Chính quyền Trung Quốc giải thích với dân: “Về cơ bản” lương thực không có vấn đề
Mới đây, một video cho thấy lương thực lưu trữ tại kho lương Hắc Long Giang chỉ là “đồ bỏ đi” đã dấy lên lo ngại khủng hoảng lương thực trầm trọng tại Trung Quốc. Tập đoàn lưu trữ ngũ cốc Trung Quốc (Sinograin) sau đó phải thông báo giải thích, nhưng lại vấp phải rất nhiều chỉ trích từ người dân. Có người nói “có lẽ ẩn sau đó là một vụ án kinh thiên động địa”.
Tin tức cho biết, một video mới đây được lưu hành trên mạng cho thấy, trong một kho lương thực tại Hắc Long Giang, lương thực không chỉ bị “ẩm mốc” mà còn có một lượng lớn “bã vụn dưới sàng”. Một người phụ nữ trong video cho biết, số ngô dự trữ trong kho được mua với mức giá gần 2.000 Nhân dân tệ (tương đương 6,6 triệu vnd) mỗi tấn, có vấn đề nghiêm trọng về chất lượng.
Ngay khi video được đăng tải, hiện tượng “ngô được lưu trữ trong kho chứa ngũ cốc ở Hắc Long Giang biến thành ‘đồ bỏ đi’” đã khiến cư dân mạng không khỏi phẫn nộ, cùng với đó cũng phát sinh lo ngại về khủng khoảng lương thực nghiêm trọng tại Trung Quốc. Vì vậy, Tập đoàn lưu trữ ngũ cốc Trung Quốc đã phải trả lời vào ngày 12/7 rằng, họ đã nhận thấy các vấn đề được phản ánh trong video, đồng thời đã cử tổ điều tra đến địa phương để xem xét.
Vào lúc 18 giờ 27 phút tối ngày 14/7, tài khoản Weibo chính thức của Tập đoàn lưu trữ ngũ cốc Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố bên ngoài nói rằng: Đáp lại những video gần đây ở trên mạng liên quan đến “vấn đề chất lượng của ngô dự trữ được bán và đấu giá bởi Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hiện đại Thanh Cương Vinh Xương – một kho lưu trữ trực tiếp bên ngoài Triệu Đông, công ty con của Tập đoàn lưu trữ ngũ cốc Hắc Long Giang”, sau khi Tập đoàn lưu trữ ngũ cốc Trung Quốc kiểm tra sơ bộ thì thấy rằng “vấn đề về số lượng và chất lượng của ngô được phản ánh trong video về cơ bản không phù hợp với thực tế. Vấn đề về chất lượng của các điểm riêng lẻ trong kho không thể hiện chất lượng của toàn bộ kho ngô”.
Tuyên bố cũng cho biết, “các chỉ số chất lượng của tất cả các thử nghiệm đều phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và yêu cầu chất lượng có liên quan, và về cơ bản phù hợp với các chỉ số chất lượng tại thời điểm lô ngô được gửi đến bán. Sau khi kiểm tra ngô dư thừa ở kho hàng này, số lượng cũng trùng khớp”.
Liên quan đến các vấn đề “ẩm mốc” và “nhiều bã vụn dưới sàng” được phản ánh trong video, Tập đoàn lưu trữ ngũ cốc Trung Quốc tuyên bố rằng sau khi xác minh với các bên thì phát hiện ra rằng, “ẩm mốc” mà nhân vật trong video nhắc đến là một cách gọi dân gian tại các địa phương ở Hắc Long Giang, ý chỉ rằng “cuối giai đoạn tăng trưởng, do mưa quá nhiều và không đủ ánh sáng, ngô chưa chín, hạt không mẩy, sau khi sấy ở nhiệt độ cao khiến hạt ngô bị biến sắc, chứ không phải là bị ẩm mốc”. Đồng thời nhấn mạnh, tại hiện trường không phát hiện thấy tình trạng ngô bị ẩm mốc nhưng trong quá trình kiểm tra “quả thực phát hiện thấy dưới đống ngô có nhiều ‘bã vụn dưới sàng’”, qua điều tra là do không được làm sạch kịp thời trong quá trình nhập kho”, Sinograin tiếp tục nói, “’bã vụn dưới sàng’ không ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng ngô trong toàn bộ kho”.
Đáp lại phản ảnh trong video về vấn đề các nhân viên của Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hiện đại Thanh Cương Vinh Xương vi phạm quy định khi thu thêm phí tải, Sinograin nói rằng, sau khi xác minh nếu đúng là sự thật thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Công bố của Tập đoàn Sinograin đối mặt với chỉ trích từ người dân
- Mặc dù Sinograin đã công khai giải thích, nhưng rất nhiều cư dân mạng Trung Quốc phản đối:
- “Nói không rõ ràng, bao che lẫn nhau”;
- “Tôi càng tin vào những gì trong video đã nói. Trừ khi bạn nói rằng video của cô ấy là giả mạo”;
- “Nói nhiều như vậy làm gì, tốt nhất là quay video trực tiếp, để mọi người xem rốt cuộc là trông như thế nào”;
- “Đây là trò đùa à? Nói vài câu là xong sao?”;
- “Tin cái gì mà tin, chỉ cần nói rằng lương thực trong video là giả? Vậy chẳng tốt hơn sao?”;
- “Vấn đề dự trữ lương thực vẫn cần phải điều tra sâu thêm, có lẽ ẩn sau đó là một vụ án kinh thiên động địa!”;
- “Tôi đã nghe câu trả lời chính thức của Sinograin trên đài phát thanh xe buýt ngày hôm nay, họ đã đưa ra những lời những giải thích và giải pháp cho việc nhồi nhét thêm vật phẩm và tăng giá vé, nhưng lại không hề đề cập đến tình trạng lương thực bị ẩm mốc, bị hôi thối biến chất, thực sự khiến mọi người rùng mình ‘toát mồ hôi’ trước sự an toàn của lương thực”.
- “Điều tôi quan tâm nhất hiện giờ đó là, người đăng video liệu có an toàn hay không”.
- Có người còn nói rằng: “Kết luận: Vấn đề chất lượng về cơ bản là không đúng thực tế, vì một phần chất lượng có vấn đến không có nghĩa là toàn bộ chất lượng có vấn đề; vấn đề phí bất hợp pháp về cơ bản là đúng. Dù sao, tất cả chúng đều cơ bản, và từ cơ bản có nghĩa là cơ bản.”
Thảm họa thiên nhiên còn chưa qua, “thảm họa nhân tạo” đã ập tới!?
Giới truyền thông cũng liên tục đưa tin cây trồng nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, không thể thu hoạch khiến dân chúng lo lắng. Vài ngày trước chính quyền huyện Bà Dương đã thông báo rằng, theo thống kê sơ bộ, tính đến 23:00 ngày 11/7, diện tích cây trồng bị ảnh hưởng ở huyện Bà Dương là 33.498 ha (khoảng 502.000 mẫu), với thiệt hại kinh tế trực tiếp là 552,42 triệu Nhân dân tệ (tương đương 1.832 tỷ vnd).
Nhiều nông dân đã thay đổi hoàn toàn kế hoạch thu hoạch ban đầu do lũ lụt. Vào chiều 14/7, Hồ Đông Tường, một người dân 66 tuổi ở làng Than Thượng, thị trấn Cổ Huyện Độ, huyện Bà Dương, tỉnh Giang Tây nói với các phóng viên tin tức thượng du rằng, “nước đã nhấn chìm tất cả, ngập úng nghiêm trọng và không thể xả nước, không thể không thu hoạch”, đồng thời nhấn mạnh rằng gia đình của ông đã trồng gần 30 mẫu, nhưng hiện tại chỉ có 6 mẫu được thu hoạch và phần còn lại đã bị chìm trong nước.
Hồ Đông Tường nói: “Bây giờ thu hoạch các hạt ngũ cốc vẫn còn non, chưa chín hoàn toàn nhưng nước đã tràn qua, không thu hoạch không được”. Bởi vì mực nước sông Trường Giang đã vượt ngưỡng kỷ lục lịch sử trong nhiều ngày qua, ngập úng nhưng không có cách nào để tháo nước, thậm chí cả Thành Đoàn Vu nằm kề sát phía sau thôn Than Thượng cũng bị sụt lún. Vì vậy lúa chiêm chưa bị đổ rạp rất có khả năng là cũng không thu hoạch được gì.
Hồ Đông Tường cũng cho biết, trong những năm trước, một mẫu đất có thể thu hoạch 450 kg đến 500 kg lúa và vụ thu hoạch hiện tại chỉ có thể thu hoạch 150 kg/mẫu, giảm 2/3 so với vụ thu hoạch bình thường trước đó. Nhưng thôn đã đưa ra thông báo, có thể thu hoạch bao nhiêu thì thu hoạch, nếu lũ đến, thì tất cả sẽ biến thành ‘công cốc’, không thu hoạch được gì.
Vô số tin tức không hay liên tục lan truyền đã khiến nhiều người vốn đang lo lắng sự an toàn cho tính mạng trước thảm họa thiên nhiên, lại mang thêm nỗi lo về việc liệu tình trạng thiếu lương thực có thực sự xảy ra do “thảm họa nhân tạo” hay không, lúc đó sẽ gây ra một cuộc hoảng loạn trên quy mô lớn.
Xem bài viết gốc tại đây.
Lương Phong(t/h)