Bát quái đồ trấn yểm sông Tô Lịch: Nhiều người đã phải trả giá khi nạo vét sông
Sông Tô Lịch, một con sông nhỏ nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội, nơi hợp thủy của 3 con sông, nổi tiếng với nhiều lời đồn trấn yểm của người Tàu và hàng trăm câu chuyện kỳ bí xung quanh.
Có thể nói nhân loại đang sống trong thời kỳ khoa học kỹ thuật phát triển rất mạnh mẽ, giúp nâng tầm tri thức và thay đổi chất lượng cuộc sống từng ngày. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều những hiện tượng kỳ bí tồn tại xung quanh chúng ta mà khoa học chưa thể nào giải thích được, khiến con người phải bối rối khi tìm câu trả lời.
Hiện tượng trấn yểm sông Tô Lịch từng gây xôn xao dư luận cả nước về những sự việc huyền bí xảy ra đúng vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ 21. Giữa sự phát triển không ngừng của khoa học, điều này khiến cho không ít người tranh cãi về tính chân thực của nó.
Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra, có người thì cho rằng đây là chuyện bịa của những người trong cuộc, nhưng cũng có người thì hoàn toàn tin rằng chuyện trấn yểm là có tồn tại.
Là đại nạn hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên?
Sông Tô Lịch là một sông cổ của tứ giác nước Thăng Long, vốn từng là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ thượng lưu ở sông Hồng sang sông Nhuệ. Đến đoạn trung lưu, nó gặp hồ Tây (là dấu tích của đoạn sông Hồng cũ, nằm cạnh Quán Thánh) và một phần nước từ hồ Tây được cung cấp cho đoạn sông từ đó đến hạ lưu.
Tuy nhiên tới nay đoạn sông từ Cầu Gỗ đến Bưởi, nay đã bị lấp, chỉ còn lại một vài dấu tích như ở Thụy Khuê (nằm ở mặt sau của tòa chung cư Golden West Lake và một khu dân cư nhỏ ở gần chợ Tam Đa). Do đó, Tô Lịch không còn thông với sông Hồng nữa.
Ngày trước, hai bên bờ sông buôn bán tấp nập. Từ khi bị lấp, sông chỉ là một dòng thoát nước thải của thành phố, bị ô nhiễm nặng. Từ cuối những năm 1990, Tô Lịch bắt đầu được nạo vét đáy sông, kè bờ, để làm sách và chống lấn chiếm.
Bắt đầu vào tháng 06/2001 Công ty liên doanh xây dựng VIC trúng thầu gói thầu 07 dự án cải tạo hệ thống thoát nước Hà nội (CPTA). Công việc cụ thể là nạo vét và kè đá bờ sông Tô Lịch. Hàng loạt sự kiện kỳ lạ đã xảy ra…
Vào ngày 15/08/2016, đội thi công số 12 – trực thuộc công ty VIC với người đứng đầu là ông Nguyễn Hùng Cường bắt đầu tiến hành nạo vét sông Tô Lịch, thuộc địa phận làng An Phú – Phường Nghĩa Đô – Quận Cầu Giấy – Hà Nội.
Theo lời ông Cường, trước đó với tư cách chỉ huy công trường ông có mời ông Phạm Ngọc Anh – kỹ sư thủy lợi làm chuyên viên kỹ thuật. Ngay ngày đầu tiên khi khảo sát thực địa, ông Anh phát hiện một ngôi đền rất lớn ở bờ sông phía An Phú. Đó là ngôi đền Quán Đời có từ thời Lý. Ông Anh nói: “Cậu không nên nhận thi công đoạn sông này. Nguy hiểm lắm”. Tất nhiên, ông Cường không nghe theo lời khuyên này.
Ngày hôm đó, khi vừa cho máy xúc, máy ủi xuống bờ sông khởi công. Trước khi thi công, ông Cường có thắp mấy nén hương thì tự nhiên lửa trong nắm hương bùng cháy rực, sau đó ông nhận được tin công trường có sự cố. Công nhân ngoài công trường phát hiện rất nhiều cọc gỗ lim đóng theo những hàng ngắn, bố trí rất lạ nhưng ông vẫn yêu cầu nhổ lên.
Máy vừa nhổ được 2 chiếc cọc, thì tự nhiên như có một lực gì đẩy, chiếc máy xúc tự trôi xuống sông, không có cách gì giữ được. Đồng thời đê ngăn nước vỡ, nước tràn vào ngập kín chiếc máy xúc. Đúng lúc đó, có tiếng người la hét, phát hiện ra rất nhiều xương người, xương thú vật cũng nhiều vật cổ. Trong số đó họ phát hiện được tấm gỗ vàng, tâm có hình bát quái, một số đồ gốm, xương voi, ngựa, dao, tiền đồng.
Khi toàn bộ cọc gỗ được nhổ lên, các bộ hài cốt được đem lên Bát Bạt (nghĩa trang chôn cất chung tại Hà nội) thì có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra. Việc chuẩn bị tiến hành thi công bị rối tung lên, máy xúc KOMATSU tự nhiên lao xuống sông. Một số người đang làm việc tự nhiên ngã lăn ra đất, chân tay co rúm, cứng đờ, lưỡi thè ra ngoài và trở nên hoàn toàn mất ý thức trong nhiều giờ. Địa tầng của cả khu vực thi công tự nhiên biến đổi, không giống như khảo sát ban đầu và khi thử đưa la bàn vào khu vực đó thì kim la bàn quay tít.
Theo thông tin, 7 cây cọc gỗ được chôn đứng dưới lòng sông, tạo thành một đa giác đều. Được một số bạn bè giới thiệu, ông Cường mời 1 thầy pháp nổi tiếng dưới Hải Phòng về trừ tà. Khi vừa nói chuyện với thầy, tự nhiên thầy trừng mắt: “Này, chỗ ấy âm khí nặng nề, sức tôi không trừ được”.
Sau đó Bảo tàng Hà Nội có tổ chức 1 cuộc hội thảo khoa học, hội tụ rất nhiều các nhà khoa học cả về sử học, bảo tàng, tâm linh… Kết luận của giáo sư Trần Quốc Vượng được chấp nhận: Đây là trận đồ bát quái yểm trấn giữ cửa thành Đại La từ thế kỷ IX.
Công việc thi công vẫn được tiến hành bình thường, nhưng những chuyện kỳ lạ vẫn tiếp tục xảy ra với các công nhân làm việc tại đây. Xương người tìm thấy được liệm vào tiểu và chôn ở bờ sông, hàng ngày cắt cử người hương khói. Nhưng công việc không tiến triển được, cứ đắp đê lên lại vỡ. Đá được đặt lên lại chìm xuống, mũi khoan kiểm tra địa tầng cứ hạ xuống thì liên tiếp gãy cả 3 lần. Công nhân toàn nằm mơ thấy những người mặc áo the, khăn xếp đánh đuổi không cho nằm. Nhiều người đã bỏ việc không dám ở lại.
Anh Thương quê ở Nghệ An là công nhân xây lắp ngủ ở lán công trường, đêm nào cũng mơ thấy 1 bà cụ hiện lên nắm tóc đuổi đi và nói: “Đây không phải chỗ kiếm ăn của mày, về quê mà sống”.
Anh Thương không chịu bỏ đi, còn khuyên nhiều công nhân ở lại làm. Được 3 hôm vợ anh làm cấp dưỡng cho công nhân bị bỏng độ 3 toàn thân. Anh lo chữa cho vợ và cũng xin nghỉ việc.
Để có thể thi công một cách thuận lợi sau những sự cố kỳ lạ này, ông Cường lại tiếp tục mời thượng toạ Thích Viên Thành ở chùa Hương về làm lễ cúng. Lễ xong thầy Thích Viên Thành dặn công nhân làm việc cẩn thận và còn nói thêm: “Vì cái đàn tràng này tính mạng thầy cũng khó giữ”. Ba tháng sau thầy Thích Viên Thành qua đời.
Mãi đến khi ông Mão, một thầy từ phủ nổi tiếng, nhà ở Vĩnh Tuy- Hà nội, được mời đến làm lễ tế tại công trường thì việc thi công của đội mới bắt đầu suôn sẻ hơn.
Cũng theo lời ông Cường, mọi chuyện xảy ra với ông vẫn chưa dừng lại ở đó. Sau khi thi công được 150m dài (thực tế đội nhận thầu là 369m), đội quyết định dừng tại đây. Nhưng những tai ương đến với ông Cường vẫn liên tiếp đến: bố đẻ ông đột ngột qua đời do đứt mạch máu não khi đang khỏe mạnh, anh trai gây tai nạn giao thông vướng vào vòng lao lý, một người anh khác đang làm ăn tốt thì bị phá sản, còn cô em út bị vướng vào oan khuất và bị kiện. Bản thân ông từ một người tỷ phú trở thành kẻ tay trắng, phải phiêu bạt tới tận vùng biên cương.
Thực hư chuyện trấn yểm sông Tô Lịch
Các nhà khoa học đã có những đánh giá sơ bộ, song cho đến nay vẫn chưa có kết luận nào khả dĩ có thể lý giải những hiện tượng này. Giáo sư Trần Quốc Vượng có kết luận như sau: “Trước đây, cổng Hoàng thành ngoài lính còn có Thần trấn giữ 4 cửa (Thăng Long Tứ trấn) và có yểm bùa hay còn làm lễ Hiến Sinh. Như vậy đây là cổng thành phía Tây của La thành. Thông qua tính tương đối thống nhất giữa niên đại và đa số đồ gốm cho thấy niên đại của địa điểm này trong khoảng thế kỷ 11 cho đến 14, thuộc vào thời Lý -Trần Việt Nam hay thời Tống của Trung Quốc”.
Các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử và các nhà nghiên cứu phong thủy Việt Nam khác cho rằng đây có thể là nơi trấn yểm của Cao Biền. Theo truyền thuyết, mục đích Cao Biền trấn yểm chặn long mạch là để làm cho đất cứng hơn cho thành xây lên không bị đổ, và cũng để ngăn chặn người tài sinh ra tại đất Việt.
Từ xa xưa đã có truyền thuyết về việc Cao Biền dùng hơn 4 tấn sắt, đồng…chôn để chấn yểm đền Bạch Mã là nơi vị thần sông Tô Lịch trú ngụ. Cao Biền còn nhiều lần dựng đàn tràng, dùng 4 thứ kim loại: sắt, đồng, vàng, bạc trấn yểm nhiều nơi trên bờ sông Tô Lịch. Theo sử sách, Cao Biền đã đặt bùa trấn yểm tới 19 nơi dọc theo sông Tô Lịch.
Nhiều nhà phong thủy cho rằng, có một long mạch rất lớn xuất phát từ phía Tây của thành Đại La, long mạch này đi qua thành Đại La, cụ thể theo dọc sông Tô Lịch, qua khu vực Hồ Tây, kéo dài sang Cổ Loa – Đông Anh. Long mạch này còn kéo dài tới dãy Yên Tử và theo hướng Đông Bắc tới tận Quảng Ninh.
Theo truyền thuyết, Cao Biền đã thực hiện biện pháp trấn yểm long mạch, nhằm bế dòng khí của long mạch này. Thủ thuật trấn yểm tương tự như thuật điểm huyệt trong Đông y học.
Nhưng đây cũng chỉ là một trong những kết luận được đưa ra để giải thích về sự việc kỳ lạ tại sông Tô Lịch.
Dưới một góc độ khác, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, một trong các cách giải thích có thể là do địa điểm thi công là nơi hợp thủy của 3 con sông nên có địa tầng không ổn định, dẫn tới việc khảo sát thiết kế, xây dựng dự án xây dựng tuyến kè không sát với thực tế; tuy nhiên, vì là nơi hợp thuỷ của ba dòng sông nên cũng có thể có yếu tố phong thuỷ. Ông không loại trừ khả năng đây là di tích của một sự yểm nào đó của thời kỳ tiền Thăng Long – thời Cao Biền làm Tiết độ sứ. Tuy nhiên ông cũng khẳng định:
“…Thế nhưng, vận nó vào giữa những yếu tố được giải thích dưới góc độ chuyên môn và hiện tượng xã hội gắn liền với vụ việc cụ thể thì tôi nghĩ rằng thiếu căn cứ. Không ai có thể kết luận được rằng, vì cái vùng đất ấy mà dẫn đến hệ quả mang tính chất thuần tuý là cái sự trả giá về mặt tâm linh…”
Trên đây là những cách đánh giá và giải thích của một số chuyên gia, chưa phải là kết luận rõ ràng để phân rõ thực hư trong câu chuyện bùa trấn yểm tại sông Tô Lịch, thậm chí người ta còn cảm thấy hoài nghi về những mất mát, tai ương mà những người trong cuộc phải gánh chịu. Có lẽ mỗi người chúng ta đều sẽ có cách đánh giá riêng của mình, nhưng nếu thực sự Thần Phật hay ma quỷ là tồn tại, thì những sự việc này đang muốn nhắc nhở con người chúng ta điều gì?
TinhHoa tổng hợp