Các chuyên gia Trung Quốc liên tục cảnh báo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại
Vào ngày 20/9, Trương Văn Hoành, Giám đốc Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phục Đán, trong bài phát biểu tại một diễn đàn ở Thượng Hải đã nói rằng, đợt bùng phát thứ hai của dịch viêm phổi Vũ Hán là không thể tránh khỏi. Một ngày trước, một chuyên gia y tế khác là Chung Nam Sơn cũng nói rằng, dịch bệnh này chắc sẽ tiếp tục tồn tại trong mùa đông năm nay và mùa xuân năm sau, và có thể bùng phát cục bộ.
Vào ngày 20/9, Trương Văn Hoành tuyên bố rằng, lực lây lan của virus Vũ Hán rất mạnh nên nó sẽ luôn tồn tại.
Ông Trương cho biết: “Về nguyên tắc, dịch bệnh này sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian tương đối dài, bởi vì virus đã lây lan khắp thế giới. Hơn nữa một vấn đề lớn nhất là độc lực của nó không phải mạnh như vậy. Bạn biết rằng độc lực không quá mạnh. 80% người không có triệu chứng, điều này vô cùng đáng sợ”.
Tỷ lệ 80% các ca nhiễm bệnh không có triệu chứng vượt xa con số 60% mà nhóm chuyên gia Trung Quốc ước tính trước đó. Những bệnh nhân nhiễm bệnh ẩn này có tính lây nhiễm cao, trong lúc vô tình có thể trở thành “nguồn độc” lai vãng.
Ông Trương nói rằng, bùng phát đợt dịch thứ hai là không thể tránh khỏi, đối với dự định muốn phục hồi lại của thế giới thì ít nhất cũng phải mất một năm.
Ông còn nói: “Những người nhiễm bệnh có tỷ lệ tử vong chung dưới 0,5%, điều này mọi người có thể tiếp thụ được. Đây là thời điểm để thế giới khởi động lại. Thời điểm này sẽ là vào khoảng thời gian nào? Một năm hẳn là không tới”.
Thật trùng hợp, khi Chung Nam Sơn “Tổ trưởng tổ chuyên gia của Nhóm nghiên cứu Khoa học Cơ chế Phòng chống và Kiểm soát chung của Quốc vụ viện”, trong báo cáo vắn tắt về công tác phòng chống dịch tại Diễn đàn “Trung quan thôn” (ZGC forum) ở Bắc Kinh một ngày trước cũng chỉ ra rằng, dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ tiếp tục tồn tại trong mùa đông năm nay và mùa xuân năm sau, đồng thời nó có thể phát triển lâu dài, “đặc biệt là xuất hiện một ổ dịch ở các khu vực cục bộ”.
Trương Văn Hoành và Chung Nam Sơn đều là những chuyên gia thu hút nhiều sự chú ý của ngoại giới sau khi dịch bệnh bùng phát, mặc dù Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố rằng dịch bệnh đã sớm được kiểm soát, nhưng hai người họ lần lượt đưa ra các cảnh báo, dẫn tới những đồn đoán từ ngoại giới về dịch bệnh trong tương lai ở Trung Quốc.
Tiến sĩ Tiêu Ân (Xiao En), cựu nhà nghiên cứu virus học tại Viện Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ chỉ ra rằng, thực ra dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn qua đi.
Tiến sĩ Tiêu Ân nói rằng: “Thực tế, trong vài tháng qua, mọi người liên tiếp thấy có rất nhiều địa phương không ngừng bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Từ Nội Mông đến Hà Bắc, Tân Cương, Đông Bắc, Đại Liên, Hồng Kông đến Vân Nam, và vẫn chưa dừng lại ở đó. Vì vậy, đương nhiên là nội bộ quan chức biết rằng dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn qua đi, đó chỉ là họ tuyên truyền ra bên ngoài, nói nào là ‘chống dịch thắng lợi’, ‘vận động số không’, làm ra những thủ đoạn tuyên truyền chính trị như vậy..”
Các phương tiện truyền thông chính thức đưa tin về đợt bùng phát mới nhất ở tỉnh Vân Nam rằng, thành phố Thụy Lệ ở biên giới Trung Quốc và Myanmar có hai trường hợp được chẩn đoán vào ngày 13/9, và thành phố đã được thông báo phải khẩn cấp đóng cửa vào ngày hôm sau.
Vào ngày 19, các quan chức Vân Nam lại thông báo rằng toàn tỉnh “đã bước vào tình trạng thời chiến.” Tính đến ngày 21/9, phía chính phủ chỉ thông báo “11 trường hợp được chẩn đoán đến từ nước ngoài và 16 trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng.” Tuy nhiên, có video trên mạng cho thấy Thành phố Thụy Lệ đang cấp tốc xây dựng một bệnh viện cabin với hàng nghìn giường bệnh.
Ngoài ra, còn có những tình huống không được thấy trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Ví dụ, đài truyền hình TV Asahi của Nhật Bản đưa tin vào ngày 21/9 rằng, các trường đại học ở nhiều nơi của Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp quản lý cực kỳ nghiêm ngặt để đóng cửa trường học. Một số trường dựng hàng rào thép gai để ngăn sinh viên ra ngoài, do vậy sinh viên chỉ có thể lên mạng để mua đồ.
Sinh viên một trường đại học ở tỉnh Hà Nam cần phải xếp hàng trước vài giờ để được tắm. Có sinh viên thậm chí còn dọa phòng Giáo dục rằng nếu đến ngày 25 vẫn chưa bỏ chặn thì sẽ lên mạng phát sóng trực tiếp và tự tử.
Theo bản báo cáo, điều khiến người ta nghi vấn là ĐCSTQ từ tháng 8 đã tuyên bố rằng “các trường hợp lây nhiễm mới trong nước” đã hết. Nếu quả thật là như vậy thì không cần thiết phải “phong tỏa các trường đại học” làm gì.
Mặc dù những tin tức này không được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nhưng người dân đã tiết lộ một số manh mối, ví dụ như trường đại học Tây Á Tư Trịnh Châu (Sias University) khai giảng ngày 13/9 nhưng do thực hiện quản lý đóng cửa trường học nên phụ huynh đành ngậm ngùi tạm biệt con qua hàng rào thép gai.
Ngoài ra, một video trực tuyến vào ngày 20/9 cho thấy, các sinh viên của Đại học Nghiên cứu Quốc tế Tây An vì không hài lòng với việc nhà trường đóng cửa trong thời gian dịch bệnh và vật giá tăng cao cùng những nguyên nhân khác, nên đã la hét tập thể trong ký túc xá gần 30 phút, giống như tái hiện cảnh tượng ở Vũ Hán trong thời gian đóng cửa thành phố.
Tờ Epoch Times dẫn lời Lý Cường (bí danh), một sinh viên năm thứ 4 của trường nói rằng, kể từ khi khai giảng vào ngày 28/8, trường đã trong trạng thái đóng cửa khiến sinh viên không thể ra vào, (sinh viên) đã báo cáo tình trạng này với nhà trường nhưng không được giải quyết, cho nên mới xảy ra sự việc như vậy.
Qua Bích Đông, một học giả độc lập ở Trung Quốc nói rằng: “Thông tin do các chuyên gia ĐCSTQ đưa ra nói rằng virus sẽ bùng phát trở lại ở Trung Quốc, cũng như xuất hiện một số đợt bùng phát virus trên thực tế, điều này một lần nữa chứng minh rằng ĐCSTQ đã lừa dối thế giới vì những mục đích xấu xa. Cái gọi là virus phát sinh vào tháng 2 năm nay đã được kiểm soát và đã tìm được một loại vắc xin để điều trị virus, tất cả đều là bịa đặt”.
Theo các phương tiện truyền thông chính thức, vào ngày 26/2 năm nay, Lô vắc-xin virus tái tổ hợp đầu tiên của Trung Quốc được phát triển bởi nhóm của Trần Vi, một viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, đã được đưa ra khỏi dây chuyền sản xuất, và trước mắt đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 theo chuẩn của quốc tế.
Vũ Quế Trân, chuyên gia chính về an toàn sinh học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc đã tuyên bố vào tuần trước rằng, “những người bình thường có thể được tiêm phòng virus Vũ Hán trong khoảng tháng 11 hoặc tháng 12”.
Tuy nhiên, Chung Nam Sơn vào ngày 19 lại nói rằng, trước đây chúng ta quá lạc quan, cho rằng vắc-xin này có thể ra mắt trong năm nay, nhưng việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc-xin này cần mất một đoạn thời gian.
Minh Huy (Theo NTDTV)