Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2016: 80 học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết
Ngày 15/08, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố bản báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới, đặc biệt, đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã nhắc đến tình huống cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc suốt 18 năm qua.
Mỹ công bố “Báo cáo Tự do Tôn giáo”
Sáng thứ Ba (15/08), Ngoại trưởng Tillerson đã công bố “Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên năm 2016” với giới truyền thông. Ông Tillerson trước tiên nhấn mạnh, tự do tín ngưỡng “Không chỉ là giá trị cốt lõi được đề cập trong ‘Tu chính án thứ nhất của Hoa Kỳ’”, mà còn là nhân quyền phổ quát. Vậy mà hiện nay, còn gần 80% người dân trên thế giới vẫn bị hạn chế tự do tôn giáo.
“Nếu như tự do tôn giáo không được bảo vệ, chúng ta đều biết, sự bất ổn, xâm phạm nhân quyền và chủ nghĩa bạo lực cực đoan sẽ càng có cơ hội phát sinh. Chúng ta không thể bỏ qua những tình huống này”, ông Tillerson khẳng định. Ông còn nói rằng, nhiều chính phủ trên thế giới đã lạm dụng quyền lực để tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng. Chính quyền của ông Trump cam kết sẽ giải quyết vấn nạn này và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục lên tiếng ủng hộ những người có tín ngưỡng.
Trong lời nói đầu của bản báo cáo có viết: “Ngay từ đầu, Mỹ luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Đáng buồn là rất nhiều nơi trên thế giới không được hưởng sự tự do này”. Ông hy vọng “những người tốt có đức tin, tín đồ Cơ đốc giáo, người Hồi giáo, Do Thái và theo Đạo Hindu đều có thể theo đuổi tín ngưỡng tâm linh của mình”.
Tại Trung Quốc, Ngoại trưởng Tillerson lưu ý rằng: “Chính phủ tra tấn, giam giữ và bỏ tù hàng ngàn người tập Pháp Luân Công vì tín ngưỡng của họ. Hàng chục người tập Pháp Luân Công đã chết trong các nhà tù. Các chính sách đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Phật giáo Tây Tạng cũng không ngừng gia tăng”.
ĐCSTQ vẫn tiếp tục bức hại Pháp Luân Công, 80 người bị tra tấn đến chết trong năm qua
Báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa liệt Trung Quốc vào “quốc gia đặc biệt đáng quan ngại”. Từ năm 1999 đến nay, từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại tàn khốc những người tập Pháp Luân Công, quốc gia này suốt 18 năm qua vẫn luôn thuộc diện “đáng quan ngại”. Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo năm 2016, danh sách này còn có cả Sudan, Bắc Triều Tiên, Myanmar cùng 9 quốc gia khác.
Theo báo cáo, “80 người tập Pháp Luân Công đã bị chết tại các cơ sở giam giữ trong vòng một năm qua”. Báo cáo dẫn lại số liệu từ Tổ chức Dui Hua Foundation “có ít nhất 3.403 người tập Pháp Luân Công đã bị bỏ tù và 330 người bị giam giữ”. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số thống kê này.
Một số trường hợp bị bức hại nghiêm trọng cũng được nêu cụ thể trong báo cáo. Chẳng hạn, ngày 13/3/2016, một người tập Pháp Luân Công là bà Diêm Quốc Diễm ở Hà Bắc đã qua đời không lâu sau khi được trả tự do. Bà Diêm đã bị tra tấn tàn khốc trong trại giam.
Một trường hợp khác, anh Tôn Minh Cường trong một lần nói với các sinh viên về cuộc bức hại Pháp Luân Công, ngày 9/9/2015, đã bị một nhân viên an ninh bên ngoài Viện Quân sự ở tỉnh Sơn Đông đả thương nghiêm trọng, để lại một lỗ hổng lớn trong sọ não của anh. Vì chấn thương này mà đến tháng 3/2017, anh đã qua đời ở tuổi 35.
Chính quyền ĐCSTQ đàn áp những người tập Pháp Luân Công để ép họ từ bỏ đức tin của mình bằng mọi giá.
Báo cáo còn nhấn mạnh: “Một số quan chức yêu cầu các gia đình ký biên bản cam kết không đến nhà thờ chưa đăng ký với chính quyền và không tham gia các hoạt động liên quan đến Pháp Luân Công, coi đây là điều kiện tiên quyết để xem xét cho con cái họ đăng ký đi học”.
“Các nhà chức trách còn chỉ đạo tổ dân phố báo cáo những người tập Pháp Luân Công cho chính quyền, đồng thời thưởng tiền cho những ai đã báo cáo chính xác các trường hợp Pháp Luân Công”.
Theo các kênh truyền thông quốc tế, những vụ bắt bớ người tập Pháp Luân Công vẫn gia tăng trong “những ngày nhạy cảm” như các cuộc họp thường niên của Ban chấp hành Trung ương Đảng hay Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Ngoài ra, còn có một số học viên sau khi hết hạn thi hành án oan trong tù trở về nhà, vẫn bị tước đoạt tự do. Điển hình là trường hợp ông Vương Trị Văn đã bị kết án phi pháp 15 năm tù giam, sau khi được trả tự do tháng 10/2014 vẫn luôn bị giám sát chặt chẽ, cơ quan chức năng thậm chí còn hủy bỏ hộ chiếu của ông, cấm không cho ông xuất cảnh đoàn tụ với con gái.
Theo báo cáo trên website Minghui.org của Pháp Luân Công, trong một năm qua, nhân viên an ninh, kiểm sát và tư pháp tại nhiều địa khu ở Trung Quốc đã bắt đầu thừa nhận rằng, việc bắt giữ những người tập Pháp Luân Công là hành vi phạm pháp, nên đã từ chối bắt giữ hoặc buộc tội họ.
Tình trạng tự do tôn giáo ở Trung Quốc thực sự đáng quan ngại
Báo cáo cho thấy rằng, những người có tín ngưỡng tôn giáo ở Trung Quốc hiện vẫn đang bị giam giữ, bắt bớ và tra tấn. “Hàng chục người tập Pháp Luân Công đã bị chết trong các cơ sở giam giữ. Có báo cáo rằng, mục sư tại một nhà thờ không đăng ký với chính quyền cùng vợ của ông đã bị chôn sống khi họ phản đối việc phá dỡ nhà thờ. Người vợ đã bị chết, còn vị mục sư may mắn thoát chết. Cũng có nhiều báo cáo về sự mất tích của các linh mục Công giáo, cái chết của một nhà hoạt động nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ và những trường hợp khác mà chính quyền gán cho cái nhãn ‘tự tử’…”
Báo cáo cũng nhấn mạnh đến những trường hợp mà chính phủ Trung Quốc gọi là “thế lực ly khai dân tộc, thế lực tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa khủng bố bạo lực” và tỏ ra lo lắng vì “ba thế lực tà ác” này mà tiến hành khắc chế các hoạt động tôn giáo của người Duy Ngô Nhĩ.
Chính phủ Trung Quốc cũng liên tục khống chế các tôn giáo và tín ngưỡng, do đó với những nhà hoạt động dân chủ mà họ cho rằng có sự uy hiếp đối với lợi ích quốc gia hoặc ĐCSTQ thì không tiếc tay đàn áp. Nhiều người chỉ vì kiên định với tín ngưỡng của họ mà đã bị tấn công, bắt bớ, giam giữ, kết án hoặc bị sách nhiễu.
Báo cáo còn đề cập đến vụ việc 3 người Tây Tạng tự thiêu, 3 ni cô tự sát để phản đối chính sách hạn chế của chính phủ. Ngoài ra, tại tỉnh Chiết Giang, chính phủ Trung Quốc đã phá hoại hơn 600 cây thập tự giá ở hơn 2.000 công trình kiến trúc của Cơ đốc giáo.
Ngoại trưởng Tillerson: Mỹ sẽ thúc đẩy các quốc gia tôn trọng tự do tôn giáo
Quốc hội Mỹ năm 1998 đã thông qua “Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế” (IRFA), theo đó hàng năm Mỹ đều phát hành Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế. Báo cáo này không nhằm chống lại bất kỳ quốc gia nào, cũng không phải để xếp hạng các quốc gia, mà để thống kê số liệu cụ thể, trình bày trước Quốc hội và chính phủ đương nhiệm có thể tham chiếu trong việc giúp đỡ các quốc gia khác, chẳng hạn như viện trợ nước ngoài, phân bổ nguồn tư nguyên ngoại giao, tị nạn…
Báo cáo năm nay là lần thứ 19 Mỹ tiến hành khảo sát tình huống tự do tôn giáo tại 199 quốc gia và địa khu trên thế giới.
Ngoại trưởng Tillerson khẳng định: “Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế” yêu cầu chính phủ Mỹ đứng về phía tự do và những người bị bức hại, có thể sử dụng những công cụ thích hợp trong chính sách đối ngoại, chẳng hạn như ngoại giao, chính trị, thương mại, từ thiện, giáo dục, văn hóa… thúc đẩy các chính phủ và người dân tôn trọng tự do tôn giáo.
Theo Trithucvn