Biện pháp phong tỏa thành phố nhằm ngăn dịch virus corona của chính quyền TQ liệu có hiệu quả?
Nhằm ngăn sự lây lan của dịch virus corona, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa thành phố, hạn chế việc đi lại của hàng chục triệu người dân. Thế nhưng, biện pháp này có thực sự hiệu quả?
Reuters cho biết, thành phố Vũ Hán, nơi được coi là khởi phát của dịch viêm phổi do chủng virus corona mới gây ra, đã bị phong tỏa từ 24/1. Sau đó, chính quyền Trung Quốc tiếp tục ra lệnh phong tỏa hơn 10 thành phố lân cận, khiến hơn 50 triệu người dân của tỉnh Hồ Bắc mắc kẹt.
Hôm 2/2, thành phố Ôn Châu với 9 triệu dân bị phong tỏa. Người dân bị cấm ra vào thành phố, trong khi nhà chức trách đóng mọi con đường nối Ôn Châu với các khu vực lân cận.
Hôm 4/2, giới chức Trung Quốc cho biết nhiều thành phố lớn khác tại tỉnh Chiết Giang bị phong tỏa hoặc đặt dưới sự kiểm tra nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến sự sinh hoạt của khoảng 12 triệu dân.
Việc phong tỏa thành phố của chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh dịch viêm phổi đang lan rộng liệu có phải là một biện pháp hữu hiệu? Dưới đây là nhận định của các chuyên gia về vấn đề này được đăng trên trang Global News.
Còn quá sớm để kết luận
Tiến sĩ Isaac Bogoch, giảng viên về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto, cho biết việc hạn chế người dân Trung Quốc đi lại đến mức này là chưa từng xảy ra trong quá khứ.
Mặc dù các nỗ lực phong tỏa thành phố tương tự từng được thực hiện trên thế giới, ví dụ trong đại dịch Ebola, hay trong đợt bùng phát virus H1N1, song ông Bogoch cho biết không có gì chứng minh đây là biện pháp thành công.
Tuy nhiên, tiến sĩ Bogoch nói rằng vẫn còn quá sớm để kết luận quyết định phong tỏa của chính quyền Trung Quốc nhằm ngăn dịch virus corona lây lan là hiệu quả hay không.
“Tôi không cho rằng ai cũng có thể nhìn vào mắt bạn và nói thẳng với bạn liệu điều này có hiệu quả hay không, bởi vì chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến bất cứ điều gì như thế này trước đây”, ông nói.
Ông Bogoch cho biết các biện pháp hạn chế đi lại có thể làm chậm sự lây lan của dịch bệnh và giảm nguy cơ lây nhiễm ra các khu vực khác.
Tuy nhiên, tiến sĩ Bogoch nói rằng virus corona đã “vượt khỏi sự kiểm soát”.
“Tôi nghĩ một câu hỏi quan trọng là, ‘Mức độ dịch bệnh ở các vùng khác của Trung Quốc như thế nào?’ và tôi không nghĩ rằng chúng ta có được một câu trả lời chính xác về vấn đề này”, ông Bogoch cho hay.
Ông Steven Hoffman, giáo sư sức khỏe toàn cầu, luật pháp và khoa học chính trị tại Đại học York, cho biết ông đã sốc khi nghe về việc phong tỏa thành phố tại Trung Quốc. Điều này khiến ông liên tưởng tới một thứ gì đó mà người ta có thể thấy trong phim.
Ông nói rằng các lệnh cấm đi lại thường không hiệu quả vì những người muốn ra ngoài sẽ cố gắng tìm cách, và điều này làm thất bại toàn bộ kế hoạch kiểm dịch.
“Nhưng từ quan điểm khoa học, lệnh phong tỏa ở Trung Quốc thực sự thú vị”, ông nói. “Nếu mọi người tuân thủ và nếu có biện pháp đảm bảo lệnh được thực thi và cung cấp được thực phẩm cho 20 triệu người, có lẽ lệnh phong tỏa sẽ hiệu quả”.
Lệnh phong tỏa gây lo ngại về vấn đề đạo đức
Ông Kerry Bowman, Giáo sư trợ lý (Assistant Professor) tại Trường Y tế Công cộng Toronto, Đại học Toronto, đồng ý rằng còn quá sớm để kết luận lệnh phong tỏa của giới chức Trung Quốc có phải là một chiến lược hiệu quả hay không, nhưng ông nói rằng biện pháp này gây ra một số lo ngại về vấn đề đạo đức.
“Từ quan điểm đạo đức mà nói, nếu có những người khỏe mạnh ở khu vực phong tỏa, chắc chắn là có, mà bị nhiễm bệnh, bạn sẽ tăng nguy cơ mất mạng vì virus”, ông Bowman nói. “Vì vậy, những người hoàn toàn khỏe mạnh ở trong khu vực phong tỏa, trên thực tế, có thể bị lây nhiễm virus”.
Ông nói thêm rằng, chính quyền Trung Quốc đang vật lộn để “kiểm soát tình thế khó khăn”.
Ông Bowman nhấn mạnh, có sự khác biệt lớn trong văn hóa về cách chính quyền các nước phương Tây và chính quyền Trung Quốc nhìn nhận các quyết định liên quan đến đạo đức, ví dụ như việc phong tỏa thành phố. “Vì vậy, Trung Quốc đang đưa ra một quyết định rất võ đoán”, ông Bowman khẳng định.
Ông Bowman nói rằng ở Canada, lệnh hạn chế đi lại ở mức độ này có thể sẽ không bao giờ xảy ra, chủ yếu là vì lý do dân quyền.
“Chúng tôi xem xét quyền của người dân – chúng tôi thực sự có quyền cách ly nhiều người như thế không? Khả năng chúng tôi sẽ nói không”.
Giáo sư Hoffman cho biết các biện pháp kiểm dịch trên phạm vi rộng và cực đoan như vậy là “sự hạn chế quyền của người dân và đây là điều không hợp pháp”, và sẽ vi phạm Hiến chương về Quyền và Tự do của Canada.
“Nếu ở Canada, điều này là không thể nào”, ông Hoffman nói.
Theo ĐKN