Câu chuyện về Quan Âm Dương Liễu, vị Bồ Tát có hình tượng phổ biến nhất
Quan Âm Bồ Tát có đến 33 hóa thân, và Quan Âm Dương Liễu chính là một trong số đó. Trong dân gian, hình ảnh của Quan Âm Dương Liễu được lưu truyền rộng rãi nhất, chính là hình tượng Bồ Tát tay cầm bình nước tịnh và nhành dương liễu.
Mọi người đều gặp cùng một giấc mộng
Thời xưa, người dân tại Trung Châu (Hà Nam ngày nay) rất bất hảo, bá tánh ngu muội vô tri, tham tài hám lợi. Một buổi tối, người dân trong vùng đều nằm mộng thấy Quan Âm Bồ Tát.
Bồ Tát nói: “Vài ngày nữa ta sẽ đi ngang chỗ này để điểm hóa cho những người hữu duyên, cứu họ thoát tất cả mọi khổ ách. Các vị hãy lưu tâm chờ đợi, đừng bỏ lỡ cơ hội Bồ Tát đứng trước mặt mà không thấy”.
Hôm sau mọi người gặp nhau, ai cũng bàn tán về giấc mộng đêm qua. Thì ra ai cũng thấy cùng một giấc mộng, vì thế mọi người đều kinh ngạc, và ai cũng mong muốn, chờ đợi Bồ Tát giáng lâm.
Nhưng họ không biết Bồ Tát sẽ hóa thân là người nào để điểm hóa, cho nên người này nhìn người kia bèn nghi là Bồ Tát hóa thân, tạo ra những ngộ nhận khá khôi hài. Mấy ngày trôi qua rồi mà chưa ai phát giác ra Bồ Tát đã hóa thân ở đâu.
Thực ra, Quan Âm Bồ Tát đã biến thành một bà lão nghèo khổ, đi xin ăn trên đường, cho nên không có ai để ý đến bà. Lúc ấy, ở Trung Châu đang gặp đại hạn, hoa màu đều héo rũ, rất nhiều người đều thiếu lương thực.
Bà lão đi tới rất nhiều nhà để xin ăn, nhưng đều không xin được một chút gì, bà không khỏi thở dài, nói: “Khô hạn đương nhiên là thiên tai, nhưng cũng là do con người tự làm tự chịu”.
Lúc đó có một người tên Lưu Thế Hiển, nghe được những lời than thở của bà lão cảm thấy có gì kỳ lạ, hơn nữa cũng thấy những lời bà nói thật có lý. Bất giác ông tự nghĩ: “Có khi nào chính bà cụ này là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát chăng?”
Ông bèn đến hỏi chuyện: “Lão bà, những gì bà nói rất có lý. Theo như bà nói, bởi vì những người ở nơi đây không biết hướng thiện nên mới chiêu cảm thiên tai như vậy sao?”
Bà lão cười nói: “Lòng trời vốn rất nhân từ, tâm phúc thiện mạnh gấp ba tâm muốn trừng phạt kẻ ác. Chỉ cần mọi người thành tâm hối lỗi thì trời cao tất sẽ nhìn thấy rõ ràng”.
Lưu Thế Hiển nghe những lời ấy rồi, đoán chắc rằng lão bà này là Bồ Tát Quan Âm bèn quỳ xuống đất lễ lạy và nói: “Đa tạ Bồ Tát hiển linh điểm hóa. Hôm nay đệ tử đã hiểu ra, nguyện Bồ Tát từ bi giải cứu dân chúng. Đệ tử nguyện tạo chùa, thờ phụng Bồ Tát, hơn nữa khuyến khích ngu dân một lòng hướng thiện, quy y Phật môn”. Nói xong, ông dập đầu bái lạy không ngừng.
Bồ Tát Quan Âm nghe Lưu Thế Hiển nói vậy, liền trả lời rằng: “Hiếm thấy người có tấm lòng như ông, biết chí thành cầu nguyện mà không vì lợi riêng! Chỉ vì dân chúng ở đất này thật sự quá cứng đầu khó đổi, bị tai họa đâu có gì là lạ! Ngày mai giờ ngọ ba khắc, ta quyết định hiển hóa ở trên núi Thái Thất, thi triển pháp lực làm một cơn mưa để cứu đất này khỏi nạn hạn hán, nhờ ông đi nói với tất cả mọi người ở đây như vậy”. Lưu Thế Hiển lại cúi xuống bái tạ, nhưng Bồ Tát đã biến mất rồi.
Pháp thân của Quan Âm Dương Liễu triển hiện
Lưu Thế Hiển đem hết sự tình nói lại cho mọi người, nhưng mọi người nghe nói bà lão ăn xin là Quan Âm Bồ Tát thì ai cũng nửa tin nửa ngờ.
Gần đúng chính ngọ ngày hôm sau, dân chúng thấy trên đỉnh núi Thái Thất có một áng mây trắng nhẹ nhàng bay lên, rồi từ từ, chầm chậm tỏa rộng ra, càng lúc càng rộng.
Đột nhiên giữa áng mây trắng có một con đường thông thẳng lên tới đỉnh núi Thái Thất và kim thân Bồ Tát Quan Âm cao một trượng sáu xuất hiện trên đầu núi. Đầu ngài đội khăn, tay cầm bình ngọc, trong bình đựng cam lồ có cắm một nhành dương liễu. Ngài đi chân không, đứng trên một tảng đá bằng ánh sáng.
Mọi người nhìn thấy vậy bèn quỳ xuống lễ lạy, niệm lớn “Đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát”. Bồ Tát Quan Âm cầm nhánh liễu nhúng vào nước cam lồ, hướng về các thửa ruộng ở bốn phương Đông Tây Nam Bắc phất tay rảy nước. Trong nháy mắt, mây mù lập tức tụ họp trên không trung, một cơn mưa lớn đổ xuống không ngừng suốt nửa canh giờ, sau đó mây mới tan và mưa mới ngừng, hơi nước bốc lên mù mịt. Trong cơn mưa rào ấy, hình ảnh Bồ Tát từ từ ẩn mất.
Nhờ cơn mưa rào trừ được nạn hạn hán cứu trăm họ trong một vùng đất rộng lớn khỏi cảnh thiên tai, nên hình ảnh Bồ Tát Quan Âm từ bi đã khắc sâu trong tâm những người dân ở đấy. Quả nhiên, sau đó họ trở thành những người chân thành tin kính Phật Pháp.
Lưu Thế Hiển bèn quyên tiền xây một ngôi miếu ngay tại chỗ mà đức Quan Âm đã hiện thân trên đỉnh núi Thái Thất, trong miếu có tạc tượng Quan Âm, ngày ngày dâng cúng hương hoa. Còn động đá nơi hóa thân Bồ Tát đã dừng chân đổi tên thành động Quán Âm, vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay.
Đây là lần thứ nhất Bồ Tát Quan Âm hiện thân. Lần hiện thân này, Bồ Tát tay cầm tịnh bình dương liễu cho nên thế gian còn gọi là “Quan Âm Dương Liễu”. Đây là hình ảnh Bồ Tát Quan Âm được lưu truyền nhiều nhất nên đã trở thành phổ biến, dân chúng còn gọi là “Thánh Quan Âm”.
Tuệ Tâm biên dịch