CCTV tuyên truyền “Kim Môn pháo kích”, lại lộ tẩy vụ “bê bối” của Giải phóng quân
Quốc hội Bắc Kinh đã thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” vào ngày 28/5. Ngay sau đó, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) lại liên tục chiếu loạt phim tài liệu dài 10 tập về sự kiện “Kim Môn pháo kich 1958” (cuộc chiến eo biển Đài Loan 1958), cuối cùng lại bị ngoại giới chê cười.
Bất chấp sự lên án của các nước châu Âu và châu Mỹ, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cứng rắn thông qua “Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông” vào ngày 28/5.
Vào ngày 29/5, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư phát biểu trong sự kiện kỷ niệm 15 năm ban hành “Luật Chống ly khai” đã nhắc lại lập trường của mình về vấn đề ‘một quốc gia, hai chế độ’, phản đối Đài Loan độc lập và sẽ không từ bỏ việc dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Phát ngôn của ông vào thời điểm này, được ngoại giới coi là tính toán mang tính chính trị cao.
Vào thời điểm quan hệ hai bờ eo biển đang căng thẳng, cùng ngày 29, CCTV lấy danh nghĩa “hồi tưởng lịch sử, gợi mở tương lai”, liên tiếp phát 10 tập phim tài liệu “Kim Môn pháo kích 1958” đến đông đảo quần chúng.
Bộ phim tài liệu này lấy bối cảnh cuộc chiến “Kim Môn pháo kích”, trình bày các diễn biến như “đấu tranh ngoại giao với Mỹ”, “bí mật quyết sách của Trung ương”, “Tam quân Giải phóng quân điều binh khiển tướng”, “Diễn biến cuộc chiến Kim Môn pháo kích”… và nhấn mạnh rằng những quá trình này phản ánh thỏa thuận ngầm để tạo nên “một Trung Quốc” giữa hai bờ eo biển.
CCTV cũng tuyên bố, bộ phim tài liệu này đã mượn cuộc chiến “Kim Môn pháo kích” để “cảnh báo các thế lực nước ngoài đang nhúng tay vào nội bộ chính trị Trung Quốc”, “gia tăng xung đột giữa chính phủ Đài Loan và Hoa Kỳ” và “thăm dò con át chủ bài trong chiến lược bảo vệ Đài Loan của Hòa Kỳ”, thể hiện rõ thêm chiến lược quân sự và trí tuệ chính trị của Mao Trạch Đông và trung ương ĐCSTQ.
Ngoại giới nhận thấy, hành vi lần này của CCTV cũng không có gì đặc biệt. Trước đây, cơ quan này cũng thường sản xuất các video “ăn theo” các sự kiện đương thời hoặc mang lập trường chính trị, và phát sóng vào những thời điểm nhất định.
Ví dụ gần đây nhất là trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, CCTV đã chiếu nhiều bộ phim trong thời kỳ “Chống Mỹ viện trợ Hàn Quốc”, về mặt đối nội là nhằm kích thích chủ nghĩa dân tộc, đối ngoại là ngang nhiên thách thức Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, lần này khi triển khai chiến dịch tuyên truyền “Kim Môn pháo kích 1958” lại không nhận được sự tán thành của quần chúng, mọi người bàn luận rất sôi nổi và đưa ra nhiều nghi vấn.
Cư dân mạng chế nhạo nói: “Bây giờ là năm 2020 rồi còn ‘lôi’ chuyện năm 1958 ra làm gì? Bại trận mà không biết xấu hổ sao?”.
“Nực cười! Xin hỏi trận pháo chiến 823, ĐCSTQ có thắng không?”.
“Tôi thực sự nghi ngờ IQ của Đảng Cộng sản, trận pháo chiến 823 không phải là một ví dụ ‘sống’ sao. ĐCSTQ không có năng lực dùng vũ lực để đánh chiếm Đài Loan. Cùng lắm là làm ầm ĩ, khoác lác một hồi là xong”.
Cũng có cư dân mạng cho rằng: “Thật ra, bây giờ ‘to miệng’ lên chỉ càng làm lộ âm mưu, giờ Mỹ đang có khoảng 100.000 người chết vì virus Vũ Hán mà không có nơi trút giận, thời gian này cho dù Đài Loan không gọi Mỹ, thì Mỹ cũng nhúng tay vào”.
Một số cư dân mạng cũng đặt câu hỏi: “Trung Quốc dưới sự thống trị của chính quyền ĐCSTQ đang lâm vào khủng hoảng sắp bị chia năm xẻ bảy, vậy mà vẫn muốn thống nhất Đài Loan sao?”
“Đầu óc ĐCSTQ ngoài tư tưởng xâm lược ra, thì chẳng bao giờ suy nghĩ đến phúc lợi của nhân dân Trung Quốc, Lý Khắc Cường mới tuyên bố, Trung Quốc có khoảng 600 triệu người kiếm không nổi 1.000 Nhân dân tệ mỗi tháng, vậy mà ĐCSTQ vẫn tiếp tục dốc hết binh lực đi gây chiến, có chắc rằng người dân Trung Quốc không có cách gì để ‘làm cách mạng’ lật đổ chuyên quyền?”.
Theo thông tin công khai, trận pháo chiến 823 (Trung Quốc gọi là Kim Môn pháo chiến, Đài Loan gọi là Kim Môn pháo chiến 823), còn được gọi là “Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai”, đề cập đến các chiến dịch xảy ra từ năm 1958 đến 1979 ở Kim Môn, quần đảo Mã Tổ và một loạt các hòn đảo và bờ biển đông nam Trung Quốc Đại lục.
Quân đội của ĐCSTQ và quốc quân Trung Hoa Dân Quốc dùng việc bắn pháo trên biển làm chiến thuật hành động chủ yếu, vì vậy mới được gọi là pháo chiến. Trận pháo chiến đầu tiên do quân đội ĐCSTQ khởi xướng, và quốc quân Trung Hoa Dân Quốc tiến hành phản công. Trong trận “Kim Môn pháo chiến” đó, Giải phóng quân ĐCSTQ đã gặp đại bại.
Có rất ít hồ sơ chi tiết trên Wikipedia hoặc Baidu, tuy nhiên, lần giở dữ liệu của “Quỹ tài liệu lịch sử Đài Loan Ngô Tam Liên” cho thấy, trong trận pháo chiến 823, Giải phóng quân ĐCSTQ để tổng tấn công Kim Môn, đã bắn hơn 400.000 quả đạn pháo vào Kim Môn và các nơi khác, bất kể là xét về số lượng hay mật độ, cuộc tấn công này đều chiếm vị trí số 1 trong lịch sử chiến tranh nhân loại.
Sau trận đấu pháo, để đáp trả cuộc tấn công mạnh mẽ của Giải phóng quân ĐCSTQ, quốc quân của Trung Hoa Dân Quốc đã sử dụng một loại “đại bác” mới để đối kháng và cuối cùng thậm chí còn đàn áp quân Giải phóng quân ĐCSTQ bằng hỏa lực mạnh mẽ.
Quan trọng hơn là, nếu Giải phóng quân ĐCSTQ có ý định chiếm Kim Môn, ngoài việc bảo vệ hỏa lực mạnh mẽ trên mặt đất, họ cũng phải giành quyền kiểm soát trên không đối với Kim Môn trước khi thực hiện các hoạt động đổ bộ.
Tuy nhiên, kể từ tháng 9 năm đó, trong các trận không chiến tiếp diễn trên eo biển Đài Loan và đảo Kim Môn, quốc quân tiếp tục giành quyền kiểm soát trên không và bắn hạ hơn 20 máy bay chiến đấu MiG.
Do ĐCSTQ không thể chiếm được Kim Môn như dự kiến ban đầu, nên đã đưa ra một sự thay đổi chính sách lớn đối với vấn đề Đài Loan, điều này cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ qua lại giữa hai bên eo biển Đài Loan đến mãi tận sau này.
Gia Hưng (Theo NTDTV)