Cảnh sát Hồng Kông kiếm cớ bắt giữ người biểu tình sử dụng truyền thông
Cảnh sát Hồng Kông đang sử dụng một điều luật mơ hồ về tội phạm máy tính để bắt giữ những người biểu tình đòi dân chủ khi họ sử dụng phương tiện truyền thông ủng hộ cuộc cách mạng đang diễn ra tại đây.
Cảnh sát khẳng định các cá nhân biểu tình đang sử dụng Internet để khuyến khích mọi người chặn giao thông và tham gia vào một cuộc tụ họp bất hợp pháp.
Quy định này nằm trong “Điều 161 Pháp lệnh Xử phạt” của Hồng Kông. Theo đó, sẽ là bất hợp pháp nếu sử dụng máy tính “với ý định phạm tội” hoặc không trung thực để lừa gạt, chiếm đoạt hay gây thiệt hại cho người khác. Người vi phạm phải đối mặt với 5 năm tù giam.
Cảnh sát Hồng Kông đã từng vài lần sử dụng những điều luật không rõ ràng để bắt giữ các sáng lập viên của nhiều tổ chức biểu tình.
Theo tờ Quartz, hai ngày trước khi phong trào Chiếm Trung tâm bắt đầu, cảnh sát đã bắt giữ Joshua Wong, đồng sáng lập của nhóm sinh viên có tên Scholarism vì đã kêu gọi trực tuyến người biểu tình vượt qua những chướng ngại vật phía trước trụ sở chính phủ. Một cậu bé 15 tuổi cũng đã bị bắt hồi Tháng Sáu khi đang đăng tải lên mạng một hướng dẫn về cách đột kích vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp.
Ngày 18/10, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một nam thanh niên 23 tuổi vì đăng một tin nhắn kêu gọi mọi người tham gia cuộc biểu tình từ ngày 17 – 19/10 trên “Diễn đàn Vàng” ở Hồng Kông thường được người ủng hộ dân chủ sử dụng.
“Tối muộn ngày 18/10, một cuộc đối đầu bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình đã diễn ra tại Mong Kok khiến hơn chục người bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ cư dân mạng này tại nhà vào sáng sớm hôm sau”, trích dẫn bài viết của nhóm “Anh hùng Bàn phím” ủng hộ công dân Trung Quốc.
Trong một thông cáo báo chí, cảnh sát Hồng Kông tuyên bố, “thông qua Internet, một số phần tử đã cố gắng xúi giục người khác tái chiếm Mong Kok và làm tê liệt giao thông ở khu Tây Kowloon”.
Cảnh sát cho biết cũng bắt giữ 2 cá nhân chưa rõ danh tính về tội “truy cập máy tính với ý đồ phạm tội hoặc đưa nội dung thất thiệt”, “tụ tập trái phép” và quy kết những hành động này là “một hành vi phạm tội rất nghiêm trọng”.
“Ý định ban đầu của chúng tôi là bắt giữ những phần tử đã xúi giục người khác tham gia vào các đợt tụ tập trái phép ở Mong Kok, tấn công cảnh sát và làm tê liệt các tuyến đường trên một diễn đàn trực tuyến”, cảnh sát phát biểu.
Anh hùng Bàn phím, một tổ chức ủng hộ công khai Internet, đã chỉ trích cảnh sát lạm dụng luật tội phạm máy tính của Hồng Kông để dập tắt các cuộc biểu tình. Nhóm cũng cho biết đã có hơn một chục cư dân mạng Hồng Kông bị bắt giữ theo luật này kể từ khi cuộc biểu tình dân chủ khởi phát.
Tổ chức cũng trích lời thành viên Hội đồng Lập pháp Hồng Kông là ông Charles Mok, pháp luật về tội phạm máy tính “giống như một luật phổ thông có thể gán cho tất cả các loại tội phạm nếu thực hiện hành vi liên quan đến sử dụng máy tính, điện thoại di động và thậm chí là cả máy ảnh kỹ thuật số”.
Thiên Hà, Hồ Duyên – Theo Epoch Times