Dân Lý Sơn đào giếng ‘khủng’ tìm nước ngọt
(TNO) Nắng nóng kéo dài suốt nhiều tháng qua khiến hơn 21.000 người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Do vậy, phong trào đào giếng “khủng” để tìm nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên đảo diễn ra khá phổ biến.
Hiện nay, trên nhiều cánh đồng trồng hành, tỏi ở Lý Sơn, giếng to, giếng nhỏ, giếng mới, giếng cũ nối liền nhau. Thậm chí, tại cánh đồng ở thôn Tây, xã An Vĩnh, giếng nước nhiều đến mức người dân đất đảo gọi là “phố giếng”. Tiếp xúc với PV Thanh Niên Online, anh Nguyễn Quảng (35 tuổi), cho biết trước đây người dân Lý Sơn chỉ đào giếng có đường kính 2,5 m nhưng do nguồn nước không đủ tưới cho hành, tỏi nên hiện tại phải đào giếng có đường kính lên đến 5,5 m.
Theo anh Quảng, để đào được một giếng “khủng” phải mất gần 3 tháng ròng rã với kinh phí đầu tư khoảng 150 triệu đồng.
“Sau khi đào xong phần đất, nhân công phải bê từng viên đá xếp lại thành vòng tròn với chiều cao hơn 8 m nên tốn hàng trăm công lao động. Tuy vậy, nguồn nước của giếng cũng rất ít, chỉ đủ tưới cho vài sào”, anh Quảng nói.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, nếu như năm 2014, trên địa bàn Lý Sơn có 546 giếng nước thì đến nay đã tăng lên gần 1.300 giếng, trong đó có 913 giếng khoan và 414 giếng đào. Số lượng giếng tăng nhanh cộng với việc khai thác tối đa nên dẫn đến nguồn nước ngầm ở đảo Lý Sơn ngày càng cạn kiệt và bị nhiễm mặn.
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã tổ chức vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ tránh tình trạng nhà nhà đua nhau đào giếng tràn lan như hiện nay.
Tin, ảnh: Hiển Cừ |
Theo Thanh Niên