Cảnh sát Hồng Kông bị lên án vì bắt phóng viên tháo mặt nạ bảo hộ
Gần đây, ở Hồng Kông liên tiếp xảy ra việc cảnh sát đối xử bạo lực đối với phóng viên. Có phóng viên khi đang đưa tin về phong trào phản đối dự luật dẫn độ đã bị cảnh sát cưỡng chế bắt kéo mặt nạ xuống, sau đó còn bị bắt giữ vì lý do “Cản trở thi hành công vụ”.
Ngày 27/10, May James, phóng viên nhiếp ảnh tự do của kênh truyền thông trực tuyến “Hong Kong Free Press”, trong một cuộc phỏng vấn tại Vượng Giác (Mong Kok) đã bị cảnh sát Hồng Kông yêu cầu tháo che mặt xuống, đồng thời phải trình ra giấy tờ chứng nhận phóng viên. Sau khi James đáp ứng yêu cầu của cảnh sát, cô đã yêu cầu cảnh sát xuất trình giấy chứng nhận ủy nhiệm, nhưng đã bị cảnh sát bắt giữ, đưa đến sở cảnh sát.
Vào lúc 6 giờ sáng ngày 28/10, James nộp 100 đô la Hồng Kông và được bảo lãnh. Cùng ngày, Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông, Hiệp hội Phóng viên ảnh và Hiệp hội Phóng viên nước ngoài đã lên án cảnh sát Hồng Kông.
Trong một cuộc họp báo với cảnh sát vào ngày 28/10, nhà báo độc lập Amy Ip đã chỉ trích cảnh sát Hồng Kông sử dụng vũ lực đối với báo chí, ngăn cản phóng viên thực hiện nhiệm vụ. Cô Amy đã sử dụng đèn pin có độ sáng mạnh rọi thẳng vào mặt những sĩ quan cảnh sát trong cuộc họp báo và nói rằng đó chính là cách mà cảnh sát đã làm với các phóng viên để họ không thể nhìn thấy những sai trái mà cảnh sát đang làm.
“Đêm qua (27/10), nhiều cảnh sát chống bạo động đã ngăn cản chúng tôi đưa tin, đẩy chúng tôi ra một cách vô lý và gỡ mặt nạ chống hơi cay của chúng tôi, xịt hơi cay và bắn đạn cao su vào chúng tôi, khiến nhiều phóng viên bị thương. Một phóng viên đã bị tạm giữ suốt 7 giờ đồng hồ..”, cô Amy cho biết.
Tuyên bố của Hội phóng viên nước ngoài tại Hồng Kông đã chỉ ra rằng, lúc đó May James đã chứng tỏ mình là phóng viên, mặc một chiếc áo vest màu vàng phản quang đặc biệt, đội mũ bảo hiểm và mang ba lô, tất cả đều viết rõ ràng là “phóng viên truyền thông”. Cô phối hợp với cảnh sát, xuất trình thẻ báo chí do Hiệp hội cấp, nhưng vẫn bị tra hỏi, cuối cùng bị bắt giữ. Cảnh sát nói rằng lúc đó cô ấy không hợp tác.
Cựu chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông Mạch Yến Đình trong chương trình “Hồng Kông phong vân” nói rằng, sau khi May James đã trình ra thẻ phóng viên của mình, mới hỏi liệu cảnh sát có thể xuất thẻ cảnh sát ra hay không, đây là yêu cầu hợp pháp, nhưng lại bị cảnh sát bắt giữ với tội danh “cản trở thi hành công vụ”. Sau buổi sáng May James được thả, cảnh sát cũng không khởi tố cô về bất cứ tội danh nào, có thể thấy cảnh sát cũng đã đuối lý.
Một trong những chủ đề của cuộc biểu tình vào ngày 27/10 là “đồng hành với phóng viên”, nhưng cảnh sát lại liên tục bắn đạn cao su, hơi cay, xô xát với phóng viên. Tờ Stand News và South China Morning Post đều có một phóng viên nghi ngờ bị đạn cao su hoặc đạn bọt biển bắn trúng chân.
Nhiều phóng viên từ các phương tiện truyền thông như Apple Daily và Stand News đều bị cảnh sát yêu cầu gỡ bỏ mặt nạ, lấy lý do là vì “Luật cấm che mặt”. Phóng viên đài phát thanh Hồng Kông đều bị cảnh sát cưỡng chế giật mặt nạ xuống, sau đó bị phun nước tiêu màu xanh vào mặt.
Vào thời điểm đó, cảnh sát tuyên bố: “Không có khói, thu dọn mặt nạ, thực hiện Luật cấm che mặt, phóng viên cũng không được miễn trừ”.
Tuy nhiên, trước đó Bộ trưởng An ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu từng công khai nói rằng, trong Luật cấm che mặt, phóng viên được liệt kê ở mục những người “làm việc chuyên nghiệp và làm thuê”, có thể được miễn trừ.
Ngày 28/10, các Nghị viên Hội đồng Lập pháp đã chất vấn Phó cục trưởng cục an ninh Âu Chí Quang về vấn đề này. Ông nói rằng các nhà báo và nhân viên y tế nên được miễn trừ.
Hội phóng viên nước ngoài đã lên án hành động bắt giữ của cảnh sát, yêu cầu một cuộc điều tra minh bạch và độc lập đối với việc cảnh sát đối xử bạo lực với phóng viên và can thiệp vào các cuộc phỏng vấn truyền thông.
Công đoàn nhân viên sản xuất chương trình Phát thanh Hồng Kông đã lên án, rõ ràng cảnh sát nhắm vào truyền thông, xâm phạm quyền tự do báo chí và nhân quyền, bóp nghẹt quyền được biết rõ tình hình của công chúng; yêu cầu cảnh sát công khai tiết lộ danh tính của cảnh sát có liên quan và chủ động điều tra xem có làm trái quy tắc hay không.
Trước đó, vào ngày 29/9, Hồng Kông đã tổ chức “Cuộc diễu hành chống cực quyền toàn cầu”, nữ nhà báo người Indonesia Veby Mega Indah tại hiện trường phỏng vấn trực tiếp, đã bị cảnh sát bắn trúng mắt phải và ngã xuống đất, sau đó mắt phải của cô đã vĩnh viễn bị mù.
Theo báo cáo, vào ngày Indah bị thương, cảnh sát đang giằng co với người biểu tình ở một cây cầu vượt ở Loan Tử (Wan Chai). Lúc đó cô đang ở hiện trường phỏng vấn trực tiếp, đội mũ bảo hiểm và bịt mắt, mặc áo phản quang dễ thấy, viết chữ “truyền thông” rõ ràng, trên ngực cũng đeo thẻ phóng viên.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, bên cạnh Indah còn có nhiều phóng viên khác, họ đều hô to với cảnh sát: “Đừng bắn, chúng tôi là phóng viên”, nhưng cảnh sát vẫn nổ súng về phía bọn họ. Indah lập tức bị trúng đạn và ngã xuống đất.
Minh Huy (Theo NTDTV)