Chen chúc bốc thăm lên tàu: nỗi xấu hổ nhìn từ đất liền?
(Xi nhan) – Việc người dân chen chúc bốc thăm lên tàu ở Cô Tô có thực sự là nỗi xấu hổ khó bào chữa về văn hóa xếp hàng hay chỉ là một góc nhìn thiếu đồng cảm từ phía đất liền?
(Buổi trò chuyện diễn ra tại một quán nhậu) Trung Đồng: Xin lỗi anh, tôi đến muộn. Tại bạn tôi đang ở Cô Tô gọi điện về nói chuyện lâu quá. Hữu Cảm: Không sao, tôi cũng vừa đọc báo xong, nhiều khách du lịch vẫn bị mắc kẹt ở đấy. Bạn anh sao rồi? Trung Đồng: Nó với cả nhà vẫn khỏe. Trừ con bé con bị mắc mưa hôm rời khách sạn X đi tìm nhà nghỉ khác nên hơi ốm thôi! Hữu Cảm: Sao lại phải đi tìm nhà nghỉ khác? Không lẽ đang cơn giông gió khách sạn lại đuổi người?
Trung Đồng: Chứ sao nữa. Họ lấy lý do phải trả phòng cho khách đặt từ trước rồi yêu cầu bạn tôi phải dọn đồ. Nếu ở lại thì phải chấp nhận giá phòng cao ngất ngưởng. Bạn tôi không thiếu thốn tiền nong nhưng nó không đồng tình với cách làm ăn chộp giật đó nên quyết định dọn ra ngoài. Nó nói nếu có quay lại Cô Tô cũng không bao giờ đặt chân đến khách sạn đó nữa. Hữu Cảm: Rơi vào tình cảnh ấy mà còn “chặt chém” được thì tôi cũng đành ngả mũ chào thua (thở dài). Vậy bạn anh đã được lên tàu hải quan về đất liền chưa? Trung Đồng: Chưa, thế nó mới gọi điện than trời với tôi. Anh đọc tin tức mới nhất mà xem, muốn lên tàu phải bốc thăm lấy vé. Thế nhưng việc bốc thăm diễn ra rất lộn xộn vì mạnh ai người đó xông lên, không ai chịu nhường ai cả. Tôi cảm thấy xấu hổ khi người Việt vẫn thiếu văn hóa xếp hàng. Hóa ra, thói quen thô lỗ này không chỉ bộc lộ ra khi người ta tranh cướp nhau suất ăn, tặng phẩm miễn phí mà còn xuất hiện trong hoạn nạn. Hữu Cảm: Vẫn biết thế, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng nên thông cảm cho họ. Mắc kẹt một tuần trời ngoài đảo, họ phải nóng lòng muốn về nhà đến cỡ nào? Chắc gì khi rơi vào hoàn cảnh tương tự, tôi hay ông đã giữ được bình tĩnh, đã suy xét thấu đáo mọi sự? Trung Đồng: Ơ hay, trong số khách du lịch bị mắc kẹt ở Cô Tô, có ai không muốn về nhà sớm? Nhưng chen lấn, xô đẩy đâu có giải quyết được vấn đề gì, mà trên thực tế chỉ làm cho mọi chuyện thêm tồi tệ! Hãy nhìn cách người Nhật xếp hàng ngay ngắn sau thảm họa sóng thần: người nào đến trước thì đứng trước, không ai phàn nàn hay kêu ca vì đợi lâu cả. Hữu Cảm: Trong một đám đông đang đùn đẩy nhau thì người ở giữa dù không làm gì vẫn bị cuốn theo như thường. Hơn nữa, không phải dân tộc nào cũng có được những giá trị văn hóa quý báu như nước Nhật. Còn nhớ, khi thảm họa xảy ra ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, ta vẫn phải chứng kiến những hành động xấu xí như chen lấn, giành giật, thậm chí là cướp bóc để sinh tồn. Tôi nghĩ điểm mấu chốt là các nhà quản lý phải tạo điều kiện và bằng cách nào đó khiến người dân phải tuân thủ việc xếp hàng. Nhưng hôm nay đọc báo, biết được quy trình làm việc của các cán bộ ở Cô Tô, thấy người ta còn không chuẩn bị cả giấy bút, rồi lại còn bốc thăm để lên tàu, tôi cũng chẳng hi vọng gì nhiều…
|
Theo Phụ Nữ Today