Cuộc chiến pháp lý Philippines – Trung Quốc bắt đầu
TT – Ngày 7-7, phiên điều trần đầu tiên về vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ diễn ra tại Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan).
Theo Reuters, phái đoàn quan chức Chính phủ Philippines và các luật sư Mỹ đã lên đường đến The Hague để tranh luận rằng PCA có quyền xử lý vụ kiện. Dẫn đầu phái đoàn của Manila là Ngoại trưởng Albert Del Rosario. Năm 2013, chính quyền Philippines nộp đơn lên LHQ đòi khẳng định quyền khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này trên Biển Đông. Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông, bao gồm rất nhiều bãi đá và bãi cạn mà Philippines cho rằng nằm trong EEZ của nước này. Trên thực tế, từ năm 2012 lực lượng Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm bãi cạn Scarborough nằm sâu trong vùng 200 hải lý tính từ bờ biển Philippines. Giới quan sát nhận định các nước khu vực và Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ kiện, đặc biệt khi Trung Quốc đang leo thang căng thẳng trên Biển Đông khi ồ ạt bồi đắp, xây các đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc sẽ là cú đòn mạnh giáng vào uy tín của Bắc Kinh. Không tham gia, nhưng can thiệp Kể cả khi PCA ra phán quyết có lợi cho Philippines thì LHQ không có cơ chế nào để thực thi phán quyết này. Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện. Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ trích: “Phiên tòa đơn phương này là hành vi khiêu khích chính trị đội lốt luật pháp nhằm bác bỏ chủ quyền quốc gia của Trung Quốc trên biển Hoa Nam”. Tuy nhiên, các học giả quốc tế nhận định dù không tham gia vụ kiện nhưng Trung Quốc đã tìm đủ mọi cách để vận động chống lại một phán quyết bất lợi. Theo luật pháp quốc tế, Philippines không thể đơn phương kiện Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ tranh chấp tại Tòa án công lý quốc tế (ICJ) ở The Hague. Manila thực hiện vụ kiện theo cơ chế Công ước Luật biển LHQ (UNCLOS) cho phép, dù Bắc Kinh phản đối và từ chối tham gia. UNCLOS không quy định về chủ quyền, nhưng đề ra cơ chế xác định lãnh thổ và EEZ như quần đảo, bãi đá, bãi cạn… Tháng 12-2014, chính quyền Trung Quốc ra văn bản khẳng định về bản chất, vụ kiện của Philippines là để khẳng định chủ quyền, do đó vượt ngoài quyền hạn của PCA. Nguồn tin của Reuters tiết lộ các quan chức ngoại giao và chuyên gia pháp lý Trung Quốc theo dõi sát sao vụ kiện. Đại sứ quán Trung Quốc tại The Hague thậm chí lập đường dây liên lạc chính thức với PCA. PCA sẽ cập nhật mọi thông tin về tiến trình xử lý và cơ hội để Bắc Kinh tham gia vụ kiện. Giới học giả nhận định sự can thiệp của Trung Quốc là rất rõ ràng. “Các thẩm phán đang chịu sức ép đáp ứng lợi ích của Trung Quốc” – học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) bình luận. Philippines tin tưởng vào chiến thắng Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa PCA sẽ thiên vị Trung Quốc. “Các thẩm phán hiểu rằng phán quyết cuối cùng sẽ bị Trung Quốc săm soi từng chữ” – một chuyên gia pháp lý quốc tế nhận định. Trước đó, các quan chức Philippines tự tin rằng cơ sở pháp lý mà Manila có trong tay sẽ giúp nước này giành chiến thắng. “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Chúng tôi tin rằng mình có cơ sở pháp lý vững chắc và tòa án sẽ ra phán quyết có lợi cho chúng tôi” – người phát ngôn Abigail Valte của tổng thống Philippines tuyên bố. Nếu phiên điều trần xác định PCA có đủ thẩm quyền, tòa sẽ yêu cầu Manila tranh luận về tính hợp pháp của vụ kiện trong các phiên điều trần tiếp theo. Tuy nhiên, kể cả khi đối mặt với một phán quyết bất lợi, Trung Quốc cũng sẽ tìm cách né tránh. Theo học giả Storey, phiên tòa có thể kéo dài qua thời điểm nhiệm kỳ của Tổng thống Philippines Benigno Aquino kết thúc vào tháng 6-2015. Ông Aquino là nhân vật trụ cột của chiến dịch kiện Trung Quốc. Khi Chính phủ Philippines thay đổi, quan điểm cứng rắn chống Trung Quốc mà ông Aquino đưa ra cũng có thể sẽ thay đổi. Và các học giả quốc tế nhận định chắc chắn Trung Quốc sẽ bác bỏ bất kỳ phán quyết nào của PCA có lợi cho Philippines. Reuters dẫn lời nhà khoa học chính trị Zha Daojiong của ĐH Bắc Kinh khẳng định quan điểm của Chính phủ Trung Quốc là không tham gia vụ kiện và không chấp nhận phán quyết. “Không có sự tham gia của Trung Quốc thì bất cứ phán quyết nào cũng chỉ là một ý kiến mà thôi” – ông Zha thẳng thừng tuyên bố. Tuy nhiên người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose khẳng định: “Phiên tòa là bước cơ bản đầu tiên hướng tới một giải pháp hòa bình, dựa trên pháp luật về vấn đề Biển Đông”.
TRẦN PHƯƠNG
|
Theo Tuổi Trẻ