Biên tập viên tạp chí LGBT duy nhất ở Bangladesh bị giết hại
Một biên tập viên, nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính của tạp chí cho người LGBT duy nhất ở Bangladesh đã bị chém chết vào tối 25/4 ở thủ đô Dhaka.
Nhà hoạt động này tên là Xulhaz Mannan. Một người khác bị thương khi các phần tử tấn công đột nhập vào căn hộ của họ tại Dhaka.
Đại sứ quán Mỹ ở Bangladesh đã lên án hành vi sát hại Mannan, người cũng làm việc tại Đại sứ quán Mỹ.
“Tôi bị tổn thương vì vụ sát hại man rợ Xulhaz Mannan và một người Bangladesh trẻ khác“, Đại sứ Mỹ Marcia Bernicat nói.
“Chúng tôi căm ghét hành động bạo lực vô cảm này và thúc giục chính phủ Bangladesh bắt những kẻ phạm tội đằng sau vụ giết người này bằng những biện pháp mạnh mẽ nhất“, bà nói.
Ansar al-Islam, một chi nhánh của Al Qaeda, đã nhận trách nhiệm thực hiện vụ sát hại ở thủ đô Bangladesh.
Một phóng viên ảnh người Anh quen Mannan và Tanay Mojumdar, một người đàn ông khác bị giết, nói rằng, họ và bạn bè đã lập tờ báo Roopbaan với mục đích giúp cộng đồng LGBT được chấp nhận rộng rãi hơn.
Nhiếp ảnh gia nói, cả hai người đều công khai mình đồng tính và tin rằng nếu có thêm nhiều người đồng tính Bangladesh công khai bản thân, quốc gia này sẽ chấp nhận họ.
Họ cũng là người tổ chức cuộc “Diễu hành Cầu vồng” thường niên vào ngày 14/4, từ năm 2014, nhân dịp năm mới ở Bangladesh. Cuộc diễu hành năm 2016 bị cảnh sát cấm vì lý do an ninh.
Việc sát hại họ nhằm mục đích làm cộng đồng người đồng tính ở Bangladesh sợ hãi, phong viên này nói.
Biên tập viên Sabir Mustafa của BBC Bangladesh cho biết, các nhân viên làm việc tại tờ Roopbaan phải cẩn thận bảo vệ danh tính của mình, nhưng không nghĩ rằng họ bị đe dọa đến tính mạng.
Biên tập viên này nói, những phần tử cực đoan bị tình nghi ở Bangladesh cho rằng họ có thể giết người mà vẫn được miễn tội. Đồng tính được coi là bất hợp pháp ở Bangladesh và đây vẫn là vấn đề nhạy cảm trong xã hội.
Nhiều nhà hoạt động bị đe dọa
Blogger nổi tiếng nhất ở Bangladesh nói, ông đã nhận được đe dọa sát hại hôm 24/4.
Imran Sarker, người lãnh đạo cuộc tuần hành bởi những nhà hoạt động thế tục vào năm 2013 chống lại các lãnh đạo Hồi giáo cho hay, ông nhận được cuộc điện thoại nói mình sẽ sớm “bị giết”.
Đầu tháng 4, một sinh viên Bangladesh bày tỏ quan điểm thế tục trên mạng đã bị chém bằng dao phay và sau đó bắn chết ở Dhaka.
Năm 2015, 4 blogger bày tỏ quan điểm thế tục cũng bị giết bằng dao. 4 người này xuất hiện trong danh sách 84 “blogger vô thần” do các nhóm Hồi giáo lập ra vào năm 2013 và được lưu hành rộng rãi.
Từ tháng 2/2015, các dân quân bị tình nghi đã giết nhiều nhà báo là người không có tôn giáo hoặc vô thần, cũng như sát hại nhiều thành viên của các cộng đồng tôn giáo thiểu số.
2 người đàn ông đã bị giết chỉ 2 ngày sau khi một giáo sư đại học bị chém chết bởi một kẻ bị tình nghi là dân quân Hồi giáo.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS) nhận trách nhiệm các vụ tấn công, mặc dù chính quyền Bangladesh nói không có tổ chức ISIS ở đất nước này.
Theo BBC