Vỡ đê ở Giang Tây: “Nhân họa còn lớn hơn thiên tai”
Mưa lớn dẫn đến nhiều nơi của tỉnh Giang Tây xảy ra lũ lụt nghiêm trọng. Mới đây, đê Tam Giác của sông Tu, huyện Vĩnh Tu, thành phố Cửu Giang đã bị vỡ khiến tất cả 14 ngôi làng ở 3 xã thuộc huyện Vĩnh Tu toàn bộ bị ngập lụt và tài sản của dân làng địa phương bị tổn thất nặng nề. Một người dân làng nói rằng, lũ lụt lần này “nhân họa còn lớn hơn cả thiên tai”.
Sau những ngày mưa lớn liên tiếp, mực nước hồ Bà Dương ngày 12/7 đạt 22,53 mét lúc 0 giờ, vượt quá mực nước lũ năm 1998 là 22,52 mét. 3 con sông Cán Giang, Tu Thủy và Lạo Hà trút vào hạ lưu hồ Bà Dương ở xã Cửu Hợp, huyện Vĩnh Tu, thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây.
Vào lúc 19 giờ 40 phút ngày 12/7, thành phố Cửu Giang tỉnh Giang Tây, đê Tam Giác bị vỡ khiến nước sông Tu đổ ngược trở lại, và một số ngôi làng ở xã Tam Giác bị ngập lụt. Tính đến 10 giờ ngày 13/7, chiều dài của chỗ vỡ đã mở rộng đến hơn 200 mét.
Dân làng địa phương đang khẩn cấp tránh lũ lụt, họ sẽ phải di chuyển tài vật của họ trong tương lai và thiệt hại rất nặng nề. Vào ngày 15/7, nhiều người đã lục đục trở về ngôi nhà vẫn đang bị ngập của họ để tìm kiếm lại tài vật chưa bị lũ cuốn trôi.
Tờ “Minh Báo” của Hồng Kông đưa tin, ông Đới, người ở thôn Ngũ Tinh, huyện Vĩnh Tu nói rằng, “Bạn nhìn xem bên kia, ban đầu đều là những tòa nhà hai tầng, nhưng bây giờ chỉ còn thấy được một tầng trên mặt nước, tầng kia đã bị ngâm trong nước rồi”. Nhớ lại cảnh tượng khi đê vỡ vào tối ngày 12, ông Đới cho biết, sau khi biết tin, ông đã chạy lên con đê lớn, lúc đó ngoài bộ quần áo đang mặc ra thì không có gì bên người nữa cả.
Sau khi đê Tam Giác bị vỡ, làng Cam Phường ở huyện Vĩnh Tu bị nhấn chìm hoàn toàn. Ông Chu, một người trong làng nói rằng, mỗi hộ gia đình trong làng thiệt hại dao động từ hàng chục nghìn đến hàng triệu nhân dân tệ (NDT). Trong làng có người làm ruộng, có người còn ký hợp đồng với đập nuôi cá. “Giống như chúng tôi đang mở các cửa hàng nhỏ, tổn thất ít nhất là mấy trăm ngàn NDT, bây giờ trong tình hình dịch bệnh, thì ít nhất 3 năm mới có thể kiếm lại được.”
Làng Bạch Sa là ngôi làng đầu tiên bị lũ lụt tràn vào. Ông Đặng, Bí thư của thôn nói rằng, trận lụt đã khiến 14 ngôi làng ở 3 xã thuộc huyện Vĩnh Tu bị hư hại hoàn toàn, tất cả nông dân và ngư dân đều không còn gì để thu hoạch. Ông nói rằng, cộng thêm tình hình dịch bệnh hiện nay, cơ hội làm việc bên ngoài đã giảm đi, không biết tương lai sẽ sao đây.
Liên quan đến việc vỡ đê tam giác, dân làng của nhiều ngôi làng bị ngập lụt ở huyện Vĩnh Tu nói rằng: “Nhân họa còn lớn hơn thiên tai”.
Dân làng cho rằng, đê Tam Giác thuộc khu vực quản lý hành chính của Nam Xương Tân Kiến và Cửu Giang Vĩnh Tu. Vào ngày xảy ra vụ việc, một người chăn nuôi vịt đã phát hiện ra các lỗ thông nước (đập chắn nước có lỗ thủng và nước tuôn ra từ các lỗ), nhưng chính quyền không kịp thời khắc phục cuối cùng dẫn đến vỡ đê, gây ra đại họa.
Xã Thuấn Đức nằm ở phía Nam huyện Hồ Khẩu, thành phố Cửu Giang. Chu Nhạn Nữ, một người dân trong xã đã nói với “The Paper” rằng: “Hồ bên ngoài (Hồ Bà Dương) hàng năm nước đều dâng lên nhưng người dân địa phương thường không lo lắng vì hồ vẫn còn có dung tích rất lớn. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng khí hậu năm nay sẽ bất thường, mưa liên tiếp mãi không thôi. đặc biệt là vào đêm ngày 7/7, mưa lớn suốt đêm, nước bên trong hồ thoáng cái đã đầy, nước ở hồ bên ngoài đột nhiên dâng lên cao và các hồ bên trong và bên ngoài dâng lên cùng một lúc. Thật đáng sợ”.
Theo báo cáo mới nhất, vào lúc 9 giờ 10 phút ngày 16/7, nhân viên tuần tra đê Sa Châu ở huyện Hồ Khẩu, thành phố Cửu Giang đã phát hiện con đê có một lỗ thông nước. Các ban ngành địa phương liên quan đang thảo luận phương án giải quyết.
Vào lúc 9 giờ ngày 16/7, trang web chính thức của Sở Thủy lợi tỉnh Giang Tây đưa tin, toàn tỉnh có 4 trạm đã vượt quá mức báo động. Mực nước hiện tại của Trạm Tinh tử của hồ Bà Dương là 22,11 mét, đã vượt mức cảnh báo 3,11 mét. Mực nước của trạm Bà Dương là 22,11 mét. Mực nước của trạm Vĩnh Tu là 22,65 mét, vượt mức cảnh báo 2,65 mét. Mực nước của trạm Hồ Khẩu là 21,99 mét, vượt mức cảnh báo 2,49 mét.
Minh Huy (Theo Epoch Times)