Chủ tịch nước: Với Trung Quốc, chúng ta có cả những cuộc đàm phán nảy lửa
Chủ tịch Trương Tấn Sang đã thẳng thắn chia sẻ như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri sáng ngày 29/6 tại TP.HCM. Ông cũng đề nghị mọi người đừng “rào đón” khi chia sẻ những sự thật với chính quyền.
“Chúng tôi không để ngư dân tự bơi” Mở đầu buổi tiếp xúc sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII, cử tri Nguyễn Việt Hùng đề nghị Đoàn ĐBQH trả lời về ảnh hưởng của những sự việc xảy ra tại Biển Đông đối với cuộc sống của bà con ngư dân ngay tại thời điểm này. “Bà con vay tiền để ra khơi đánh bắt xa bờ nhưng lại bị Trung Quốc gây rối, vậy nhà nước đã có những giải pháp gì để giúp đỡ bà con” – ông Hùng đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định những chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân đã được nhà nước triển khai từ rất lâu, bên cạch đó bà con còn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, quỹ giúp đỡ khác. Bản thân ông cũng nhiều lần trực tiếp xuống các tỉnh để kiểm tra hiệu quả của những chính sách hỗ trợ này ‘Mỗi năm đội tàu công suất lớn của chúng ta một nhiều hơn, đó là điều rất đáng mừng. Nhà nước đang hỗ trợ bà con hết sức theo khả năng của mình, tuy nhiên thủ tục [khi thực hiện các chính sách] đôi khi còn nhiêu khê, chắc chắn tới đây những điều này sẽ được khắc phục. Chúng tôi không để các ngư dân tự bơi” – Chủ tịch nước nhấn mạnh. Liên quan đến vấn đề này, một cử tri cũng nêu thắc về việc người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã “không mạnh mẽ” trong những bài phải biểu của mình về những sự việc do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông. Đáp lại, Chủ tịch nước cho biết hành động của chúng ta không chỉ là những lời phản đối, mà sau đó còn “có cả những cuộc đàm phán nảy lửa”. “Khi có những sự việc liên quan đến Trung Quốc và các nước khác, không đơn giản chỉ là lời nói của người phát ngôn viên, mà cả hệ thống chính trị của chúng ta đều làm việc”. – ông nói. Đại biểu Quốc hội xa dân quá! Cũng trong khuôn khổ buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Vạn đề cập đến “mối quan hệ giữa đại biểu Quốc hội với nhân dân”. Ông cho rằng ĐBQH cần phải đóng vai thường dân để đi xâm nhập thực tế, ngồi ở những nơi bình dân nhất để thấu hiểu suy nghĩ của họ.
“Tôi thấy khoảng cách còn xa lắm. Tôi muốn có ý kiến phải chờ đến khi tiếp xúc, chúng tôi gửi đơn đến Đoàn thì được trả lời không nhận trực tiếp mà phải qua bưu điện. Chúng tôi tới bưu điện gửi thì sáu tháng không thấy hồi âm”. – ông Vạn nói. Vị cử tri này cũng thẳng thắng cho rằng nhiều ý kiến được nêu ra trong buổi tiếp xúc cử tri “đã bị định hướng”. Về phần chất vấn này, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch cho biết những điều cử tri Vạn nói là đúng, và ông cũng gửi lời xin lỗi tới vị cử tri này, và khẳng định tới đây sẽ mời ông Vạn lên để nghe ý kiến. Bên cạnh đó ông Lịch cũng thừa nhận rằng Đoàn nhiều khi rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm”, vì mỗi năm nhận tới khoảng 2.400 vụ việc. “Chúng tôi họp tại Hà Nội nhưng phải mang cả con dấu đi cùng, nhưng vẫn còn tồn đọng” – ông Lịch nói. Tiếp tục nói về vấn đề này, Chủ tịch Trương Tấn Sang chia sẻ: “Mỗi lần về nhà tôi vẫn chạy quanh lối xóm, bỏ áo mũ cân đai ra thì mình cũng là dân thôi. Người ta thích ông này hay không thích ông kia người ta nói ào ào chứ có sợ gì đâu”. Riêng với những “cán bộ” trong hội trường buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước thẳng thắn nói: “Tôi thấy rằng càng đi xuống [ra khỏi hội trường buổi tiếp xúc cử tri] thì tỷ lệ dân càng nhiều, vì mỗi khi tiếp xúc thường có nhiều cán bộ, bí thư. Tại sao tâm sự đúng của người dân các anh không mang đến đây. Tôi hiểu tại đây ai cũng “uốn lưỡi” khi nói, ai cũng “chọn lọc” nhưng đừng đến mức mà sự thật mà cũng không nói ra. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân”. “Ngày xưa tham gia cách mạng anh bị tra tấn, đánh đập như thế vẫn giữ gìn khí tiết, không sợ mất mạng, vậy tại sao bây giờ sự thật mà anh không dám nói. Đừng có sự rào đón, ngăn cách gì cả. Cái đó các đồng chí cứ thoải mái”. – Chủ tịch nước nhấn mạnh. Nguyễn Cường |
Theo Infonet