Bức tranh về “núi nợ” trị giá 242,8 tỷ euro của Hy Lạp
Theo tính toán dựa trên các số liệu chính thức của hãng tin Reuters, Hy Lạp hiện đang phải đối mặt với một “núi nợ” lên đến 242,8 tỷ euro (271 tỷ USD) từ các chủ nợ quốc tế, trong đó Đức là chủ nợ lớn nhất.
Người dân xếp hàng chờ rút tiền bên ngoài chi nhánh Ngân hàng quốc gia Hy Lạp đã đóng cửa ở Thessaloniki ngày 29/6. (Nguồn: AFP/TTXVN) Con số trên bao gồm các khoản cho vay nằm trong hai gói cứu trợ do châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Athens từ năm 2010, cùng số trái phiếu chính phủ của Hy Lạp, hiện do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trung ương của các quốc gia trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nắm giữ. Trong đó, hai khoản cứu trợ mà Liên minh châu Âu (EU) và IMF dành cho Hy Lạp có giá trị lên đến 220 tỷ euro, với một phần trong đó đã được hoàn trả. Trong số ba chủ nợ của Hy Lạp, hay còn gọi là “troika” (bộ tam gồm IMF, ECB và EU), IMF đã hứa sẽ cung cấp cho Athens 48,1 tỷ euro, trong đó có 16,3 tỷ theo kế hoạch sẽ được giải ngân trước tháng 3/2016 nếu nước này thực hiện thành công chương trình điều chỉnh kinh tế lần thứ hai. ECB hiện đang nắm giữ khoảng 18 tỷ euro trái phiếu Hy Lạp, trong đó có đến 6,7 tỷ euro trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng Bảy và tháng Tám tới. Những trái phiếu này đang phải đối mặt với nguy cơ mất giá mạnh, từ đó gây ra thiệt hại đáng kể cho ECB nếu “Grexit” – nguy cơ Hy Lạp ra khỏi Eurozone – xảy ra. Để ngăn chặn tình trạng này, Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết gần đây hệ thống ngân hàng Hy Lạp đã “khai thác” 118 tỷ euro từ nguồn thanh khoản của ECB, trong đó có 89 tỷ euro nằm trong chương trình Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA). Chủ nợ cuối cùng là Eurozone. Chính phủ các nước Eurozone đã giải ngân cho Hy Lạp 52,9 tỷ euro trong gói cứu trợ đầu tiên vào năm 2010 và 141,8 tỷ euro trong gói cứu trợ thứ hai đã được các bên nhất trí vào năm 2012. Trong hai gói cứu trợ kinh tế mà EU đã cung cấp cho Hy Lạp (không tính những khoản nằm trong khoản vay của IMF), Đức đóng góp nhiều nhất với 57,23 tỷ euro, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đóng góp lần lượt 42,98 tỷ euro, 37,76 tỷ euro và 25,1 tỷ euro. Những quốc gia này đã giành nhiều ưu đãi cho Hy Lạp khi kéo dài thời gian đáo hạn các khoản vay dành cho Athens từ 15 năm lên đến 30 năm, đồng thời tiến hành hạ lãi suất cho vay. Ngoài ra, Hy Lạp cũng được hưởng 10 năm hoãn trả lãi suất tiền nợ trong gói cứu trợ tài chính thứ hai của EU./. |
Theo VietnamPlus