Bé gái 7 tuổi Hồng Kông mắng Carrie Lam là vi khuẩn xấu xa
Một bé gái 7 tuổi ở Hồng Kông mỗi lần nhìn thấy cảnh sát thì đều bị dọa đến toàn thân lạnh cóng nhưng vẫn kiên trì đi đến các buổi diễu hành hô to khẩu hiệu. Cô bé chỉ trích Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) là đại ma vương, là vi khuẩn xấu xa, cảnh sát là thuộc hạ của vi khuẩn.
Theo tờ Apple Daily, tiếng nói này đến từ một bé gái 7 tuổi tên là Du Du, cô bé thường cột tóc đuôi ngựa, lớn tiếng hô vang khẩu hiệu cùng mọi người, bên cạnh thường có một người em trai 5 tuổi mắc bệnh tự kỷ, đang bập bẹ tập nói, hoặc là một người chị quen biết trong lúc biểu tình tại sân bay.
Không ít người nhìn thấy bé gái này, đều cảm thấy cô bé bị xúi giục, bị kích động, nhưng mẹ của cô bé là Candy nói rằng: “Không phải tôi dắt bé ra ngoài, mà chính con tôi tự muốn ra ngoài”.
Vào tháng 6, khi cuộc biểu tình vẫn chưa xung đột kịch liệt như thế này, Du Du đã chủ động ra ngoài đường. Candy nói, điều thúc đẩy Du Du đi ra ngoài chính là sự bạo lực của cảnh sát.
Du Du sợ đến phát sốt
Ngày 12/6, người dân Hồng Kông tổ chức bãi công, bãi khóa, Candy và con mình xem ti vi và đã thấy cảnh sát nổ súng, bắn đạn hơi cay. Du Du hỏi mẹ: “Các anh và các chị chẳng làm gì sai hết, tại sao cảnh sát lại nổ súng, không ngừng đánh đập các anh các chị? Liệu con ra đường có bị cảnh sát đánh chết không, liệu có bị cảnh sát bắn chết không?”.
Đêm đó, Du Du gặp ác mộng không ngừng la hét “đừng đánh con, đừng đánh con”, sợ đến phát sốt. Cho đến đêm ngày 15/6, tuy vẫn chưa khỏi sốt nhưng Du Du lại chủ động nói: “Ngày mai con vẫn muốn ra ngoài” và hứa sẽ ngoan ngoãn uống thuốc, dưỡng bệnh.
Sau đó, mặc dù Du Du vừa nhìn thấy cảnh sát đã sợ đến lạnh cóng tay chân, nói không ra lời, thậm chí cả người đều cứng đơ, đi cũng không đi nỗi, nhưng vẫn kiên trì bước tiếp.
Candy nói, trong lúc đi diễu hành, Du Du bị dính đạn hơi cay đến nỗi nước mắt nước mũi chảy ròng ròng, ôm lấy em trai mình khóc lớn. Nhưng nghỉ ngơi vài ngày sau, cô bé lại vẫn kiên trì bước tiếp. Du Du nói: “Vì rất nhiều anh chị đều bị dính đạn hơi cay”.
Trong cuộc biểu tình ở sân bay hồi tháng 8, Du Du bắt đầu dẫn đầu hô to khẩu hiệu, khi ấy có mấy anh chị khóc hỏi Du Du: “Anh/Chị có thể ôm em không”. Candy kể lại, sau đó Du Du đã hỏi tôi: “Tại sao các anh lại khóc?”. Khi ấy bắt đầu có những vụ tự sát, Du Du lại hỏi: “Bọn họ đã nói sẽ gặp nhau ở Bảo Để, sao lại phải đi tự tử? Tại sao không thể kiên trì cùng nhau?”. (Bảo Để là cách gọi riêng để chỉ các khu biểu tình ở Quảng trường Hội Đồng Lập Pháp Hồng Kông).
Khi Du Du hô xong khẩu hiệu, có vài người đã nói với cô bé rằng, cô bé đã khiến bọn họ nhìn thấy hi vọng, có thể đây là lý do mà cô bé kiên trì, vì cảm thấy có thể đem đến năng lượng cho người khác.
Candy nói: “Tất nhiên con bé biết rằng nó vẫn chưa hiểu hết mọi thứ. Nhưng đối với nó mà nói, điều sâu sắc nhất, cũng là điều khiến nó phải ra ngoài chính là vì cảnh sát đánh người, làm tổn thương người khác một cách vô cớ”.
Du Du mới đầu rất ngại ngùng
Bài báo nói, Du Du ban đầu rất ngại ngùng, ngay cả đọc diễn cảm cũng không dám. Sau kì nghỉ hè ngắn ngủi, cô bé chủ động đăng ký luyện đọc diễn cảm, và nói rằng: “Con không hề sợ khi dẫn dắt mọi người hô to khẩu hiệu ở sân bay, đọc diễn cảm có gì phải sợ chứ?”.
Sau khi Du Du biết được không ít người nói rằng cô bị xúi bậy, cô bé nói: “Điều này có gì lạ? Con cũng có đầu óc, cũng biết suy nghĩ”. Vì sợ bị điều tra thông tin, Candy trước khi phỏng vấn đã quyết định bịt khẩu trang, Du Du một mực không chịu, cô bé nói: “Vì rất ngạt và không thoải mái, vì con không làm sai gì cả”.
Trong mắt Du Du, những người biểu tình đã đưa ra 5 yêu cầu lớn, mỗi cái đều rất quan trọng. Cô bé cho rằng, Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh là đại ma vương, là vi khuẩn, cảnh sát là thuộc hạ của vi khuẩn. Cô bé còn nói: “Vì con là một người ở Trái đất, vi khuẩn lại là một loại bệnh độc, sẽ gây bệnh cho mọi người, chỉ có các anh các chị mới trị được”.
Khi được hỏi là ai đã dạy điều đó, Du Du cười nói: “Khi con xem ‘Anpanman’ liền nhớ đến, đã nói ngay với mẹ”.
Candy bảo, mỗi ngày trước khi ngủ, cô sẽ luôn nói chuyện với Du Du, giải đáp các câu hỏi mà Du Du đưa ra. Hình như hai ngày trước, Du Du hỏi thế nào là cưỡng hiếp: “Tôi thật sự không biết phải trả lời con bé thế nào. Tôi đành phải nói đó là làm việc không tốt đối với một cô bé”, Candy nói.
Candy bảo Du Du dành nhiều thời gian hơn để ôn tập, Du Du lại hỏi mẹ: “Cảnh sát có phải học càng kém thì làm được chức vụ càng cao không?”. Candy cười khổ, cảnh sát bây giờ, cô không biết phải giải thích thế nào với đứa con gái của mình.
Du Du vẫn muốn bước ra ngoài dù rất sợ cảnh sát
Ngày 2/11 Candy, Du Du và em của cô bé có tham gia vào buổi họp cử tri ở công viên Victoria, sau đó tham gia buổi họp ở quảng trường Edinburgh, bắt gặp một lượng lớn các cảnh sát chống bạo động ở ven đường, Du Du lần nữa bị dọa sợ đến không nói lên lời, trên đường còn gặp cảnh sát bắn đạn hơi cay.
Trải qua bao vất vả, cuối cùng cũng đến được buổi họp nhưng lại nhận được thông báo buổi họp bị cảnh sát bắt dừng lại, để bảo vệ an toàn, bọn họ vội vã rời đi. Mấy ngày sau trong cuộc điện thoại phỏng vấn, mới biết rằng Du Du trong lúc tháo chạy chân bất cẩn ngã bị bầm tím, hơn nữa ở ven đường gặp các cảnh sát chống bạo động, cô bé sợ đến nỗi muốn khóc, cho nên ngày hôm đó không thể hô khẩu hiệu.
Khi được hỏi, đối với các buổi họp sau này, nếu vẫn nhìn thấy rất nhiều cảnh sát hoặc cần phải bỏ chạy, liệu cô bé còn dám ra ngoài không? Du Du kiên định nói: “Dám!” còn bảo rằng: “Chúng ta không thắng thì cũng phải kiên trì, chúng ta nhất định phải thắng chính phủ”.
Vậy nếu thắng không được thì sao? Cô bé nói: “Con không biết”. Candy cũng thẳng thắn nói: “Nếu cuộc biểu tình thật sự không thể thắng, tôi cũng không biết tương lai sẽ thế nào”.
Đối mặt với những người chửi mắng cô ấy ở trên mạng rằng không nên dắt trẻ con ra ngoài, Candy từ đầu đến cuối vẫn kiên trì tin rằng Du Du có thể ra ngoài, có sức để ra ngoài và có trách nhiệm để ra ngoài, vì tương lai phụ thuộc vào chúng ta, chứ không phải các quan chức cấp cao.
Bài báo kết luận rằng, đối với việc Du Du ra ngoài, lí do có lẽ rất đơn giản, là vì những nhóm chiến sĩ dũng cảm đấu tranh chống lại vi khuẩn, những lớp anh chị đi trước luôn bảo vệ bọn họ một cách an toàn.
Giống như những người biểu tình, tâm nguyện lớn nhất của Du Du là sau khi biểu tình thắng lợi, cùng gặp các anh các chị ở Bảo Để.
Minh Huy (Theo NTDTV)