Truyện cổ Phật gia: Vị ni cô ăn thịt nhưng lại chứng đắc thần thông
Vào thời Minh Thái Tổ, trong những năm Hồng Vũ, có vị ni cô pháp danh Tịch Tính, ngày ngày đến chợ An Đông cầm bát xin ăn. Dù ai có cho gì, ni cô đều ăn hết, thậm chí là cả thịt. Điều này khiến không ít người cảm thấy khó hiểu.
Có đôi khi mọi người mang cơm thừa canh cặn, đồ ăn sắp ôi thiu, có khi có lẫn cả thịt đổ vào đổ trong bát xin ăn, vậy mà vị ni cô này vẫn nhận và ăn hết, cô không quan tâm mùi vị của nó như thế nào, có thích ăn hay không, chỉ cần nhét đầy bao tử là được.
Thật ra, việc người xuất gia phải ăn chay, là quy định được dần dần hình thành sau khi Phật giáo lưu truyền đi các nơi. Phật giáo lúc ban đầu không có giới luật cấm ăn thịt. Vào thời đó, vì đồ ăn rất khan hiếm, nên người ta cho thứ gì thì liền ăn thứ nấy. Như vậy, ni cô Tịch Tính là tu luyện theo hình thức nguyên thủy của Phật giáo, không phải là phạm giới luật.
Tịch Tính lúc bắt đầu xin ăn, vì cô không lựa chọn đồ ăn, cho gì ăn lấy, nên rất nhiều người đã khinh thị, xem thường cô. Nhưng Tịch Tính lại rất thản nhiên làm như không thấy.
Một lần Tịch Tính đang xin ăn thì trời đổ mưa như trút nước, mọi người vội vã chạy vào nhà trú mưa, đóng hết cửa sổ lại, một số người trú mưa ở dưới mái hiên, chỉ có Tịch Tính là coi như không chuyện gì xảy ra, một mình ngồi trên đường phố, mặc cho mưa lớn xối xả.
Lúc này, những người tránh mưa, nghe được trong miệng Tịch Tính vẫn còn ngâm bài thơ “Định phong ba – Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh” của Tô Đông Pha.
Phiên âm:
Mạc thính xuyên lâm đả diệp thanh,
Hà phương ngâm khiếu thả từ hành.
Trúc trượng mang hài khinh thắng mã,
Thuỳ phạ!
Nhất thoa yên vũ nhậm bình sinh.Liệu tiễu xuân phong xuy tửu tỉnh,
Vi lãnh,
Sơn đầu tà chiếu khước tương nghinh.
Hồi đầu hướng lai tiêu sắt xứ,
Quy khứ,
Dã vô phong vũ dã vô tình.
Dịch nghĩa
Rừng động đừng nghe chuyển lá cành,
Ngâm nga chậm bước chẳng đi nhanh.
Gậy trúc giày rơm say chếnh choáng,
Nào ngán!
Áo tơi mưa khói mặc bình sinh.Vi vút gió xuân say chợt tỉnh,
Hơi lạnh,
Đầu non bóng ngả cũng tương nghinh.
Ngoảnh lại những nơi tiêu sắt trước,
Rời bước,
Cũng không mưa gió cũng không hanh.(Trích: Tuyển tập từ Trung Hoa – Nhật Bản, Nguyễn Chí Viễn, NXB Văn hoá – Thông tin, 1996).
Sau khi việc này được truyền tai nhau, những người xung quanh bắt đầu thay đổi cách nhìn, dần dần bội phục cảnh giới tinh thần đạm bạc, không màng vinh nhục, không sợ hãi của Tịch Tính.
Sau đó một thời gian, vào dịp Tết Nguyên tiêu, mọi người đổ nhau ra đường phố xem đèn lồng. Lúc đó, có một vị phu nhân bị lạc mất con vừa tìm quanh vừa khóc. Tịch Tính nghe thấy tiếng khóc, biết là có trẻ lạc đường, liền an ủi vị phu nhân kia, nói mẫu tử chắc chắn đoàn viên. Tịch Tính trầm tư một hồi, sau đó chỉ ra chỗ đứa trẻ đang chơi, rồi mọi người cùng nhau đi đến đó, quả nhiên đã tìm thấy đứa trẻ.
Chuyện này sau khi được truyền ra, mọi người mới biết Tịch Tính không chỉ có phẩm đức cao thượng, mà còn có công năng đặc dị, có thể nhìn thấy những điều mà người thường không nhìn thấy được, họ lại càng trở nên kính trọng cô.
Tịch Tính lúc tuổi già đã đến am Cát Tường tại địa phương định cư. Ở đây cô thường viết những câu kệ khuyên bảo người khác. Một lần, Tịch Tính thấy một ni cô mới tới ở trong am, dù đã xuất gia nhưng tâm vẫn không nỡ vứt bỏ thế tục, cô liền viết một đoạn kệ:
“Khuyên nhủ người học đạo, học đạo phải chăm chỉ.
Nếu phàm tâm không cắt, bể khổ mãi trầm luân”.
Đối với những người thường trong xã hội, có một lần Tịch Tính thấy bọn họ cả ngày ở trong trạng thái thể xác và tinh thần vô cùng mệt mỏi, phiền não, cô không khỏi thương cảm, đã làm câu kệ dán tại đầu đường:
“Đại địa lớn vô biên, chúng sinh nhiều khó nạn.
Có mấy người thông minh, nhảy ra khỏi luân hồi”.
Cuối cùng Tịch Tính qua đời trong am Cát Tường trong tư thế chân ngồi xếp bằng, không bệnh không tật ra đi một cách vô cùng thanh thản.
Lê Hiếu biên dịch