Chính ngôn can gián – Can đảm bất chấp tai họa
Đổng Văn Trung triều Nguyên nhậm chức Trung Thư tỉnh Phù Lang (chức quan chuyên cai quản việc quốc nội), ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, luôn công minh và can đảm nói thẳng lòng mình. Dưới đây là câu chuyện thể hiện đạo đức sáng ngời của ông:
Đổng Văn Trung là triều thần của Khả Hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt, còn gọi là Nguyên Thế Tổ trong văn hóa Trung Quốc. Hốt Tất Liệt trị vì từ 1260 đến 1294, là cháu trai của Thành Cát Tư Hãn nổi tiếng.
Can đảm bất chấp tai họa
Một lần, Nguyên Thế Tổ nghe nói rằng có một người Hán đã giết một người Mông Cổ, đồng thời lại có một người trông coi thái phủ tên là Lô Giáp đã ăn trộm một miếng vải dành cho quan viên. Nguyên Thế Tổ nổi cơn thịnh nộ, hạ lệnh lập tức xử tử hai người này. Thời đó, tội danh ăn cắp, lấy của công làm của tư không hề nhẹ. Cho dù bằng chứng của hai sự việc không đủ thuyết phục, nhưng khi các đại thần chứng kiến cơn thịnh nộ của hoàng đế, không ai dám đề xuất ý kiến nào.
Duy chỉ có Đổng Văn Trung dám lên tiếng. Ông nói rằng cả hai tội cáo buộc là không có bằng chứng thuyết phục. Ông nói: “Khi phán án tù xử chết, cần phải để cho phạm nhân được biện giải, minh xác rõ ràng mọi chuyện. Lập bản án chỉ dựa trên một nguồn tin truyền đến e là cần phải kiểm chứng lại”.
Nguyên Thế Tổ đã phái Đổng Văn Trung cùng các đại thần Đột Mãn điều tra lại hai trường hợp trên. Kết quả thực sự là cả hai nghi phạm đều bị oan. Đổng Văn Trung đã kiến nghị phóng thích hai người vô tội.
Tầm quan trọng của tính công minh trong các vụ xét xử
Sau khi Lô Giáp được phóng thích đã vô cùng cảm tạ ơn cứu mệnh của Đổng Văn Trung, ông đã chuẩn bị hậu lễ mang đến đáp tạ Đổng Văn Trung. Ông vô cùng cảm kích mà nói rằng Đổng Văn Trung đã giúp ông phục sinh, khẩn khoản đề nghị Đổng Văn Trung nhận lễ vật.
Đổng Văn Trung đáp lại: “Chúng ta vốn dĩ không quen biết, sở dĩ tương cứu cũng là vì đảm bảo hình phạt công bằng của quốc gia, hà cớ gì lại mong báo đáp!”
Những lời này cho thấy Đổng Văn Trung không sợ nói thật lòng mình để duy hộ tư pháp công chính và sự tôn nghiêm của luật pháp, bất chấp việc đối mặt với cơn thịnh nộ của hoàng đế. Nhưng khi phạm nhân báo đáp ơn cứu mệnh, ông đã kiên quyết không nhận. Hành động công chính liêm minh hết lòng vì bách tính này đã được xưng tụng khắp thiên hạ.
Đổng Văn Trung coi trọng giáo hóa, noi theo Khổng Tử và Mạnh Tử, đề xuất rằng làm người phải lấy đạo đức bản thân làm cơ sở, dùng ngôn hành bản thân mà cảm hóa thuộc hạ, bách tính, lấy thiện cảm hóa người dân, lấy đức thu phục nhân tâm và phản đối dùng quyền lực để ép người.
Theo minhhue.net