Đài Loan từng cảnh báo về dịch Vũ Hán từ rất sớm nhưng bị WHO phớt lờ
Vào cuối năm ngoái, chính phủ Đài Loan từng lên tiếng cảnh báo về một chủng virus có khả năng lây truyền từ người sang người đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhưng tổ chức này đã quyết định lờ đi. Hậu quả là hàng tỷ dân trên thế giới đã và đang phải sống trong lo sợ bởi sự bùng phát, lây lan chóng mặt của dịch bệnh Vũ Hán (COVID-19).
Vấn đề giữa WHO và Đài Loan
Tờ National Review dẫn lời phó Tổng thống Đài Loan, ông Trần Kiến Nhân cho hay: “Tổ chức Y tế Thế giới tạo ra một sân chơi để tất cả các quốc gia cùng nhau chia sẻ thông tin và biện pháp phản ứng với đại dịch, nhưng những thông tin được chia sẻ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của quốc gia chúng tôi lại không hề được đề cập đến.
Tổ chức Y tế Thế giới đã không thể tự thu thập thông tin để nghiên cứu và đánh giá xem liệu căn bệnh COVID-19 có thể lây truyền từ người sang người hay không. Chính điều này đã khiến họ chậm trễ trong việc đưa ra khuyến cáo dịch bệnh có thể lây nhiễm từ người sang người, khiến Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới không thể nâng cao cảnh giác trước dịch bệnh”.
Các bác sĩ tại Đài Loan phát hiện virus Vũ Hán có thể lây nhiễm từ người sang người sau khi những đồng nghiệp của họ ở Trung Quốc đại lục tiết lộ rằng một số cán bộ y tế ở đây đã bị lây nhiễm một chủng virus mới.
Sau đó vào ngày 31/12/2019, Đài Loan đã gửi báo cáo tới Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, WHO đã không hề liên lạc với bất kỳ nhà chức trách nào của bên Đài Loan để thảo luận về vấn đề virus.
Và phải đến ngày 20/1 năm nay, khi các nhà chức trách Trung Quốc đưa ra xác nhận về việc dịch bệnh Vũ Hán có thể lây truyền từ người sang người thì thông tin này mới được công bố ra toàn thế giới. Về cơ bản, Tổ chức Y tế Thế giới đã “che giấu” thông tin về dịch bệnh Vũ Hán trong suốt gần 3 tuần. Có thể thấy WHO vì duy trì mối quan hệ tốt đẹp với chính phủ Trung Quốc nên đã không hề đưa ra bất kỳ động thái nào liên quan đến virus Vũ Hán tại thời điểm đó. Và giờ đây, cả thế giới đều đang phải nhận chung hậu quả từ việc che đậy thông tin quan trọng về virus Vũ Hán.
Trong khi Đài Loan đã ngay lập tức thực hiện các biện pháp phòng tránh từ đầu tháng 1 như: thực hiện chẩn đoán, quét thân nhiệt khách du lịch, ban hành lệnh cấm di chuyển, tăng gia sản xuất khẩu trang bảo hộ,… thì phải cho đến cuối tháng 1, các quốc gia khác trên toàn thế giới mới bắt đầu biết về sự nguy hiểm của dịch Vũ Hán và thi hành các phương án phòng dịch nghiêm ngặt.
Hiện Đài Loan đang là một trong những quốc gia có số ca lây nhiễm và số ca tử vong thấp nhất trên toàn thế giới, một điều khiến cho các chuyên gia bất ngờ vì họ dự đoán rằng quốc đảo này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh do địa thế gần với Trung Quốc.
Giả sử nếu WHO quan tâm tới những báo cáo và mà Đài Loan đã chia sẻ, và cả thế giới cùng thực hiện phòng chống dịch bệnh kể từ đầu tháng 1, thì hàng chục nghìn người đã không phải mất đi mạng sống vì dịch bệnh Vũ Hán. Như vậy, không chỉ có Trung Quốc khiến dịch Vũ Hán trở thành một đại dịch nghiêm trọng toàn cầu mà cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong vấn đề này.
Đài Loan viện trợ cho cộng đồng quốc tế
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gần đây tuyên bố Đài Loan sẽ quyên góp 10 triệu khẩu trang bảo hộ cho các quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Vũ Hán. Nguồn tin từ tờ DPA International cho hay: “Đài Loan sẽ gửi hỗ trợ 7 triệu chiếc khẩu trang bảo hộ tới 11 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm virus cao nhất tại châu Âu, bao gồm cả Italy, Tây Ban Nha và Đức. Đài Loan cũng sẽ quyên góp 2 triệu chiếc khẩu trang cho Mỹ và gửi 1 triệu chiếc cho 15 quốc gia đồng minh ngoại giao. Những đồng minh này đã công nhận quốc đảo là một quốc gia độc lập”.
Được biết, vào giai đoạn đầu khi dịch bệnh vừa bùng phát, chính phủ Đài Loan đã ban hành một hệ thống phân phối khẩu trang bảo hộ để đảm bảo tất cả người dân đều có thể mua khẩu trang phòng ngừa dịch bệnh. Tính đến đầu tháng 3, chính quyền Đài Loan đã lập ra 60 dây chuyền sản xuất khẩu trang, tăng số lượng khẩu trang từ 4 triệu chiếc lên 6 triệu chiếc/ngày, và cuối cùng đã tăng đến 10 triệu chiếc/ngày. Thậm chí, ngay cả các tù nhân trong nước cũng tham gia vào dây chuyền sản xuất khẩu trang.
Huy Hoàng (Theo Vision Times)