Cậu bé đầu thai ở Anh muốn trở về ngôi nhà trong tiền kiếp
Cameron chưa bao giờ kể chuyện vì sao bé đã rời bỏ “kiếp trước”. Nhưng có 1 lần mẹ Norma nghe bé nói chuyện với đứa bạn “đừng sợ chết, bởi chết xong thì vẫn có cơ hội quay về”.
Như mọi đứa trẻ lên 6 khác, bé Cameron Macaulay rất thích vẽ tranh. Tuy nhiên, những bức tranh về tổ ấm thân yêu của em làm mẹ Norma không khỏi dựng tóc gáy: một ngôi nhà màu trắng bên bờ biển Barra – khác xa căn hộ chung cư trong thành phố Glasgow nơi họ đang sinh sống.
Cameron cũng luôn miệng kể về người thân “cũ” của em: có cha, mẹ, các anh trai và chị gái – cả một gia đình lớn lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng nói cười, chứ không hiu quạnh như cuộc sống hiện tại với mẹ Norma và anh trai Martin.
“Kể từ lúc bắt đầu biết nói, Cameron đã cố gắng kể cho tôi nghe hẳn một câu chuyện về ‘quá khứ’ trên đảo Barra” – cô Norma nhớ lại.
“Bé phụng phịu rằng nhà bé hồi xưa có những 3 cái toilet, trong khi căn hộ Glasgow hiện giờ chỉ có mỗi cái con con. Bé kể vanh vách mọi chi tiết về các thành viên gia đình: bố Shane Robertson đã bỏ mạng vì ‘không quan sát cẩn thận 2 bên’ – tôi đoán ông ấy chết vì tai nạn ôtô, mặc dù Cameron không bao giờ nói thế; còn mẹ bé có mái tóc màu hạt dẻ dài ngang hông, rất hay nhoẻn miệng cười…”.
“Lần nào nhớ lại thằng bé cũng khóc đỏ hai mắt, rồi nằng nặc đòi tôi đưa trở về đảo Barra để cho bố mẹ biết bé còn sống khỏe mạnh như thế nào”.
“Ban đầu người trong nhà ai cũng nghi Cameron bịa chuyện, họ còn khen thằng bé có trí tưởng tượng phong phú bất ngờ. Tuy nhiên sự việc trở nên nghiêm trọng khi càng lớn bé càng tỏ ra ủ rũ và sầu thảm, chẳng thể làm cách nào an ủi được cậu.
Các cô giáo trường mầm non cũng tỏ ra ái ngại khi nhìn chú bé con lúc nào cũng lưng tròng nước mắt. Ngay cả lúc chơi đùa, bé cũng nhớ hồi trước đã chơi đùa với các chị gái trên bãi đá ven biển ra sao…”.
Gia đình Macaulay không dư dả tài chính cho lắm, bởi một mình mẹ Norma phải làm việc để nuôi nấng hai anh em Martin và Cameron. Do đó mãi đến tháng Hai đầu năm 2006, ước nguyện về đảo Barra của cậu bé “có kiếp trước” mới thành hiện thực nhờ sự tài trợ của một kênh truyền hình.
Bà Norma kể lại:
“Đi cùng chúng tôi có tiến sĩ Jim Tucker đến từ Virginia. Được biết ông đã nghiên cứu khá nhiều trường hợp ‘tái sinh’ ở trẻ nhỏ như kiểu Cameron.
Đặt chân lên vịnh Cockleshell, việc đầu tiên 3 mẹ con cùng làm là tức tốc dò hỏi tung tích Robertson và ‘ngôi nhà trắng bên bờ biển’
Chúng tôi lái thẳng xe về phía biển và ngay lập tức Cameron nhảy chồm lên khi phát hiện ra căn nhà. Theo thông tin từ cơ quan quản lý địa phương, chủ nhà trước đây đúng là mang họ Robertson, tuy nhiên sau khi ông này chết thì mọi người trong gia đình cũng bỏ đi cả.
Quả thật, ngôi nhà có 3 toilet, cửa sổ phòng ngủ nhìn ra đường cất cánh sân bay, và sau vườn thì có 1 cánh cửa bí mật gần như không ai biết – đó là những điều trước đây Cameron luôn hào hứng kể cho tôi. Duy chỉ có điều, mọi tung tích về gia đình người chủ cũ dường như đã bị xóa sạch”.
Trở về Glasgow, Cameron đã lấy lại bình tĩnh hơn. Bé không kể về Barra nhiều như trước nữa, và dường như cũng an tâm hơn vì không ai còn nghi ngờ bé bịa chuyện.
Mẹ Norma và bé Cameron tại thành phố Glasgow (Ảnh: The Sun – thesun.co.uk)
Cameron chưa bao giờ kể chuyện vì sao bé đã rời bỏ “kiếp trước”. Nhưng có 1 lần mẹ Norma nghe bé nói chuyện với đứa bạn “đừng sợ chết, bởi chết xong thì vẫn có cơ hội quay về”.
“Khi tôi hỏi: Con đã đến với mẹ như thế nào, Cameron đã trả lời không chút ngần ngại: Con thấy mình rơi tõm vào trong bụng mẹ thôi. Vậy kiếp trước con tên là gì? Cameron mẹ ạ. Con vẫn là Cameron”, bà Norma chia sẻ.
Theo khoahoc.com