Tù nhân thế chiến II chịu sỉ nhục suốt 60 năm và lời giải chấn động tâm can
Roddick trong mắt đồng đội từng là một kẻ tội đồ không thể tha thứ, họ thậm chí còn muốn anh phải trả giá đắt cho những việc mình làm, và rất nhiều đồng đội cũng từng căm hận anh. Tuy nhiên 60 năm sau, khi sự thật về Roddick được phơi bày, rất nhiều người đã bàng hoàng rơi nước mắt.
Trong Thế chiến thứ hai, tại một trại tập trung của quân phát xít Đức, đã giam giữ gần 1.000 tù nhân Anh, và Roddick cũng là một trong số đó. Những tù nhân này luôn bị ép phải lao động nặng nhọc, và tra tấn một cách vô nhân đạo. Hàng ngày, họ bị đối xử không khác gì súc vật.
Một ngày nọ, Đức Quốc xã ra thông báo tuyển dụng tài xế đến các tù nhân chiến tranh. Hầu như không có người lính Anh nào sẵn sàng đảm nhận công việc, vì họ sẽ phải vận chuyển hài cốt của đồng đội mình.
Tuy nhiên lúc này, Roddick liền đứng dậy, anh khẳng định với Đức Quốc xã rằng mình sẵn sàng và có thể làm tốt công việc, bởi trước khi bị bắt giữ, anh từng là một tài xế trong Quân đội Anh.
Roddick sau đó đã trở thành một tài xế trong trại. Từ đó, cũng giống như những tên quản trại khác, anh trở nên thô lỗ và tàn nhẫn. Roddick không chỉ la hét, đấm, đá các tù nhân, mà còn quẳng họ vào xe tải chở thi hài đem chôn ngay cả khi họ còn sống.
Dần dần, những người lính đồng minh cảm thấy ghê tởm và ghét bỏ anh. Họ dùng mọi cách khác nhau để cảnh báo Roddick. Và trong mắt họ, anh chẳng khác nào một kẻ phản bội.
Nhưng càng như vậy, Đức Quốc xã lại ngày càng trọng dụng anh và Roddick trở nên rất được tin tưởng tại trại. Lúc đầu, quân lính Đức Quốc xã còn hộ tống theo sau xe tải của anh, nhưng sau đó, họ cho phép anh tự do ra vào mà không có người giám sát.
Tuy nhiên, các đồng đội cũ của Roddick do quá căm thù anh nên thường bí mật tấn công và đã nhiều lần suýt giết chết anh.
Vào một ngày mưa nọ, sau khi anh bị đánh đập và trả thù không thương tiếc, Roddick đã chết thảm trong một góc ẩm thấp của trại.
60 năm sau, một tờ báo của Anh đã xuất bản một bài báo với tựa đề: “Ân nhân cứu mạng tôi lại là người tôi căm ghét nhất”.
Tác giả của bài viết cho hay: “Trong trại tập trung, có một kẻ phản bội tên là Roddick sẵn sàng làm việc cho Đức Quốc xã. Ngày đó, tôi bị đổ bệnh nhưng chưa chết, vậy mà hắn vẫn quẳng tôi vào xe tải và nói với Đức quốc xã rằng hắn sẽ chôn sống tôi.
Tuy nhiên, điều khiến tôi bàng hoàng chính là khi chiếc xe tải đi được nửa chặng đường, Roddick đã dừng xe, đưa tôi xuống và đặt tôi dưới một cái cây to. Hắn để lại cho tôi vài mẩu bánh mì nâu và một chậu nước rồi vội vàng nói: ‘Hãy đến chiếc cây này nếu anh còn sống’. Sau đó, vội vã rời đi”.
Ngay sau khi câu truyện ngắn được đăng tải, tờ báo lần lượt nhận được 12 cuộc gọi đến. Họ tự nhận mình đều là cựu chiến binh của Thế chiến II, và từng là tù nhân chiến tranh ở cùng trại tập trung nơi Roddick làm việc.
12 cựu chiến binh này cũng chia sẻ câu chuyện tương tự như câu chuyện được xuất bản trên báo. Toàn bộ họ đều được giải cứu và đặt nằm dưới một gốc cây lớn nhờ Roddick.
Các cựu chiến binh kể lại rằng, bất cứ khi nào Roddick lái xe đi, anh cũng đều yêu cầu mọi người đi đến cái cây nếu họ còn sống. Một biên tập viên của tờ báo, cảm thấy cái cây mà Roddick liên tục nhắc đến này, hẳn phải chứa đựng một bí mật gì đó, nên đã lập tức triệu tập 13 cựu chiến binh để cùng đi tìm nó.
Rất may khi đến nơi, vùng thung lũng và cây đại thụ vẫn nguyên vẹn như xưa. Một cựu chiến binh đã lao đến, dang rộng hai cánh tay để ôm lấy nó.
Trong lúc đang khóc, ông bỗng tìm thấy một hộp sắt gỉ, được đặt trong một cái lỗ trên cây. Mở chiếc hộp ra, cả đoàn tìm thấy một cuốn nhật ký rách nát kèm theo nhiều bức ảnh đã ố vàng, mốc meo.
Họ cẩn thận mở cuốn nhật ký ra và đọc: “Hôm nay tôi đã giải cứu được một đồng đội khác. Anh ấy là người thứ 28. Tôi hy vọng anh ấy có thể sống sót.
Hôm nay, lại có thêm 20 binh sĩ khác đã thiệt mạng. Đêm qua, các đồng đội lại xô vào đánh đập tôi. Nhưng tôi phải giữ kín bí mật này. Bởi chỉ có vậy, tôi mới có thể giải cứu nhiều đồng đội hơn.
Các đồng đội thân mến, tôi chỉ có một hy vọng. Nếu còn sống sót, xin các anh hãy tới cái cây này”.
Giọng nói của vị biên tập viên lớn tuổi bỗng nghẹn lại vì xúc động, còn những cựu chiến binh cũng giàn giụa nước mắt. Không một ai đứng dưới cái cây biết về sự thật này. Đến cuối cùng, mọi người mới hiểu được rằng, Roddick là một anh hùng thật sự, một người lính quả cảm, đã cứu sống được tổng cộng 36 tù nhân chiến tranh Anh thời bấy giờ.
Chúc Di
Theo visiontimes.com