Bài học cho kẻ lười biếng: Muốn thành công hãy bớt viển vông lại, làm nhiều hơn!
Ba câu chuyện sau là ba bài học đắt giá về những kẻ lười biếng nhưng lại mong muốn được thành công, đến cuối cùng thì chẳng được gì mà còn rước họa vào thân. Bởi vậy, muốn thành công thì hãy bắt tay vào làm việc ngay từ bây giờ, bớt nói lại, làm nhiều hơn.
Câu chuyện thứ 1:
Cậu ngồi ngủ gật suốt trên đường đi mặc cho người cha lầm lũi đánh xe trên con đường gồ ghề sỏi đá. Đang đi người cha bỗng nhìn thấy trên đường có một chiếc móng sắt bịt chân ngựa ai đó đánh rơi. Người cha lay Kumar dậy và bảo hãy nhảy xuống nhặt chiếc móng kia lên, mang ra chợ bán nhưng Kumar mặc dù nghe thấy nhưng lười biếng cứ ngồi im giả vờ ngủ gật.
Người cha lại lay cậu con trai lần nữa, nhớ ra Kumar rất thích ăn quả anh đào, ông nói: “Nhảy xuống nhặt đi con, tới chợ cha bán nó đi rồi mua quả anh đào cho con ăn” nhưng cậu bé Kumar vẫn không nhúc nhích, mắt vẫn nhắm nghiền giả vờ ngủ. Tiếc của, người cha đành hãm xe ngựa lại và nhảy xuống nhặt chiếc móng sắt lên.
Đến chợ, sau khi bán hết rau, người cha đến chỗ nhà rèn sắt và bán chiếc móng ngựa được 100 đồng, ông mua một túi quả anh đào và cất đi. Trên đường về nhìn thấy túi quả anh đào ngon lành treo trước xe, mặc dù thèm lắm nhưng cậu bé Kumar không dám xin cha vì đã lười biếng. Người cha muốn dạy cho con trai mình bài học về sự lười biếng nên ngồi im lặng, phớt lờ sự thèm thuồng của cậu con trai, ông giả vờ đánh rơi một quả anh đào xuống đường.
Chẳng cần phải để cha thúc giục hay nói gì, Kumar ngay lập tức nhảy ngay xuống xe, nhặt quả anh đào nhai ngấu nghiến rồi lại đuổi theo xe và nhảy lên. Cứ thế, cậu bé vừa nhảy lên xe ngồi chưa ấm chỗ, người cha lại giả vờ đánh rơi một quả anh đào, Kumar lại nhảy xuống, người cha cũng vẫn đánh xe đi bình thường, không chờ.
Và Kumar lần nào cũng phải đuổi theo xe để nhảy lên. Vừa đúng đến nhà thì hết túi quả anh đào mấy chục quả, Kumar thì mặt mũi phờ phạc vì ăn được một quả anh đào lại phải chạy theo xe thở dốc rồi lại nhảy lên, nhảy xuống.
Người cha hỏi: “Con có mệt không?”, Kumar gật đầu vì không còn sức để trả lời, người cha nói: “Vậy con thích nhảy xuống một lần rồi nhảy lên ngay hay vài chục lần và chạy đuổi theo xe?”, Kumar cúi đầu hiểu ra: “Dạ con đã hiểu thưa cha, từ giờ con sẽ không để sự lười biếng theo mình nữa ạ”.
Người lười ngỡ tưởng sự biếng nhác sẽ mang lại cho họ được sự nhàn rỗi, may mắn hơn những người bình thường khác. Nhưng, thực ra, họ đã lầm. Lười biếng khiến họ còn cảm thấy khổ sở hơn, phải chạy tăng tốc hết sức mình, phải cố gắng gấp 5, gấp 10 mới đuổi kịp người khác. Bạn thấy đấy, lười biếng chỉ cho bạn sự sung sướng “ngắn hạn”. Muốn thoải mái “dài hạn”, hãy bắt tay làm việc ngay từ bây giờ.
Câu chuyện thứ 2:
Có một người vận chuyển hàng cần chở một lượng hàng nhất định và thường xuyên nên đã tìm 2 con ngựa để giúp mình thực hiện công việc này.
Người vận chuyển chia hàng làm đôi, mỗi con chở một nửa. Ban đầu cả hai con đều làm việc chăm chỉ.
Nhưng càng ngày, một con thì chăm chỉ và đi nhanh, một con trở nên lười biếng vừa đi vừa nhởn nhơ gặm cỏ. Người chuyển hàng thấy vậy đã mang toàn bộ số hàng trên lưng con ngựa chậm chạp chất lên lưng con ngựa đi nhanh.
Con ngựa lười thấy vậy càng khoái chí và nghĩ mỉa mai con ngựa nhanh: “Khà khà! Càng nỗ lực, càng siêng năng thì càng cực nhọc, như ta đây có khỏe hơn không?!”.
Nhưng thật không may, người vận chuyển thấy một con cũng có thể kham nỗi khối lượng công việc và nghĩ: “Tại sao mình lại phải nuôi thêm một con lười biếng vô tích sự kia?”
Thế là người vận chuyển đã bán con ngựa lười biếng cho người ta giết thịt.
Những tưởng lợi dụng mánh khóe, mưu mô sẽ giúp con người ta thành công hơn, nhưng sự lười biếng sẽ gián tiếp nhấn chìm họ vào những cửa ải còn khó khăn, nguy hiểm hơn. Chẳng có con đường nào tắt dành cho những kẻ lười biếng cả. Nếu có chăng thì là đường tắt mãi mãi không có ánh sáng…
Câu chuyện thứ 3:
Gia đình nhà Shahil nằm trong danh sách các gia đình nghèo nhất vùng, nghe nói sắp tới sẽ có đoàn từ thiện của Hội Chữ thập đỏ đến tặng quà cho các gia đình nghèo nên hai vợ chồng Shahil rất vui mừng.
Đoàn từ thiện tới mang theo những xe tải lớn chở gia súc – phương tiện sẽ giúp các gia đình cải thiện cuộc sống khá lên. Tùy từng gia cảnh mà mỗi gia đình được tặng ngựa, bò, trâu hay cừu, lợn. Gia đình Shahil được tặng một con bò.
Shahil rất hào hứng cùng với vợ bàn bạc kế hoạch sẽ trồng gì, nuôi bò ra sao rồi bò sẽ sinh sôi thế nào, họ bán được tiền ra sao, thành đàn bò lớn thế nào và cuối cùng là họ sẽ giàu có ra sao. Hai vợ chồng bàn bạc xong rồi lăn ra ngủ, quên bẵng việc làm cho con bò cái chuồng che mưa che nắng.
Mấy ngày sau, cả hai vợ chồng Shahil cứ hết đứng lại ngồi, lại bàn bạc và nhìn con bò rồi vẽ ra viễn cảnh giàu có trong tương lai, chả ai ra đồng. Một tháng sau thì lương thực hết, vợ Shahil giục chồng ra đồng, Shahil bảo vợ: “Tôi vừa nghĩ ra một kế hoạch tuyệt vời, chúng ta chả tội gì mà nuôi con bò cho mệt, chúng ta bán con bò, mua được hai con dê còn thừa tiền mua đồ ăn được cả tuần, chả phải làm mà nuôi dê cũng nhàn hơn, hai con dê này sẽ đẻ ra cả đàn dê, lúc ấy chúng ta bán tha hồ kiếm tiền”.
Vợ Shahil khen chồng giỏi, thế là họ bán con bò, mua hai con dê, hai vợ chồng mua đồ ăn về ăn uống no say, hết ăn lại nằm rồi bàn chuyện giàu có, loáng cái một tuần trôi qua lại hết đồ ăn.
Shahil lại bảo vợ bán cặp dê, mua đàn gà và lại dư tiền ăn uống no say được thêm một tuần nữa. Rồi dần dần họ cho gà vào nồi mỗi ngày, cho đến khi còn 2 con, vợ Shahil bảo: “Thôi mình ăn nốt một con thôi, con kia để nuôi gây giống”, Shahil bảo: “Một con thì giống kiểu gì, thôi bán nốt con ấy đi mua thêm rượu về uống với con gà này cho ngon, mai rồi tính”.
Thế là trong khi các gia đình nghèo khác chăm chỉ làm lụng ngoài đồng mỗi ngày với những gia súc được tặng để mong một cuộc sống khấm khá hơn thì hai vợ chồng nhà Shahil lại quay về tay trắng như cũ, chạy ăn từng bữa.
Sự thoải mái, an nhàn không dưng mà dễ có. Để chạm đến ngưỡng cửa ấy, con người ta phải trải qua một quá trình dài nỗ lực, chăm chỉ. Dù là may mắn đến đâu mà mắc bệnh lười biếng thì vận may ấy sẽ sớm biến mất.
>>> Đừng tìm lý do biện hộ cho sự lười biếng của bản thân mình
>>> Chuyện người nông dân lười biếng và kế hoạch của Đức Chúa Trời
Theo Cafebiz