Chân dung vua Quang Trung và nghi án “Giả vương nhập cận”

03/01/18, 08:50 Tri thức

Mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã đăng bài biên khảo “Đã tìm ra chân dung vua Quang Trung?”, khái quát lại hình ảnh vua Quang Trung xuất hiện trong lịch sử nước ta, khiến cuộc tranh luận về vị vua này một lần nữa trở nên sôi nổi. 

Tờ giấy bạc 200 đồng thời Việt Nam Cộng Hòa vẽ chân dung vua Quang Trung. (Ảnh: tuoitre.vn)

Với thời gian tồn tại quá ngắn ngủi của triều đại Tây Sơn, hình ảnh chân dung thật sự của vua Quang Trung là một vấn đề không được thực sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Mặc dù chân dung mà nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đưa ra chưa hẳn đã là sự thật, nhưng điều đáng ngạc nhiên ở chỗ, bức chân dung vua Quang Trung cưỡi ngựa mà chúng ta quen thuộc lại là sai sự thật.

Chân dung Quang Trung hay chân dung Càn Long?

Có lẽ hình tượng vua Quang Trung được lưu truyền nhiều nhất chính là hình một võ tướng cưỡi ngựa, xuất hiện trên tạp chí Đông Thanh, số 1, 1932, rồi xuất hiện trong Tập san Sử Địa, số 9-10 phát hành Tết Mậu Thân, và được in lại trên nhiều ấn phẩm khác. Trong hình có ghi chú: “Ảnh do vua Kiền Long sai vẽ năm 1790, đồ quân phục cũng do vua Tàu tặng”. Tập san Sử Địa có dẫn nguồn là lấy từ tập “Mãn Châu cổ họa”.

Về chân dung vua Quang Trung và nghi án "Giả vương nhập cận"
Hình ảnh được cho là vua Quang Trung cưỡi ngựa.

Dựa trên bức chân dung này, tờ giấy bạc 200 đồng có hình vua Quang Trung đã ra đời vào trước năm 1975 tại miền Nam, và từ đó rất nhiều người đã nhìn nhận rằng đó là diện mạo chính thức của Quang Trung Nguyễn Huệ.

Lật lại các tư liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu không tìm thấy hình ảnh mà tạp chí Đông Thanh nói, hay “Mãn Châu cổ họa” mà Tập san Sử Địa đề cập. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã đặt nghi vấn rằng đây có thể là bản sao của bức họa nổi tiếng vẽ hoàng đế Càn Long cưỡi con ngựa tên Vạn Cát Sương, do giáo sĩ người Ý Giuseppe Castiglione vẽ năm 1743 chứ không phải vua Quang Trung.

Về chân dung vua Quang Trung và nghi án "Giả vương nhập cận"
Bên trái là bức hình khá nổi tiếng về hoàng đế Càn Long trong chiến bào do giáo sĩ người Ý Giuseppe Castiglione vẽ năm 1743.

Vua thật vua giả

Theo sử sách, thì vua Quang Trung đã sang Bắc Kinh dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ của hoàng đế Càn Long. Lần theo sự kiện này, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã tìm ra các bức họa có vua Quang Trung, bao gồm:

1. Tranh vẽ xa, chung với các nhân vật khác:

  • Một bức trong bộ “Thập toàn phu tảo”
  • Một bức trong bộ “Bát tuần Vạn thọ thịnh điển”

2, Tranh vẽ chân dung:

  • Bức “An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình” (tên thật vua Quang Trung) lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh

Dưới đây là hình ảnh vua Quang Trung xuất hiện trong ba bức tranh mà nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đề cập:

Về chân dung vua Quang Trung và nghi án "Giả vương nhập cận"
Bức trong bộ “Thập toàn phu tảo” vẽ cảnh vua Quang Trung và hai bồi thần đang hành lễ bệ kiến hoàng đế Càn Long.
Về chân dung vua Quang Trung và nghi án "Giả vương nhập cận"
Bức trong bộ “Bát tuần Vạn thọ thịnh điển” vẽ cảnh vua Quang Trung đứng chung với bồi thần, sứ thần các nước nước Triều Tiên, Nam Chưởng, Miến Ðiện và các sơn phiên Kim Xuyên, Ðài Loan cho đến các hãn Mông Cổ, Hồi Bộ, kế đến các vương, thai cát quì bên cạnh đường, nghênh đón hoàng đế Càn Long hồi kinh.
Về chân dung vua Quang Trung và nghi án "Giả vương nhập cận"
Bức “An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình” (tên thật vua Quang Trung) lưu giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh.

Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là, một số nhà nghiên cứu vẫn luôn cho rằng vua Quang Trung sang Bắc Kinh thời đó là vua giả, được gọi là nghi án “Giả vương nhập cận”. Đây cũng là vấn đề then chốt trong luận điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính, bởi vì nếu điều đó là sự thật, thì các bức chân dung được hoàng đế Càn Long sai vẽ đều không còn có giá trị.

Trong cuốn “Giở lại một nghi án lịch sử giả vương nhập cận – có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không” (NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2016) nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã dựa trên nhiều nguồn tư liệu xác thực đương thời của cả hai bên, đặc biệt là văn thư trao đổi của các đại thần hai triều, những chỉ dụ của Càn Long, biểu tấu của Quang Trung để bác bỏ quan điểm “Giả vương nhập cận”. Từ đó cho thấy nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đặt suy luận của mình trên cơ sở “Giả vương nhập cận” là sai.

Nhiều nhà nghiên cứu lại nghiêng về giả thuyết cho rằng vua Quang Trung không sang nhà Thanh, vì tình trạng đất nước bấy giờ còn đang rất bất ổn: bất hòa nội bộ Tây Sơn, cựu thần nhà Lê, sự ủng hộ của dân miền Nam đối với Nguyễn vương Phúc Ánh, và thậm chí là việc nhà Thanh còn chưa quên thất bại năm Kỷ Dậu.

Trong khi đó, sách “Hoàng Lê nhất thống chí” (hồi 15) cho rằng người đóng giả vua Quang Trung khi đó là Nguyễn Quang Trực, một võ tướng người làng Mạc Điền, huyện Nam Đường (tức Nam Đàn), trấn Nghệ An. Còn sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” sơ tập quyển 30 của Quốc sử quán triều Nguyễn lại cho biết nhân vật đóng giả vua là cháu bên vợ của vua Quang Trung, tức Phạm Công Trị. Tuy nhiên như nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính có trình bày, thì đây lại không phải là sử do nhà Tây Sơn ghi chép lại mà là sử do những người đối lập với nhà Tây Sơn biên soạn.

Dẫu sao, nghi án “Giả vương nhập cận” là điều mà chúng ta hiện nay hầu như không thể khảo cứu.

Tuy nhiên, về mặt logic mà nói, nếu “Giả vương nhập cận” có thật, thì hình ảnh vua Quang Trung cưỡi ngựa mà chúng ta quen thuộc là không thể dựa vào, vì nó được ghi chú là vẽ ở Trung Hoa, là vẽ “giả Quang Trung”. Nếu “Giả vương nhập cận” là không đúng, thì hình ảnh vua Quang Trung cưỡi ngựa và hình ảnh “An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình” lại mâu thuẫn với nhau, trong khi bức “An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình” lại được lưu trữ với đầy đủ chú thích, còn “Mãn Châu cổ họa” thì không hề xuất hiện. Từ đó ta có thể rút ra kết luận rằng, hình ảnh vua Quang Trung cưỡi ngựa mà chúng ta quen thuộc là sai sự thật.

Miêu tả trong sách sử

Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển XXX, Ngụy Tây, truyện Nguyễn Văn Huệ chép: “Nguyễn Văn Huệ là em của Nhạc, tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh sợ”.

Tây Sơn thuật lược chép: “Năm ấy Nguyễn Huệ mất, tóc của Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụt, có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu”.

Trong văn chương, các nhà nho Bắc Hà gọi Quang Trung là “cuồng Chiêm, hắc tử” với hàm ý khinh miệt, coi ông chỉ là một kẻ mọi rợ ở phương nam. Nho sĩ cuối đời Lê cũng giễu cợt ông về nhân dáng, về giọng nói và cả cách xử thế. Các giáo sĩ phương Tây cũng có nhìn nhận rất khác về Quang Trung, người thì cho ông là một kẻ bạo tàn, người lại nói ông là một ông vua tình cảm.

Sứ thần Triều Tiên Từ Hạo Tu trong bộ “Yên hành lục tuyển tập” lại chép:

Quang Bình cốt cách khá thanh tú, hình dáng bệ vệ xem ra khác hẳn với người ở Giao Nam. Thế nhưng các bầy tôi đi theo tuy hơi giỏi văn tự nhưng thân thể nhỏ bé, yếu đuối, ăn nói, hành động giảo trá khinh bạc[…]

Hôm đứng vào tế ban ở Tịch Nguyệt Ðàn nơi điện Thái Hòa mới thấy họ [tức sứ đoàn nước ta] mặc y phục bản quốc. Vua của họ đầu bịt khăn lưới, đội thất lương kim quan mình mặc long bào bằng gấm màu, đeo đai bằng ngọc trắng. Tòng thần cũng quấn khăn, đội mão đen năm ngấn, thân mặc mãng bào hoặc màu xanh, hoặc màu tía, đeo đai vàng, hình trên áo bác tạp, lạ lùng trông như trong tuồng hát khác xa cổ chế nước An Nam.

Với những ghi chép trái ngược như vậy, thì rốt cuộc đâu mới là con người thật sự của Quang Trung Nguyễn Huệ?

*******

Như vậy, chúng ta có thể tạm thời đưa ra một số kết luận sau:

  • Chân dung Quang Trung mà người Việt quen thuộc từ bức vẽ Giả vương Quang Trung nhiều khả năng là bản sao của bức họa hoàng đế Càn Long cưỡi ngựa. Ngoài ra, đây là bức chân dung sai sự thật.
  • Nếu vua Quang Trung thật không sang nhà Thanh dự lễ Bát tuần đại khánh của hoàng đế Càn Long, thì những hình ảnh về vua Quang Trung trong chuyến đi này là không chính xác.
  • Nếu vua Quang Trung thật sự sang nhà Thanh, thì chân dung Quang Trung do nhà Thanh vẽ có lẽ là điều mà nhiều người Việt không muốn chấp nhận.

Theo Trithucvn.net

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng