Chinh phục Sao Hỏa thành bại là nhờ… giun
Loài vật bé nhỏ, yếu ớt này lại đang nắm trong tay chìa khóa để con người hóa giải bí ẩn của Hành tinh đỏ.||
Các nhà khoa học đang nín thở theo dõi sự phát triển và sinh sản qua 12 thế hệ của một loại giun có tên Caenorhabditis (tức C.elegans) trên trạm vũ trụ ISS. Họ hy vọng việc nghiên cứu những con giun sinh trưởng trong môi trường không gian này có thể giúp con người đương đầu với những nguy cơ và sự gian khổ của một hành trình kéo dài từ Trái đất lên sao Hỏa.
Chia sẻ trên Space.com, trưởng nhóm nghiên cứu – Nathaniel Szewczyk của Đại học Nottingham (Anh) cho biết từ lâu, khoa học đã biết được giun có thể phát triển và sinh sản trong không gian. Quy trình này có thể diễn ra rất dài, trải qua nhiều đời giun và con người có thể theo dõi “sức khỏe” của những con giun mới từ mặt đất. Do đó, sâu C.elegans là một giải pháp rẻ mà hiệu quả để khám phá, nghiên cứu những tác động sinh học mà một chuyến du hành không gian dài hơi có thể gây ra cho sinh vật. Trên thực tế, loài giun này đã là đối tượng nghiên cứu quen thuộc của giới sinh học từ nhiều năm nay. Đơn cử như năm 1998, giun C.elegans là động vật đa bào đầu tiên có bản đồ gene được xây dựng hoàn chỉnh. Theo ông Szewczyk, giun C.elegans có khoảng 20.000 gene mã protein, gần bằng con người (khoảng 23.000 gene). Hơn nữa, hệ gene của người và giun C.elegans cũng có rất nhiều điểm tương đồng, chồng chéo, với chức năng nhiệm vụ giống nhau. Nhóm của ông đã gửi 4000 con giun C.elegans lên trạm ISS theo tàu không gian Discovery STS-116, được phóng vào tháng 12/2006. Trong ba tháng kế đó, đàn giun vẫn tăng trưởng và sản sinh bình thường bất chấp môi trường phi trọng lực. Các nhà nghiên cứu tin rằng, việc nghiên cứu kỹ hơn về sự sinh trưởng, sinh sản của giun C.elegans sẽ giúp con người khắc phục một số thử thách chính trong tiến trình chinh phục sao Hỏa như thoái hóa cơ bắp, nhiễm xạ…. “Dù có vẻ bất ngờ nhưng những thay đổi về mặt sinh học xảy ra trong chuyến du hành ở người và giun là khá giống nhau”, ông Szewczyk khẳng định. Trọng Cầm |