Con đường dưới đáy biển độc nhất ở Việt Nam
Khách đến Vũng Tàu không còn lạ hình ảnh có một đảo đá nhỏ nằm cách bờ biển chừng vài trăm mét. Khi thủy triều rút xuống, nơi đây hiện ra một con đường độc đạo dẫn lên đảo.
Hòn Bà nằm trên đường Hạ Long (tên khác là Thùy Vân) thuộc Bãi Sau của thành phố Vũng Tàu. Nơi đây lúc nào cũng sôi động tấp nập khách lịch. Nếu nhìn từ xa hay từ núi có tượng Chúa dang tay, Hòn Bà giữa biển xen lẫn màu xanh của cây cối và màu đỏ của mái ngói. Khung cảnh thơ mộng khiến du khách đến đây luôn dừng chân để ngắm từ xa, bởi quanh năm sóng miên man vỗ bờ.
Người dân địa phương có dịch vụ đi thuyền chở khách sang Hòn Bà với mức giá dao động trên dưới 500.000 lượt khứ hồi. Trước khi đi những chủ thuyền đều khuyến cáo đường đi nhìn rất gần nhưng phải đi vòng ra xa mới có thể cập đảo, vì bên dưới có nhiều đá ngầm. Số lượng khách chọn đi bằng thuyền lên đảo thường không nhiều, đa phần là những người sinh sống, phục vụ trên đó hoặc khách có việc đột xuất. Chúng tôi ghé thăm nơi đây, nhờ sự chỉ dẫn của người dân địa phương nên may mắn đi đúng ngày thủy triều xuống, nước ròng để lộ ra con đường bằng đá lởm chởm dẫn thẳng lên đảo. 17h, cơn mưa vừa dứt và nước biển rút xuống rất nhanh. Trước đó chừng 2 tiếng đồng hồ, nước còn ngập khá sâu, chảy mạnh nhưng sau đó, bãi đá khổng lồ dần lộ thiên. Những tảng đá lớn, có khi cao hơn cả đầu người, đến chừng 2 m nằm sát bờ phủ màu đen tuyền, bóng lưỡng. Bãi cát trải dài, mịn, phẳng lỳ và nền cát rất rắn dẫn chúng tôi đến với con đường đá mà đa phần là những tảng đá nhỏ được xếp khá ngay ngắn. Đá rất nhọn, sắc. Trên thân những tảng đá này, hàu bám vào sinh sống rất nhiều. Vỏ hàu sắc, đá trơn trượt, đi lại không hoàn toàn dễ dàng. Khi thủy triều xuống, luôn có rất đông người dân địa phương lẫn du khách dù có vất vả nhưng luôn tìm mọi cách để đi trên con đường biển độc đáo này lên Hòn Bà. Thông thường, nước chỉ rút sâu vào ngày 14, 15 âm lịch hàng tháng, vào mỗi buổi chiều muộn.
Nhiều người dân địa phương tìm kế sinh nhai trên con đường đá này. Họ nhanh tay móc những con hàu tươi ngon, được gọi là hàu sữa. Một người phụ nữ cho biết, nếu may mắn, cô có thể kiếm được từ 1-2 kg hàu sữa trong mỗi lần nước rút, nhưng số lượng ngày càng hạn chế. Ngoài ra, người ta cũng bắt cua, các loại ốc… trên những tảng đá hay nằm giữa những khe đá này. Sau khi trải qua con đường đá đặc biệt này, khách sẽ lên Hòn Bà với diện tích chỉ ước chừng 5.000 m2. Nơi đây có Miếu Bà nổi tiếng mà theo một số người coi sóc, được xây dựng từ năm 1881, từng bị một sĩ quan người Pháp dùng đạn phá vào năm 1939 nhưng không gây hư hại nhiều. Năm 1971, miếu được trùng tu, nổi trên mặt đất 4 m. Bên trong miếu là các gian thờ nhỏ nhưng được xếp ngay ngắn, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Ở bên ngoài còn có các gian thờ nhỏ khác nhau.
Theo những người coi sóc miếu, mỗi năm Miếu Bà cúng 4 lệ gồm: tháng giêng, tháng 4, tháng 7 và tháng 10. Đặc biệt vào tháng giêng, miếu tổ chức cúng lớn với nhiều hoạt động lễ và hội đặc sắc. Những ngày này, khách thập phương từ khắp nơi đổ về đây rất đông. Đứng trên Hòn Bà, nếu nhìn ra phía sau là mênh mông biển cả, sóng vỗ bờ ngày đêm. Dù là đảo đá khá nhỏ nhưng các loại cây như dừa, cau, sứ… được trồng nhiều và quanh năm xanh tốt. Trong khi đó, phóng tầm mắt về đất liền, bạn sẽ thấy phong cảnh tấp nập trên bãi biển, nơi luôn có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn du khách nô đùa trên sóng. Hình ảnh những con tàu nằm ngay ngắn sau những chuyến ra khơi đầy ắp khoang cá đầy cũng tạo cảm giác bình yên cho du khách. Khôi Nguyên |
Theo Zing