Đánh thức tiềm năng sân khấu du lịch
Những năm gần đây Việt Nam bắt đầu chú trọng đến việc dùng sân khấu phục vụ cho du lịch, người ta thường gọi đó là “sân khấu du lịch” nhưng thực chất đó chỉ là những sân khấu tự phát nhỏ lẻ.
1 tiết mục rối nước của Nhà hát Thăng Long. Nhiều tiềm năng… Là một đất nước có thế mạnh về cảnh quan tự nhiên, sở hữu nhiều kỳ quan thiên nhiên thế giới. Đặc biệt Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nhiều di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được tổ chức UNESCO công nhận. Thế nhưng việc làm cho những di sản này trở thành sản phẩm văn hóa được tiêu dùng không chỉ trong phạm vi hẹp của riêng công chúng Việt Nam, mà quan trọng hơn là nó phải được lan tỏa rộng trên phạm vi toàn cầu thì còn rất nhiều hạn chế. Để cho bạn bè khắp năm châu biết Việt Nam có một nền văn hóa phong phú đậm bản sắc thì con đường làm sân khấu du lịch là một giải pháp hay. Dùng những sản phẩm đặc biệt này phục vụ cho du lịch và lấy nguồn thu đó để tái sản xuất, để bảo tồn và phát huy chính các loại hình nghệ thuật này của dân tộc là điều hoàn toàn đúng và mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, việc làm sân khấu du lịch của chúng ta đang có rất nhiều vấn đề cần bàn. Sở hữu nhiều di sản là thế nhưng hiện chỉ có vài nơi hoạt động có hiệu quả. Nói đến sân khấu phục vụ du lịch có hiệu quả thì có lẽ phải nhắc đến Nhà hát Múa rối nước Thăng Long ở Hà Nội sáng đèn liên tiếp các ngày trong tuần, mỗi ngày có nhiều suất diễn; sân khấu Múa Rối nước Rồng Vàng tại cung Văn hóa Lao Động – TP HCM thường xuyên biểu diễn vào các buổi chiều tối trong tuần và khi du khách có nhu cầu thì biểu diễn tăng suất vào ban ngày. Nhiều địa phương cũng đã cố gắng đưa ca trù, đờn ca tài tử Nam bộ, hát xoan, có đơn vị còn muốn đưa hát bội, cải lương… để phục vụ du khách. Nhưng, xem ra lượng du khách đến là không đáng kể và nhiều sân khấu du lịch trong thời gian qua đã phải đóng cửa hoặc hoạt động èo uột, làm cho không ít nghệ sĩ nản lòng. Thực tế buồn Có quá nhiều nguyên nhân để giải thích các vấn đề còn tồn tại này nhưng có lẽ điều dễ thấy nhất là hiện nay các đơn vị biểu diễn và các đơn vị (công ty) lữ hành chưa có một sự kết nối chặt chẽ. Người làm du lịch và người làm sân khấu chưa gặp được nhau mà cái quan trọng nhất là chưa có người đầu tàu, kết nối họ một cách có trách nhiệm. Riêng TP HCM đã có những buổi tổ chức hội thảo, tọa đàm, bàn về việc thực hiện sân khấu du lịch nhằm kết nối các đơn vị với nhau, để thực hiện sân khấu du lịch nhưng rồi kết quả cũng không đi đến đâu. Người làm nghệ thuật thì cứ dàn dựng và biểu diễn, nhưng người làm du lịch thì không đưa khách đến… là một thực tế đáng buồn. Những ai yêu nghệ thuật múa rối nước chắc chắn sẽ rất buồn khi sân khấu rối nước ở đảo Phú Quốc với tên gọi rất mỹ miều “sân khấu rối nước đảo Ngọc” dù được tài trợ trong thời gian đầu nhưng nay đã ngưng hoạt động, một số sân khấu rối nước khác ở TP HCM cũng vậy. Thiếu sân khấu biểu diễn cũng là một bất cập lớn. Là một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước, mỗi năm hàng triêụlượt khách du lịch đến đây nhưng TP HCM chưa có một nhà hát nào chuyên biểu diễn phục vụ du lịch với qui mô xứng tầm như các quốc gia trong khu vực. Các chương trình cải lương “Hồn Việt” hay như chương trình xiếc kết hợp với múa “À ố show” phải đi thuê sân khấu của Nhà hát Lớn thành phố và lịch diễn thì thụ động, giá thuê cao… Sân khấu du lịch do vậy không có đường ra. Sân khấu du lịch đang bị bỏ trống! Những di sản văn hóa nghệ thuật độc đáo của cha ông ta để lại dù được thế giới công nhận, tôn vinh nhưng đang bị chúng ta lãng phí.Nghệ thuật sân khấu chính là nơi thể hiện những tinh hoa của dân tộc mà không loại hình nghệ thuật nào có được lợi thế này. Những người làm công tác quản lý du lịch và văn hóa, các đơn vị lữ hành và các nghệ sĩ hãy ngồi lại với nhau để cùng tìm ra những giải pháp, tạo nên những sản phẩm sân khấu phục vụ cho du lịch, góp phần giới thiệu văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam với bạn bè quốc tế và tạo thêm những sản phẩm, sự kiện để thu hút du khách. Thạc sĩ, Đạo diễn Hoàng Duẩn |
Theo Đại Đoàn Kết