Dâng đất nghị hòa bán nước cầu vinh, giết hại trung thần để nhục ngàn thu

15/06/18, 14:50 Cổ Học Tinh Hoa

Nghe lời xằng bậy của gian thần và lo sợ bị mất quyền lực, Tống Cao Tông Triệu Cấu chủ trương nghị hòa với nước Kim, dâng đất cùng châu báu, giết hại trung thần, gây nên án oan thiên cổ, là căn nguyên của sự lụi tàn và diệt vong của Đại Tống sau này.

Tạo hình Tống Cao Tông Triệu Cấu và Đại tướng quân Nhạc Phi trên điện ảnh. (Ảnh: Sohu)

Nhà Tống là một triều đại cai trị ở Trung Quốc từ năm 960 đến 1279, quân chủ khai quốc của nhà Tống là Triệu Khuông Dẫn, đã thành công trong việc thống nhất Trung Quốc trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, và sau này bị thay thế bởi nhà Nguyên.

Nhà Tống là nhà nước đầu tiên trên thế giới phát hành ra tiền giấy. Triều đại này đã chứng kiến việc lần đầu tiên sử dụng thuốc súng, cũng như nhận thức về cách sử dụng la bàn.

Triều nhà Tống được chia thành hai giai đoạn riêng biệt: Bắc Tống và Nam Tống.

Bắc Tống (960-1127) là giai đoạn khi thủ đô của họ ở thành phố Biện Kinh (nay là Khai Phong) ở miền bắc và triều đình kiểm soát toàn bộ Trung Hoa.

Nam Tống (1127-1279) để chỉ khoảng thời gian khi nhà Tống đã mất quyền kiểm soát phía bắc cho người Nữ Chân nhà Kim, trong thời gian này triều đình nhà Tống lui về phía nam sông Trường Giang và lập kinh đô ở Lâm An (nay là Hàng Châu).

Hoàng đế đầu tiên nhà Nam Tống – Cao Tông Triệu Cấu (1107 – 1187) là hoàng đế tham sống sợ chết, tự tư tự lợi, bị gian thần Tần Cối (1090 – 1155) mê hoặc mà chấp thuận chủ trương nghị hòa với nhà Kim, điều kiện để đạt được nghị hòa là Cao Tông phải dâng đất xưng thần, cống nạp ngân lượng châu báu, đặc biệt hơn cả chính là đáp ứng chỉ thị bí mật “Phải giết Nhạc Phi, sau đó giảng hòa có thể thành công” của Thái tử thứ 4 nước Kim – nguyên soái Hoàn Nhan Ngột Truật (Kim Ngột Truật).

Tạo hình Cao Tông Triệu Cấu (phải) và gian thần Tần Cối (trái) trên điện ảnh. (Ảnh chụp màn hình)

Đời sau giả thuyết nhiều lý do vua Cao Tông mượn tay Tần Cối để diệt trừ Nhạc Phi

1. Nhạc Phi khi tấn công phủ Hoàng Long, kinh đô nhà Kim, thì sẽ cứu 2 vua Huy Tông và Khâm Tông. Cao Tông sợ phải dâng lại ngai vàng nên cách duy nhất để tránh việc đó là Nhạc Phi phải biến mất.

2. Nhạc Phi công cao hơn chủ. Thắng nhiều trận nên uy danh át cả vua. Nhà Tống vốn rất đề phòng võ quan, thông qua các sự kiện lịch sử đã từng làm uổng hoặc chết nhiều tướng tài. Nhạc Phi là một võ tướng rất thành công, do vậy mà quân thần nhà Tống coi là cái gai trong mắt.

3. Cao Tông mang nặng tư tưởng đương thời của nhà Tống, nghĩ rằng trả tiền cho địch vẫn rẻ hơn là cung cấp cho quân đội nhà Tống. Vốn dĩ xuất thân thư sinh, các quân chủ nhà Tống rất bạc về lễ với giới cấp binh sỹ, và không thích đầu tư vào giới quân sự.

Quả vậy, đích xác Cao Tông lo sợ Nhạc Phi thu phục lại vùng đất đã mất, đón nhị đế về thì ngôi vị của ông ta khó giữ. Mà bên cạnh Cao Tông lại là tên tể tướng đại gian đại ác Tần Cối, trong lịch sử không có ai bị thiên hạ phẫn hận phỉ nhổ như Tần Cối, bán nước cầu vinh, hãm hại trung lương, tiếng xấu lưu lại muôn đời trong sử sách.

Trước khi bị quân Kim bắt, vua Tống Huy Tông chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, lãng phí rất nhiều tiền bạc vào vườn Thượng Uyển, các thú vui nhân gian cũng như cống nạp ngân lượng cho nhà Kim. Dưới áp lực ngày càng lớn đến từ triều đình nhà Kim, Huy Tông thoái vị, nhường ngôi cho con là Tống Khâm Tông. Khâm Tông cũng không thay đổi được nhiều cục diện hiện tại, tiếp tục hòa hoãn với nhà Kim cho đến khi bị bắt.

Khi 2 hoàng đế triều đình Bắc Tống bị quân Kim bắt, Tần Cối và vợ là Vương thị cũng đồng thời bị bắt. Tần Cối là người nham hiểm, trước thì tỏ rõ ý phục tùng Kim Thái Tông như một kẻ nô tài, sau thì nghênh đón Kim Ngột Truật của nhà Kim, Vương Thị còn tư thông với Kim Ngột Thuật. Triều đình nhà Kim phái vợ chồng Tần Cối về lại Trung Nguyên làm nội ứng, khi nào nắm được quyền hành thì sẽ dâng giang sơn nhà Tống cho triều đình nước Kim.

Tần Cối trở về lại Tống cùng vợ mà không mảy may việc gì, trong triều có người tố cáo y là gian thần Kim quốc nên mới bình an trở về từ quãng đường hàng ngàn dặm. Tuy nhiên bằng miệng lưỡi giảo hoạt, y đã thoát được sự ngờ vực của Cao Tông và sau đó nắm giữ quyền cao chức lớn.

Cặp đôi vua – tể tướng chủ hòa gian xảo này câu kết làm càn, đối với người kiên quyết kháng Kim, thu phục Trung Nguyên, bảo vệ quốc gia dân chúng như Nhạc Phi thì cố tình coi như mối họa lớn, quyết tâm sát hại cho kỳ được Nhạc Phi.

Trung thần triều Nam Tống – Đại tướng quân Nhạc Phi

Tượng Nhạc Phi, trong miếu thờ Nhạc Phi ở Hàng Châu. Bốn chữ trên bảng là “Hoàn ngã hà sơn” – “Trả lại núi sông của ta”. (Ảnh: Visiontimes)

Nhạc Phi (1103 – 1142) là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Sinh ra vào cuối triều Bắc Tống, được biết đến không chỉ với nhiều chiến công oanh liệt, mà còn vì tiêu chuẩn đạo đức cao thượng.

Khi Nhạc Phi đến tuổi trưởng thành, triều đình chiêu mộ những binh sĩ tài giỏi chống giặc Kim xâm lược, ông phải đối mặt với một tình thế khó xử: Một mặt muốn chiến đấu chống giặc xâm lược bảo vệ đất nước; nhưng mặt khác ông cũng muốn ở lại chăm sóc mẹ già của mình. Bị giằng xé giữa chữ “trung” và chữ “hiếu”, ông không biết phải làm gì. Để khích lệ ông, mẹ ông bảo ông cởi áo, sau đó bà xăm lên lưng ông bốn chữ: “Tinh Trung Báo Quốc”. Bây giờ ông đã có thể tòng quân để đáp ứng nguyện ước của người mẹ và làm tròn bổn phận với đất nước.

Nhạc Phi mỗi lần xuất binh đều bất khả chiến bại và là một biểu tượng hy vọng của quốc gia trong những thời điểm khó khăn. Một lần, chỉ với 500 kỵ binh, ông đánh bại 10 vạn tinh binh của dân tộc Nữ Chân, buộc chúng phải bỏ chạy.

Nhạc Phi mỗi lần xuất binh đều bất khả chiến bại. (Ảnh: kknews)

Bên cạnh lòng dũng cảm và tài đánh trận, Nhạc Phi nổi tiếng vì luôn bảo vệ dân thường và chăm sóc cho binh lính của mình khi ra chiến trường. Nếu họ bị ốm, ông sẽ tự mang thuốc cho họ. Nếu binh sĩ chết trận, ông sẽ giúp đỡ gia đình họ. Mỗi khi triều đình phong thưởng, ông đều phân phát cho binh sĩ của mình. Ông cũng trị binh rất nghiêm khắc và cấm họ lợi dụng dân thường trong khi hành quân qua các thị trấn.

Khi Nhạc Phi đang Bắc phạt thành công, Nhạc gia quân chủ trương: “Không được lấy nhà dân ngay cả khi quân sỹ lạnh cóng; không được cướp bóc ngay cả nếu thiếu ăn” nên rất được chúng dân yêu mến và ủng hộ.

Lúc này Tần Cối cấu kết với Trương Tuấn, và những tên gian quan khác dâng tấu sớ lên Triệu Cấu: “Binh ít tướng thiếu, dân mỏi quốc mệt, Nhạc mỗ nếu tiến sâu, há chẳng nguy sao! Mong bệ hạ giáng chiếu, và lệnh lui quân!” Nhạc Phi sau khi nhận được chiếu lệnh rút quân, gắng sức giải thích lý lẽ. Nhưng Triệu Cấu là kẻ mắc “bệnh sợ Kim”, vì sự sinh tồn và hưởng lạc của bản thân và nhóm triều đình Nam Tống, đã bỏ mối thù sát phụ dâm mẫu không báo, chủ động lấy lòng người Kim, liên tiếp ban ra 12 kim bài rút quân, cưỡng ép Nhạc Phi “rút quân về triều đình bẩm tấu”. Nhạc Phi bi phẫn thở dài: “Thập niên nỗ lực, hủy vu nhất đán! Xã tắc giang sơn, nan dĩ trung hưng! Kiền khôn thế giới, vô do tái phục!” (Tạm dịch nghĩa: “Mười năm gắng sức, hủy hết một khi! Giang sơn xã tắc, khó bề trùng hưng! Càn khôn thế giới, vô phương hồi phục!”).

Nhạc Phi bi phẫn: “Mười năm gắng sức, hủy hết một khi!”  (Ảnh minh họa: Sohu)

Một năm sau, đám người Tần Cối hiến kế với Triệu Cấu, bằng chiêu thức nham hiểm “chén rượu tước binh quyền”, đã đoạt binh quyền của Nhạc Phi và sau đó hạ lệnh bãi chức Khu Mật Phó sứ của Nhạc Phi. Sau khi Nhạc Phi mất chức, trở về Cửu Giang, lên núi Lư Sơn trông coi mộ mẹ.

Tần Cối để cho tên đại gian thần khác là Vạn Sĩ Tiết vu cáo Nhạc Phi với triều đình, chụp lên ông nhiều tội danh. Cối kích động Trương Tuấn vu cáo bộ tướng của Nhạc Phi là Trương Hiến âm mưu tạo phản. Tống Cao Tông được bẩm báo rằng Nhạc Phi làm phản thì mười phần tức giận. Tần Cối thừa dịp bắt Nhạc Phi và con trai Nhạc Vân, cùng bộ tướng Trương Hiến giam vào ngục.

Tần Cối đầu tiên lệnh cho Ngự sử trung thừa Hà Chú tra tấn nhà Nhạc Phi. Nhưng Hà Chú không tìm ra bằng chứng buộc tội Nhạc Phi. Vạn Sĩ Tiết cũng không tìm thấy chứng cớ gì. Mãi đến cuối năm, Tần Cối vắt óc tìm kế, dùng đủ loại ngục hình tra tấn cũng không cách gì định án cho Nhạc Phi. Quan Đại lý tự thừa Lý Nhược Phác, Hà Sản Do, quan Đại lý khanh Tiết Nhân Phụ đều nhận định rằng Nhạc Phi vô tội, nên họ bị Tần Cối đày ải nơi xa. Những ai vì Nhạc Phi mà kêu oan tất cả đều bị hãm hại. Một người dân thường tên là Lưu Duẫn Sanh dâng thư minh oan cho Nhạc Phi, vì vậy mà bị xử tử.

Hàn Thế Trung, là vị tướng cùng với Nhạc Phi chống Kim nổi tiếng thời Nam Tống, đối với vụ án Nhạc Phi cũng rất bất bình, đối mặt trách vấn Tần Cối. Tần Cối không có cách gì trả lời, buông một câu: “Nhạc Phi hòa Nhạc Vân tả cấp Trương Hiến đích tín giá kiện sự, tuy lộng bất thanh, đãn mạc tu hữu” (Chứng cớ việc Nhạc Phi và Nhạc Vân gửi thư cho Trương Hiến, tuy rằng không rõ ràng, cũng không cần có).

Hàn Thế Trung tức giận trả lời: “3 chữ “Không cần có” lẽ nào có thể khiến người trong thiên hạ phục được?”

Vào ngày cuối năm ấy, hoa tuyết rơi bay, vợ chồng Tần Cối ở trong nhà uống rượu nghe hát. Tần Cối một lòng cố nghĩ ra cách đẩy Nhạc Phi vào tử địa, nhưng không có chứng cứ gì, cho nên trong bụng nặng nề. Vương thị vốn ngày đêm thường xui khiến Tần Cối giết hại Nhạc Phi, lúc đó bèn rỉ tai chồng: “Giết cọp thì dễ, thả cọp thì khó”. Tần Cối nghe Vương thị nói thế, thấy rằng không thể chần chừ thêm nữa, bèn gửi một lá thư cho cai ngục, bảo bí mật sát hại Nhạc Phi. Nhạc Vân, Trương Hiến cũng đồng thời bị giết. Dân chúng cả nước đều khóc họ. Vợ chồng tên gian thần Tần Cối đã tạo ra một vụ án thiên cổ kỳ oan khiến người và Thần cùng nổi giận.

Đại gian đại ác Tần Cối quyết tâm sát hại cho kỳ được Nhạc Phi. (Ảnh: Sohu)

Trên đầu ba thước có Thần linh, kẻ hành ác tất gặp báo ứng

Năm Thiệu Hưng thứ 25 (năm 1155), Tần Cối mọc một cái mụn độc khó hiểu trên cột sống, đau đớn mà chết ở tuổi 65. Trước khi Tần Cối chết, Triệu Cấu đã cự tuyệt ý đồ đưa con nuôi Tần Cối là Tần Hy lên làm tể tướng, từ đó, bè đảng Tần Cối thất sủng, bị triều đình ghẻ lạnh, đẩy nhanh cái chết của Tần Cối. Sau khi Tống Hiếu Tông kế vị, đã giải oan cho Nhạc Phi và đưa trách nhiệm hại chết nhóm người Nhạc Phi tính hết cho Tần Cối .

Sau khi Tần Cối chết, nhục thân chôn ở Mục Ngưu Đình, trấn Mục Long ngoại ô phía tây nam thành phố Nam Kinh. Có dựng một cái bia, nhưng trên bia không có chữ, nghe nói vì không ai muốn viết văn bia cho ông ta. Năm Thành Hóa thứ 11 đời Minh (năm 1485), mộ Tần Cối bị kẻ trộm hủy hoại hoàn toàn, những kẻ trộm mộ lấy được hàng vạn các đồ vàng bạc. Kẻ trộm mộ sau khi bị quan phủ bắt được, quan địa phương có ý giảm nhẹ hình, gọi là “giảm hình phạt, để rõ cái ác của Tần Cối”, thực ra là quan phủ xúi giục kẻ trộm mộ. Con cháu đời sau Tần Cối phần lớn đổi sang họ Từ. Sau khi Tần Cối chết, thân thể thật sự bị đọa địa ngục chịu tội, sau mấy trăm năm, vào thời Dân Quốc, có người bị xuống địa ngục được hoàn dương trở về nói, Tần Cối vẫn ở dưới địa ngục chịu khổ.

Bức tượng của 4 kẻ gian ác hãm hại bậc trung lương Tần Cối, Vương Thị, Trương Tuấn, Vạn Sĩ Tiết (từ phải qua trái). (Ảnh tổng hợp)

Dân gian dùng bột mì nặn hình Tần Cối và Vương thị, bỏ vào chảo dầu rán, gọi là “Rán Tần Cối”, nghe nói đây chính là nguồn gốc của bánh quẩy hiện nay. Có thể thấy, dân gian Trung Quốc căm hận đám gian thần Tần Cối như thế nào.

Triều Nguyên, mọi người đến mộ Tần Cối đại tiểu tiện chửi rủa, gọi là “cái mả thối”, có thơ viết: “Đất trên mộ thái sư, thối um tận chân trời”. Tần Giản Tuyền, hậu nhân của dòng tộc họ Tần đời Thanh đến trước mộ Nhạc Phi ở Tây Hồ – Hàng Châu, tự nói: “Từ sau đời Tống ít tên Cối, tôi trước mộ ông thẹn họ Tần.”

Tháng 9 năm 2011, quê hương Tần Cối mở cửa nhà bảo tàng mới Giang Ninh – Nam Kinh, bên trong có tượng Tần Cối ngồi, trên mạng, các lời bình ác ý như thủy triều, cháu 30 đời của Nhạc Phi là Nhạc Quân và 8 vị hậu nhân của Nhạc Phi đã đến Giang Ninh kháng nghị quyết liệt, bảo tàng đã lập tức tháo bỏ tượng Tần Cối, và cam kết sẽ tiêu hủy ngay.

Còn về Tống Cao Tông Triệu Cấu, ông chết vào ngày 8 tháng 10 năm Thuần Hy thứ 14 (năm 1187). Sau khi chết đến năm thứ 3 mới được chôn ở khu lăng mộ nhà Tống ở ngoại ô Thành phố Thiệu Hưng – Chiết Giang. Triệu Cấu khi còn sống đã phái người khảo sát địa hình khu lăng mộ nhà Tống, ở đó có một ngôi chùa cổ gọi là Thái Ninh Tự. Quan lại phụ trách xây lăng mộ hoàng đế báo cáo với Triệu Cấu rằng, ở đó là một vùng đất quý về phong thủy, phía trước Chu Tước, phía sau Huyền Vũ, bên trái Thanh Long, bên phải Bạch Hổ. Sau này lấy danh nghĩa báo thù, nhóm người Tông Duẫn đào trộm phá hủy lăng mộ 101 ngôi lăng mộ họ Triệu, đem hài cốt dòng tộc họ Triệu vứt đầy núi rừng, trông thật thê thảm. Thậm chí thi hài họ Triệu còn bị trộn lẫn xương trâu ngựa, để vào trong tháp xây cao 13 trượng ở cố cung Lâm An, gọi là Trấn Bản, ý nghĩa là trấn trú triều đình Nam Tống, ngăn chặn nó sống lại.

Triệu Cấu tuy sống 80 tuổi, có thể coi là hoàng đế trường thọ. Nhưng chính quyền Nam Tống do Triệu Cấu khai sáng là một vương triều yếu nhược bất tài, tạm bợ cầu an, tầm thường chẳng khác gì ngụy quyền Hán gian bán nước cầu vinh.

Tháng 2 năm 1276, Đại Hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt hạ lệnh đại quân Nguyên Mông đánh Lâm An. Tống Cung Đế Triệu Thấp 5 tuổi tuyên bố đầu hàng, mở cổng thành đón địch, chính quyền Nam Tống sụp đổ. Ngày 17 tháng 3 năm 1279, triều đình lưu vong Triệu Tống dưới sự truy đuổi đánh đến cùng của quân Nguyên Mông, trải qua trận Nhai Sơn hải chiến, quân Nguyên lấy ít thắng nhiều đánh bại quân Tống. Tả thừa tướng thời Tống Mạt Lục Tú Phu cõng tiểu hoàng đế Triệu Bỉnh vừa tròn 8 tuổi, dẫn hơn 800 người hoàng tộc họ Triệu nhảy xuống biển tự vẫn. 10 vạn quân dân nhà Nam Tống sau khi chiến bại cũng theo đó mà nhảy xuống biển tuẫn quốc, nhà Nam Tống do Triệu Cấu khai sáng yên ổn một chút thì từ đây đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Trương Tuấn vì độc bá quân quyền Nam Tống, đã chủ động phối hợp với Tần Cối, ngụy tạo chứng cứ giả, mưu hại 3 người Nhạc Phi, chẳng được bao lâu, Tần Cối lại dùng cùng thủ đoạn đã ép Trương Tuấn từ chức, giáng làm dân thường. Những năm cuối đời Trương Tuấn khá thê thảm.

Những tiểu nhân gian nịnh hãm hại Nhạc Phi như Vạn Sỹ Tiết, Vương Tuấn v.v.. tuy nhất thời thăng quan, phát tài, nhưng cuối cùng kết thúc đều rất thê thảm. Sau khi án oan Nhạc Phi được minh oan, cháu đích tôn của Nhạc Phi là Nhạc Kha trở thành nhà sử học, học giả trứ danh thời Nam Tống. Ngày nay, con cháu của Nhạc Phi ở Trung Quốc có 1,81 triệu người, chỉ riêng tỉnh An Huy con cháu của Nhạc Phi đã là hơn 1 triệu người.

Trên đầu ba thước có thần linh. (Ảnh qua alphr.com)

Người xưa có câu “Được lòng dân là được thiên hạ, mất lòng dân là mất thiên hạ”. Người lãnh đạo đất nước, nếu biết suy nghĩ cho an nguy của xã tắc, hưng thịnh của quốc gia, lắng nghe hiền tài, xử nghiêm tham quan, coi dân như con, là cội nguồn của thái bình thịnh trị, thì đất nước ấy tất hưng khởi và vững bền. Ngược lại, kẻ chỉ coi trọng danh vọng và lợi ích của bản thân, tham lam, ích kỷ, đố kỵ thì chỉ có thể dẫn dắt đất nước đi tới diệt vong và không ngừng hoàn trả ác nghiệp nơi địa ngục. Minh chứng lịch sử tự cổ chí kim, hàng ngàn năm nay đã nói rõ điều ấy.

Viên Luân (t/h)

Ad will display in 09 seconds

Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

Ad will display in 09 seconds

Donor - Một câu chuyện có thật

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

Ad will display in 09 seconds

Ấm trà tri âm

Ad will display in 09 seconds

Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

Ad will display in 09 seconds

Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

Ad will display in 09 seconds

Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!

  • Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

    Cách chọn đồ đệ của lão thợ khóa khiến nhiều người bất ngờ

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

    Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

  • Donor - Một câu chuyện có thật

    Donor - Một câu chuyện có thật

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • 10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

    10 bức tranh địa ngục, ai xem cũng kinh sợ!

  • Ấm trà tri âm

    Ấm trà tri âm

  • Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

    Từ bỏ điều này sẽ đắc Phúc báo

  • Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công?  Đây là lời giải đáp

    Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

  • Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!

    Chớ nghĩ nhân gian nhiều mỹ hảo, ma quỷ đang thao túng con người!