh quang, từ quan bỏ lại gia tài mà rời đi.
Sau khi lặng lẽ rời khỏi nước Tề, Phạm Lãi lần này là lần di chuyển thứ 3, ông đi đến Đào (nay là tây bắc Định Đào, Sơn Đông), lần nữa khởi nghiệp kinh doanh. Phạm Lãi căn cứ vào thời tiết, khí hậu, dân tình, phong tục,…mà lập nghiệp tích gia sản. Trong vài năm, ông lại trở thành cự phú, lấy hiệu là “Đào Chu công“.
Vì Đào Chu công làm giàu có đạo, phú mà có thể nhân, cho nên được xưng là “Thương thánh”, cũng được coi là Nho thương chi thuỷ tổ.
Sử gia Tư Mã Thiên ghi rằng: “Phạm Lãi dời chuyển ba lần đều có vinh hiển“, trong sử sách khác cũng khái quát Phạm Lãi bình sinh nói rằng:
“Làm ăn buôn bán phải dựa theo thời cơ chứ không phải đi cạnh tranh với người khác”.
Thế nhân ca tụng ông là người “lấy lòng trung phụng sự quốc gia, biết dùng trí để giữ thân, biết kinh doanh nên giàu có, từ đó mà danh nổi tại thiên hạ”.
Phạm Lãi kinh doanh coi trọng nhân nghĩa, cũng không hám lợi; đối với người hợp tác cùng, ông khiêm tốn nhún nhường; đối với người làm thuê thì rộng rãi hào phóng; gặp phải năm không may giảm sản lượng, thì miễn giảm địa tô, còn phát chuẩn cứu tế. Trong kinh doanh, ông và nông dân, thương nhân đầu năm ký kết hiệp ước thu mua thương phẩm; đến cuối năm, nếu như giá cả thương phẩm tăng lên, Phạm Lãi liền chiếu theo giá cả hiện tại của thị trường cuối năm mà thu mua; nếu như giá xuống, ông vẫn nghiêm khắc thực hiện hiệp ước.
Bởi vậy, Phạm Lãi thu phục được nhân tâm của phần đông thương nhân, nông dân và thợ thủ công, nhờ thế mà có được lượng đối tác làm ăn ổn định. Cũng vì ông chân thành trong hợp tác, tổng giá thành sản phẩm cũng giảm xuống rất nhiều, cuối cùng đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi.
Ông cũng trọng tín nghĩa. Một lần, Phạm Lãi kinh doanh xoay vòng vốn gặp khó khăn, phải vay một phú hộ 10 vạn tiền. Một năm sau, phú hộ mang khế ước vay tiền đến đòi nợ, trên đường đi tay nải không cẩn thận nên rớt xuống nước, khế ước vay tiền và lộ phí cũng bị mất, vì vậy phải tìm Phạm Lãi nương nhờ. Dù không có khế ước, nhưng Phạm Lãi không chỉ trả lại cả vốn lẫn lời, mà còn đưa thêm tiền lộ phí. Danh tiếng về nhân tín của Phạm Lãi truyền rộng khắp thiên hạ. Trong việc kinh doanh sau này, tất cả phú hộ đều sẵn lòng chủ động đến đưa tiền, giúp Phạm Lãi vượt qua khủng hoảng tài chính.
>>> Nguồn gốc dân gian của đạo lý kinh doanh “Công bằng giao dịch”
Ngoài ra, ông còn vô điều kiện mà đem kinh nghiệm làm ăn, nuôi dưỡng kỹ thuật đợi truyền thụ cho người khác. Ví như trong “Tề dân yếu thuật” có ghi lại chuyện về một chàng trai nghèo tên Y Đốn từng đến gặp Phạm Lãi thỉnh giáo thuật làm giàu, Phạm Lãi liền chỉ cho anh ta nuôi 5 loại gia súc. Quả nhiên, Y Đốn làm giàu rất nhanh.
Vì thế trong kinh doanh, Phạm Lãi là “người giàu có luôn hành sự theo đức, hết sức chú trọng đạo đức và đạo nghĩa. Trong 19 năm, ông 3 lần đạt được sự giàu có tột bậc nhưng cũng 3 lần đem hết của cải bạc tiền phát cho người nghèo và họ hàng không thân thiết, bản thân ông không vì tiền tài mà lao tâm”.
Phạm Lãi trị quốc thì quốc thịnh, trị gia thì gia phú, còn không màng danh lợi, giã từ sự nghiệp khi đang trên đỉnh vinh quang. Vương Thập Bằng thời Đại Tống từng làm thơ tán dương ông, rằng:
“Chỉ cùng quân vương chung khổ nạn, Công thành liền lùi bước ra đi. Mặt hồ mênh mông sương khói dập dờn, Ai người đầu tiên lên thuyền nhỏ”.Mai Mai, dịch từ Epoch Times