Brazil: Hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày, đại dịch Vũ Hán đang tái bùng phát mạnh mẽ
Ngày 22/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca nhiễm COVID-19 đang đồng loạt tăng nhanh tại nhiều quốc gia lớn, trong đó các nước thuộc khu vực Mỹ La-tinh đang trong trạng thái “tăng nhanh đáng lo ngại”, đặc biệt là Brazil.
Tổng giám đốc WHO – Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, ngày 21/6 toàn thế giới đã ghi nhận thêm 183.000 ca nhiễm COVID-19. Đây là con số lây nhiễm cao nhất trong một ngày mà toàn thế giới ghi nhận được, kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 12/2019.
Michael Ryan – Giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Sức khỏe của WHO chia sẻ trong một cuộc họp báo trực tuyến: “Những con số đang tăng lên bởi dịch bệnh hiện đang bùng phát tại nhiều quốc gia đông dân trên thế giới, trong cùng một thời điểm”.
“Việc số liệu gia tăng cũng có thể là do đẩy mạnh quá trình xét nghiệm chẩn đoán. Và chắc chắn các quốc gia như Ấn Độ đều đang đẩy mạnh xét nghiệm chẩn đoán người dân. Nhưng tôi lại không nghĩ đây là lý do chính khiến số ca lây nhiễm gia tăng”, ông nói.
Tờ Reuters đưa tin, tính đến ngày 22/6, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 9 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó Mỹ, Trung Quốc và nhiều quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khác, cũng xác nhận đã có thêm các ổ dịch mới đang bùng phát.
Ông Ryan cho hay, các quốc gia như Chile, Argentina, Colombia, Panama, Bolivia, Guatemala và Brazil đang chứng kiến sự “bùng phát một cách đột biến” số ca lây nhiễm. Tại Brazil, số người nhiễm virus đã vượt hơn con số 1 triệu, cao thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.
Quốc gia này đã ghi nhận thêm 54.000 ca nhiễm mới chỉ trong vòng 24 giờ. Ông nhận định việc bùng phát số ca nhiễm tại Brazil có thể phản ánh lên sự thay đổi trong khâu báo cáo số liệu, nhưng cũng cho biết thêm: “Hiện mức độ xét nghiệm chẩn đoán tính trên đầu người vẫn đang ở mức khá thấp, trong khi đó tỉ lệ dương tính sau khi xét nghiệm vẫn đang ở mức khá cao. Từ góc độ này, chúng tôi cho rằng hiện tượng này không phải do tiến hành xét nghiệm toàn diện, mà rất có thể là do việc ước tính sai số ca lây nhiễm thực tế”.
Brazil là quốc gia lớn nhất khu vực Mỹ Latinh, đã ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong mỗi ngày trong suốt tháng qua.
Tổng thống Jair Bolsonaro – đôi khi ông được gọi là “Donald Trump vùng nhiệt đới”, đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích vì cách ứng phó dịch bệnh. Quốc gia này hiện vẫn chưa có Bộ trưởng Y tế thường trực mới từ khi cựu Bộ trưởng Y tế từ chức vào tháng 4, do xảy ra mâu thuẫn với Tổng thống.
Ông Bolsonaro không thực hiện giãn cách xã hội, ông coi đó là một phương án gây thiệt hại việc làm và còn nguy hiểm hơn cả đại dịch Vũ Hán. Ông cũng khuyến khích sử dụng 2 loại thuốc trị sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine để điều trị COVID-19, mặc dù hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng cho thấy tính hiệu quả của hai loại thuốc này.
Ông Ryan nhận thấy đã có “sự gia tăng nhanh chóng” số ca lây nhiễm COVID-19 tại một số bang của Mỹ: “Tôi không đảm bảo 100% về tỉ lệ độ tuổi lây nhiễm, nhưng tôi đã chứng kiến một vài báo cáo cho thấy, một số trường hợp lây nhiễm đến từ nhóm người có độ tuổi trẻ hơn. Điều đó phản ánh rằng những người trẻ thường lưu động nhiều hơn, họ hay ra ngoài và tận dụng giai đoạn hạn chế di chuyển được nới lỏng”.
“Một điều thấy rõ là sự gia tăng số ca lây nhiễm không hoàn toàn là do việc đẩy mạnh xét nghiệm chẩn đoán”, ông nói.
Tổ chức WHO cũng bày tỏ sự quan ngại về nước Đức. Ngày 21/6, quốc gia này có tỷ lệ lây nhiễm virus từ người sang người nằm ở ngưỡng 2.88 (tức cứ 1 người nhiễm sẽ lây cho gần 3 người), tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với ngưỡng tối đa là 1 người nhiễm lây cho 1 người, để kiểm soát được dịch bệnh trong giai đoạn lâu dài hơn.
Ông Tedros nhận định, việc thiếu đi sự lãnh đạo và thống nhất toàn cầu trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh là một mối nguy hại lớn – hơn cả bản thân đại dịch, và chính việc chính trị hóa vấn đề đại dịch đã khiến COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn.
Tổ chức WHO đã bị nhiều quốc gia thành viên chỉ trích, đặc biệt là Mỹ, họ cho rằng tổ chức đã quá chậm trễ, kém hiệu quả và “quá lệ thuộc vào Trung Quốc” trong khâu xử lý dịch bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
Việt Anh (theo Reuters)