Campuchia bí mật cho phép Trung Quốc dùng căn cứ hải quân?
Các quan chức Mỹ và đồng minh cho rằng Campuchia đã ký kết một thỏa thuận ngầm với Trung Quốc vào đầu năm 2019 – cho phép nước này thuê căn cứ hải quân Ream độc quyền 30 năm. Tuy nhiên, cả Campuchia và Trung Quốc đều đã bác bỏ cáo buộc trên.
Ngày 21/7, nguồn tin từ các quan chức Mỹ và đồng minh cho biết, một thỏa thuận bí mật đã được Trung Quốc và Campuchia ký hồi đầu năm, song cả hai nước đều không tiết lộ thông tin này.
Thỏa thuận cho TQ sử dụng độc quyền căn cứ quân sự trong vòng 30 năm?
Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ được độc quyền sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream rộng 25 hecta của Campuchia ở vịnh Thái Lan, cách không xa một sân bay lớn đang được một công ty Trung Quốc xây dựng, trong vòng 30 năm.
Sau thời hạn này, thỏa thuận sẽ được gia hạn 10 năm một lần. Tức, Bắc Kinh sẽ có toàn quyền triển khai lực lượng binh sĩ, lưu trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến, đồng thời yêu cầu người Campuchia phải có sự cho phép của Trung Quốc mới được đi căn cứ Ream.
Tuy nhiên, ngày 19/7 mới đây, người phát ngôn chính phủ Campuchia đã khẳng định rằng đó chỉ là những “tin giả” và “không có chuyện như vậy xảy ra”.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng từng bác bỏ thông tin trên và nhấn mạnh Hiến pháp Campuchia “không cho phép bất kỳ quốc gia nào lập căn cứ quân sự” ở nước này vào hồi tháng 1 vừa qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 6 cũng phủ nhận thông tin Bắc Kinh đang thiết lập căn cứ quân sự tại Campuchia.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ và đồng minh của Mỹ vẫn khẳng định thỏa thuận giữa Campuchia và Trung Quốc liên quan tới căn cứ hải quân Ream đã được hoàn tất. Nếu thông tin do phía Mỹ tiết lộ là chính xác, đây sẽ là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc tại Đông Nam Á.
Video: Không ngờ Campuchia đã âm thầm cho Trung Quốc dùng căn cứ hải quân trong 30 năm. (Nguồn: Tin Nóng 24h)
Mỹ lo ngại về tình hình phức tạp của nền hòa bình và ổn định khu vực
“Washington lo ngại rằng bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia nhằm chào đón sự hiện diện quân sự của nước ngoài tại Campuchia cũng sẽ gây phức tạp nền hòa bình và ổn định khu vực”, Emily Zeeberg, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh cho biết.
Việc ngoại giới dấy lên lo ngại Trung Quốc thuê căn cứ hải quân Campuchia một phần xuất phát từ việc nước này từ chối đề xuất hỗ trợ cải tạo căn cứ quân sự của Mỹ, thay vào đó xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh lúc đó đã giải thích với Mỹ rằng sự hỗ trợ như Washington đề xuất là không cần thiết bởi Campuchia đã lên kế hoạch chuyển căn cứ hải quân Ream tới khu vực khác.
Lo ngại thứ 2 xuất phát từ một nguyên nhân khác là, Campuchia đã cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng một sân bay do công ty tư nhân Trung Quốc xây dựng tại Dara Sakor với hợp đồng thuê 99 năm trên đất Campuchia.
Tuy công ty xây dựng khẳng định khu vực này chỉ phục vụ mục đích thương mại, nhưng hình ảnh vệ tinh lại cho thấy sân bay hiện có đường băng dài hơn 3km, có thể cho phép các máy bay như Boeing 747, Airbus A380, các máy bay ném bom tầm xa hoặc máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc, hoạt động.
Trao đổi với phóng viên, Charles Edel, cựu cố vấn Ngoại trưởng Mỹ và hiện là nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ ở Australia cho rằng, việc kết hợp các căn cứ của Trung Quốc tại Campuchia với các tiền đồn quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông sẽ tạo thành “vành đai tam giác bao bọc toàn bộ lục địa Đông Nam Á”.
Hiện các quan chức Mỹ đang thảo luận nhằm tìm cách thuyết phục Phnom Penh thay đổi quyết định, vì căn cứ sẽ giúp Trung Quốc đóng quân, trữ vũ khí và neo đậu tàu chiến rất gần các khu vực nhạy cảm.
Căn cứ quân sự Ream của Campuchia được bao quanh bởi rừng rậm trải rộng trên diện tích khoảng 76 hecta gồm hai cơ sở được xây dựng bằng nguồn tiền của Mỹ và được hải quân Campuchia cùng sử dụng một cầu tàu với khoảng 12 tàu tuần tra neo đậu. Theo bản thảo sơ bộ, Trung Quốc sẽ xây dựng hai cầu tàu mới, một cho Trung Quốc sử dụng và một cho Campuchia sử dụng.
Được biết, Trung Quốc đang là đồng minh khu vực mạnh mẽ nhất của chính quyền Hun Sen, nước này đã rót hàng tỷ USD vào việc hỗ trợ phát triển và cấp vốn vay cho Campuchia thông qua các thỏa thuận khung song phương và sáng kiến Vành đai và Con đường. Vài năm qua rất nhiều các liên doanh thương mại Trung Quốc hiện diện tại Campuchia, đầu tư vào các lĩnh vực như sòng bạc, khu nghỉ dưỡng, du lịch.…
Vũ Tuấn (t/h)