Có hay không sự sống ở “Trái đất” thứ hai?
(Khám phá) – Sự kiện NASA tìm ra một hành tinh tương đồng với Trái Đất đã gây rúng động cả thế giới. Tuy nhiên “liệu hành tinh này có tồn tại sự sống hay không?
Sự kiện NASA tìm ra một hành tinh tương đồng với Trái Đất của chúng ta đã gây rúng động cả thế giới. Hành tinh này mang mã Kepler 452b và cách Trái đất tới 1400 năm ánh sáng. Đây là một hành tinh đặc biệt, nó có rất nhiều điểm tương đồng với sự sống trên Trái Đất, nhưng có một câu hỏi cần được giải đáp: “Hành tinh này có đang hoặc đã từng tồn tại sự sống hay không?
Ngay tại thời điểm này, các nhà khoa học chưa thể đưa ra ngay câu trả lời, tuy nhiên những hình ảnh về hành tinh Kepler 452b cũng đã là một tia hy vọng dành cho nhân loại rồi. Theo cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết hành tinh Kepler 452b thuộc chòm sao Cygnus. Nó di chuyển trong “vùng ở được” xung quanh một ngôi sao chủ tương tự Mặt trời của chúng ta. Trong “vùng ở được”, nhiệt độ trên bề mặt hành tinh cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng, điều kiện tiên quyết của sự sống. Với Trái Đất, sinh vật sống đầu tiên xuất hiện cách đây 3,5 tới 3,8 tỉ năm, điều có nghĩa Trái Đất cần tới 500 triệu năm để tạo ra sự sống, trong khi loài người mới xuất hiện cách đây 200.000 năm.
Các nhà nghiên cứu ước tính tuổi của hành tinh Kepler 452b dựa vào ngôi sao của nó. Báo cáo cho biết ngôi sao mà Kepler 452b xoay quanh khoảng 6 tỉ năm tuổi (hơn Mặt Trời và Trái Đất 1,5 tỉ năm). Giáo sư Jon Jenkins, trưởng nhóm nghiên cứu Ames của NASA cho biết: “Một nguồn cảm ứng vô cùng lớn đã đến khi tôi biết ngôi sao Kepler 452b đã xoay quanh ngôi sao của nó 6 tỉ năm, lâu hơn nhiều so với Trái Đất. Trong thời gian đó, có rất nhiều cơ hội cho sự sống nảy nở và sinh sôi trên mặt đất nếu có đủ thành phần cần thiết và điều kiện cho sự sống tồn tại”. Trước đây các nhà khoa học từng tìm thấy những hành tinh nằm trong “vùng ở được” của các ngôi sao, nhưng đa số những ngôi sao này đều nguội hơn và nhỏ hơn Mặt trời của chúng ta. Nhà vật lý John Grunsfeld, một lãnh đạo NASA, mô tả Kepler 452b là “anh em sinh đôi gần gũi nhất với Trái đất” hoặc “trái đất 2.0”. Chuyên gia Jon Jenkins của NASA cho biết Kepler 452b có lực hấp dẫn lớn gấp hai lần Trái đất. Hành tinh này nhiều khả năng có bầu khí quyển dày, trên bề mặt có nhiều núi lửa đang hoạt động và thậm chí cả đại dương. “Hôm nay Trái đất đã bớt cô đơn hơn” – chuyên gia Jenkins nhấn mạnh. Các chuyên gia NASA cho biết nghiên cứu Kepler 452b sẽ giúp loài người hiểu rõ được tương lai trên Trái đất sau 1,5 tỉ năm nữa, khi Mặt trời tỏa sáng hơn, đẩy nhiệt độ Trái đất tăng cao, đe dọa sự tồn tại các đại dương, sông hồ và cả sự sống loài người. Một tín hiệu đáng mừng là Kepler 452b và ngôi sao của nó “sống lâu” hơn chúng ta và Mặt Trời hơn một tỉ năm, môi trường của nó ở trong một trạng thái tốt hơn. Vì thế nếu Trái Đất có kích thước tương đồng với Kepler 452b, chúng ta sẽ có ít thể yên tâm sống thêm khoảng vài trăm triệu năm trước khi lo lắng về việc hành tinh bốc hơi bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tất nhiên điều này không mang ý nghĩa chúng ta có thể làm ngơ với sự thay đổi của khí hậu Trái Đất. Có một điều chúng ta cần phải biết, đó là những hình ảnh mà kính thiên văn Kepler ghi lại chưa thể chứng minh được rằng có nước trên bề mặt hành tinh này, và sẽ cần thêm nhiều năm nữa để các thế hệ kính viễn vọng hiện đại hơn mang lại các bức ảnh chi tiết hơn hiện tại. Như vậy “Trái Đất thứ hai” chúng ta mới tìm thấy có đủ những điều kiện để xuất hiện sự sống nhưng không có gì đảm bảo được rằng đã và đang có sự sống diễn ra ở trên đó. Tuy nhiên ở khoảng cách 1.400 năm ánh sáng, loài người hoàn toàn không có cơ hội ghé thăm “trái đất 2.0”. Nhà khoa học Jeff Coughlin của Viện Săn tìm trí tuệ ngoài Trái đất (SETI) nhận định đây mới chỉ là bước đầu tiên của con người trong nỗ lực trả lời câu hỏi “Chúng ta có cô đơn trong vũ trụ không?”. Mặc dù vậy nhưng chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một sự đột phá công nghệ, thế hệ con cháu chúng ta có thể đặt chân đến các hành tinh ngoài hệ mặt trời trong đó có trái đất thứ 2 này.
|
Theo Phụ Nữ Today