Bộ Công an: Kẻ cầm đầu lừa người Việt sang Campuchia là người Trung Quốc
Hơn 250 người Việt bị lừa đi làm ‘việc nhẹ, lương cao’ nhưng thực chất là bị bán sang Campuchia, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, rồi bắt người thân tại Việt Nam phải trả tiền chuộc người với số tiền từ 3.000 – 30.000 USD (khoảng 70 – 700 triệu đồng)…
Theo báo Tuổi Trẻ, Bộ Công an hôm 4/7 đã có khuyến cáo về tình trạng người dân Việt Nam bị lừa sang Campuchia lao động, làm ‘việc nhẹ, lương cao’ nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, bị nguy hiểm đến tính mạng.
Người Trung Quốc cầm đầu đường dây lừa đảo
Theo Bộ Công an, các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18 – 35, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm ‘việc nhẹ nhàng, lương cao’.
Tuy nhiên, sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo… trên không gian mạng.
Đáng chú ý, nạn nhân còn bị cưỡng ép lao động từ 12 – 16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở. Bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc từ 3.000 USD đến 30.000 USD (từ khoảng 70 – 700 triệu đồng) mới cho về nước.
Nhiều trường hợp nạn nhân bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang các cơ sở khác.
Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại các khu vực Bavet (tỉnh Svay Rieng), TP. Shihanoukville (tỉnh Preah Shihanouk), Poipet (tỉnh Banteay Meanchay), Chrey Thom (tỉnh Kandal) và TP. Phnom Penh của Campuchia.
Kẻ cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản trên được xác định là những người Trung Quốc, được giúp sức bởi một số người Việt hiện đang hoạt động tại Campuchia.
Hơn 250 người Việt bị lừa bán sang Campuchia
Theo báo Thanh Niên, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam phối hợp Campuchia đã giải cứu hơn 250 người Việt bị lừa bán sang Campuchia để cưỡng ép lao động trái phép, cưỡng đoạt tài sản, buôn bán người lao động…
Hiện nay tình trạng này vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Do đó Bộ Công an khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước lời mời, dụ dỗ sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao trên mạng xã hội, hoặc những người giới thiệu.
Khi phát hiện hoặc nghi vấn có dấu hiệu môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc trái phép thì cần báo ngay cho công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Xuân Hạ (t/h)