Chụp được ảnh thiên thạch “bắn phá” sao Thổ
Một nhà thiên văn học nghiệp dư người Mỹ đã ghi lại được hình ảnh hiểm thấy về vụ va chạm giữa một thiên thạch và sao Thổ.
Nhà thiên văn học nghiệp dư George Hall, đến từ Dallas (Mỹ), đã sử dụng webcam để ghi lại đoạn video về khoảnh khắc sao Thổ va chạm với một thiên thạch trong vũ trụ vào ngày 10/9 vừa qua. George chỉ phát hiện camera của mình đã ghi lại hiện tượng hiếm gặp này sau khi anh đọc trên mạng thấy một nhà thiên văn học khác đã tận mắt chứng kiến một vụ nổ lớn xảy ra khi thiên thạch đâm vào sao Thổ. “Tôi không bao giờ xem lại đoạn video nếu như không đọc được thông tin trên diễn đàn. Nhưng tôi đã kiểm tra lại những hình ảnh ghi lại tại thời điểm mà nhà thiên văn học Dan Petersen cho là nhìn thấy vụ va chạm và đã may mắn tìm được một bức ảnh ghi lại hiện tượng này”, George Hall kể lại trên Daily Mail. George Hall đã sử dụng một chiếc camera Point Grey Flea3 để chụp ảnh liên tục về sao Thổ thông qua ông kính thiên văn Meade Schmidt-Cassegrain 12inch. Quá trình va chạm chỉ kéo dài trong 2 giây và camera của George đã may mắn chớp được khoảnh khắc này. Hiện tại, các nhà thiên văn học đang chờ quan sát lại vị trí va chạm để xem sao Thổ bị ảnh hưởng như thế nào sau vụ nổ. Nếu bị ảnh hưởng, một vệt khói đen nhiều khả năng sẽ xuất hiện trên ‘mây’ của sao sao Thổ và một chấm đỏ trên bề mặt hành tinh này. Sao Thổ đã từng nhiều lần va chạm với thiên thạch trong vũ trụ. Các vụ va chạm gần đây nhất xảy ra vào năm 2009 và 2010. Năm 1994, một chuỗi sao chổi có tên là Shoemaker-Levy đã lao thẳng vào bề mặt sao Thổ, gây ra một vùng ảnh hưởng rộng lớn trên hành tinh này. Hà Hương |