Bộ Công Thương kiến nghị được tiếp tục xuất khẩu gạo
Chiều 24/3, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ xin được tiếp tục xuất khẩu gạo do Bộ cần thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu và lượng tồn kho thực tế tại các doanh nghiệp.
Kiến nghị Thủ tướng tiếp tục cho xuất khẩu gạo
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của một số doanh nghiệp, Bộ nhận thấy cần có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ Đông Xuân, các hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế tại các doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xin được tiếp tục mở tờ khai hải quan, cho xuất khẩu gạo bình thường.
‘Ngành xuất khẩu gạo có thể bị vỡ trận vì vi phạm luật Thương mại Quốc tế’
Trao đổi với phóng viên, ông Trương Thanh Phong, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, việc tạm dừng xuất khẩu gạo có thế gây hậu quả vô cùng lớn và rất nghiêm trọng vì rất có khả năng chúng ta sẽ vi phạm Luật Thương mại Quốc tế và cả Luật Thương mại của Việt Nam cũng như vi phạm các Hiệp Định…
“Dùng lý do bất khả kháng để dừng xuất khẩu gạo là không thuyết phục được quốc tế, vì hiện nay vụ Đông Xuân không bị mất mùa, không tổn thất nặng nề, vụ Hè Thu chưa tới… như vậy các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu sẽ phải bồi thường các hợp đồng xuất khẩu gạo mà họ đã ký”, ông Phong cho hay.
Cùng quan điểm trên, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Cục An toàn thực phẩm nói rằng nếu chúng ta xử lý không khéo việc xuất khẩu gạo có thể ngành xuất khẩu này sẽ bị vỡ trận chứ không phải chỉ ảnh hưởng đến một vài doanh nghiệp.
Đặc biệt, người chịu thiệt hại nặng nề trước nhất luôn là nông dân trồng lúa. Đó là chưa kể doanh nghiệp nước ngoài đòi bồi thường hợp đồng thì các doanh nghiệp trong nước thì lấy tiền đâu ra để bồi thường trong khi còn lo tiền để trả nợ vay ngân hàng…Sau khi có thông tin dừng xuất khẩu gạo, tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đứng ngồi không yên, họ như ngồi trên lửa và bỏ cả việc ăn cơm.
Ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng AgroMonitor (Thị trường lúa gạo) cũng khẳng định, việc ngừng xuất khẩu gạo sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh gạo Việt Nam nếu việc này chưa được xem xét kỹ lưỡng…
‘Nên xuất khẩu vì Việt Nam đang thừa gạo’
Cũng theo một doanh nghiệp ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (xin được giấu tên) thì Việt Nam hoàn toàn đủ gạo để tiêu thụ trong nước, phục vụ cho hơn 90 triệu dân và có thể tiêu thụ tới cuối năm nay (2020) mà vẫn không hết gạo,
Cho đến thời điểm này, Việt Nam chỉ có gạo là mặt hàng chủ lực đem lại kim ngạch cho đất nước do đó về kinh tế vĩ mô nên khuyến khích xuất khẩu vì cả nước đang thừa gạo.
Nếu đột nhiên dừng xuất khẩu gạo sẽ có hàng trăm doanh nghiệp điêu đứng, hàng ngàn tiểu thương vỡ nợ và đặc biệt hàng triệu người nông dân lại ca bài ca được mùa mất giá…
Trước đó, khoảng 14h30 ngày 24/3, Tổng cục Hải quan đã có công điện hỏa tốc gửi các Cục hải quan tỉnh, TP và một số đơn vị trực thuộc yêu cầu tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0h ngày 24/3/2020.
Theo đó, Cục quản lý rủi ro sẽ thiết lập tiêu chí đưa mặt hàng gạo các loại thuộc các phân nhóm HS: 1006.20, 1006.30 và 1006.40 vào diện cấm xuất khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, việc làm này nhằm thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán.
Vũ Tuấn (t/h)