Biển Đông: Tàu Trung Quốc theo dõi chiến hạm Mỹ trước cuộc tuần tra đảo nhân tạo
Chiến hạm của Mỹ đã tới khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trên biển Đông, và một tàu hải quân Trung Quốc đã theo dõi tàu này trước khi nó bắt đầu tuần tra.
Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen đang đến gần đá Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc tiến hành hoạt động nạo vét, bồi đắp lớn để biến chúng thành các đảo từ năm 2014. Con tàu sẽ di chuyển trong khu vực 12 hải lý gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng tại Trường Sa trong vài giờ.
Quan chức này trước đó cho biết, máy bay giám sát P-8A, và có thể cả P-3, có khả năng đồng hành cùng con tàu.
Mỹ sẽ tiến hành thêm các cuộc tuần tra khác vào những tuần tới, và cũng có thể tiến hành quanh các thực thể mà Việt Nam và Philippines xây dựng tại quần đảo Trường Sa. “Đây sẽ là hoạt động thường xuyên, chứ không phải sự kiện chỉ xảy ra một lần“, quan chức nói.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama khẳng định, họ sẽ thực thi quyền tự do hàng hải ở bất kỳ vùng biển quốc tế nào, trong đó có Biển Đông. “Chúng tôi hoạt động thường xuyên tại Biển Đông và chúng tôi sẽ neo đậu tại các vùng biển quốc tế vào thời điểm do chúng tôi quyết định”, quan chức Mỹ phát biểu.
Khi được AP đề nghị bình luận về động thái của Mỹ, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington D.C là Zhu Haiquan nói, nước này “tôn trọng” tự do đi lại ở Biển Đông, nhưng cho rằng không nên lấy nó làm cái cớ phô trương sức mạnh. Ông Zhu kêu gọi Mỹ tránh khiêu khích, hành xử “có trách nhiệm” nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Trong khi đó, báo Navy Times của hải quân Mỹ đưa tin, một tàu hải quân Trung Quốc theo dõi tàu chiến USS Lassen trước khi nó bắt đầu tuần tra.
Căng thẳng tại khu vực này dâng cao khi Trung Quốc ra sức xây dựng các cơ sở nhân tạo tại Trường Sa, đe dọa an ninh hàng hải. Các hình ảnh trên vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã xây dựng một loạt các cơ sở vật chất tại quần đảo Trường Sa, trong đó có ít nhất 3 đường băng có khả năng tiếp nhận các máy bay chiến đấu của nước này.
Washington nhiều lần tuyên bố không thừa nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc xung quanh các đảo nhân tạo này.
Theo Tuổi Trẻ