Chuyện cổ Phật gia: Ma Vương quấy nhiễu Văn Thù Bồ Tát
Ma Vương với tâm địa ganh ghét đã bày ra thủ đoạn xấu xa để hạ thấp Bồ Tát, nhưng Pháp lực và trí huệ của Bồ Tát cuối cùng đã hoàn toàn giáo hóa Ma Vương.
Trong vô số chư vị Bồ tát, người trí huệ đệ nhất chính là “Văn Thù Bồ tát”. Thanh bảo kiếm mà Ngài cầm trong tay, là thanh Huệ Kiếm tượng trưng cho việc chặt đứt mọi phiền não. Vật cưỡi của Ngài là một con sư tử, tượng trưng sự uy mãnh của trí huệ.
Trong vô số câu chuyện kể về việc Văn Thù Bồ Tát giáo hóa chúng sinh, có ghi chép về chuyện một Ma vương vô cùng bất mãn đối với Văn Thù Bồ tát, Ma vương này quyết định muốn phân cao thấp với Ngài.
Trong một lần đại hội cúng dường chư tăng trong chùa, Văn Thù Bồ Tát đã chuẩn bị rất nhiều cơm chay, để cúng dường tăng nhân từ những nơi khác đến. Ma vương sau khi hay được chuyện này, liền biến hóa ra bốn vạn tỳ kheo đến xin cơm chay. Bốn vạn tỳ kheo này thì người nào người nấy đều là áo quần rách rưới, mặt mũi xấu xí, người thì gù lưng, kẻ thì què chân … mỗi người đều ôm theo một cái bát vỡ khập khiễng đi vào trong chùa.
Rất nhiều người khi đi ngang qua họ, đều phải khó chịu bịt mũi lại mà nhanh chân rời khỏi. Ma vương thì biến thành một tỳ kheo, trà trộn vào trong đám tăng nhân khiến ngươi ta không thoải mái này rồi theo vào trong chùa.
Văn Thù Bồ Tát vốn không hề có chút tâm phân biệt, đối với mỗi vị tăng nhân đến xin cơm, dẫu cho áo quần rách rưới, tướng mạo ra sao, Ngài đều từ bi múc đầy cơm chay trong bát của mỗi tỳ kheo. Đối với bốn vạn hòa thượng mà ma vương biến hóa xuất lai này cũng vậy.
“A! Đau bụng quá! Ôi…ôi….ôi!”, không biết đã xảy ra chuyện gì, trong lúc bốn vạn tỳ kheo này đang ăn cơm, đều xảy ra tình trạng bi thảm là cơm mắc nghẹn trong cổ họng mà kêu lên như vậy. Họ vừa đau đớn lăn lộn vừa ho sặc sụa trên mặt đất, mà cơm rau vẫn nghẹn trong cổ họng, nuốt vào không được mà nôn ra cũng chẳng xong.
Thật ra chính là do Ma vương thi triển tà thuật diễn hóa ra cảnh trên, nhưng Ma vương lại bắt đầu làm bộ hoảng sợ, nói: “Ối…ôi …ôi! Người khác ăn đều không bị sao cả, tại sao chúng tôi ăn lại bị đau đớn như vậy?”. Tiếp đó còn muốn tạo thành sự hỗn loạn, liền nói tiếp: “Có lẽ trong cơm có tẩm thuốc độc rồi, tôi thấy mọi người đều sắp chết cả rồi!”.
“Cái gì? Dùng cơm rau có độc cúng dường tăng chúng ư?”. Những tỳ kheo khác đến hóa duyên nghe thấy, đều cảm thấy vô cùng căm phẫn, mọi người nổi giận đùng đùng chạy đi tìm Văn Thù Bồ Tát để hỏi chuyện.
Văn Thù Bồ Tát nhìn thấy mọi người tức giận chất vấn, Ngài không hề cảm thấy hoang mang, mà vừa múc cơm vào trong bát của những tỳ kheo khác, vừa chậm rãi hòa ái nói với mọi người rằng: “Trong lòng tôi không có lòng tham, sân hận, ngu si, hoài nghi, ngạo mạn cũng như các tâm phiền não khác, chỉ là muốn học tập những việc lành cúng dường chư tăng mà chư vị Bồ Tát đã làm. Một người ngay cả trong lòng cũng không có độc, sao lại hạ độc được chứ?”.
Mọi người cảm thấy những lời của Văn Thù Bồ Tát nghe rất có đạo lý, nghĩ lại những việc lành mà Văn Thù Bồ Tát bình thường đối đãi với mọi người, liền cúi đầu không nói gì cả, cảm thấy bản thân đã hiểu lầm Bồ Tát.
Văn Thù Bồ Tát lại nói với mọi người rằng: “Những người thường ôm sự tàn bạo trong lòng, tuy tự cho bản thân mình uy lực vô biên, có thể biến hóa hình tượng, bình thường lại lấy những trò này làm xằng làm bậy, khắp nơi muốn so đo tính toán người khác, dẫu cho có được pháp lực cao cường nhất đi nữa, thì cũng khó thoát khỏi việc bị phiền não trói buộc”.
Ma vương nghe thấy những lời này của Bồ tát, trong lòng vô cùng hổ thẹn, liền thu hồi lại bốn vạn tỳ kheo kia, bản thân thì biến lại nguyên hình, đi đến trước mặt Văn Thù Bồ Tát đảnh lễ thật sâu, sám hối những việc làm tội lỗi của mình.
Tiểu Thiện, dịch từ Epoch Times