Bắc Kinh thừa nhận xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở Biển Đông
Hôm 16/1, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia thừa nhận ngư dân Trung Quốc đã xâm phạm vùng biển của Indonesia để đánh bắt cá. Tuy nhiên, ông này cũng cho rằng sự việc không quá nghiêm trọng và 2 nước có thể dàn xếp ổn thỏa.
Trong cuộc họp báo ngày 16/1 sau cuộc gặp với Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Mahfud MD, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Tiêu Thiên thừa nhận ngư dân Trung Quốc đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia hồi tháng 12.2019 để đánh bắt cá, theo hãng tin Kyodo.
Tuy nhiên, ông Tiêu Thiên cũng cho rằng vụ việc không quá nghiêm trọng và ông tin chính phủ hai nước có thể giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa.
“Ngay cả giữa những người bạn hay láng giềng tốt của nhau cũng có thể tồn tại quan điểm khác biệt, nhưng điều đó không thành vấn đề. Chúng ta có thể thảo luận nhiều vấn đề một cách thân thiện”, ông Tiêu nói.
Sau đó, Bộ trưởng Mahfud cho biết Đại sứ Trung Quốc cũng phân trần với ông rằng chính phủ Bắc Kinh đang chịu sức ép từ ngư dân đòi cho họ tiếp tục hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, bất chấp Jakarta xem đây là hành động phi pháp.
Cũng theo Bộ trưởng Mahfud MD, các quan chức cấp cao Trung Quốc và Indonesia sẽ có cuộc gặp và họp bàn từ ngày 4 – 5/2 để giải quyết vấn đề này.
Tuyên bố của Đại sứ Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng 2 nước gia tăng sau khi hàng chục tàu cá Trung Quốc, được các tàu Cảnh sát Biển nước này hộ tống xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế ở quần đảo Natuna, Indonesia hồi cuối tháng 12/2019.
Indonesia đã phản ứng mạnh mẽ trước vụ việc. Bộ Ngoại giao Indonesia đã gửi công hàm lên án Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng tuyên bố điều động thêm tàu chiến, chiến đấu cơ cùng ngư dân hỗ trợ để đối phó với sự hung hăng của các tàu cá Trung Quốc. Tổng thống Widodo thậm chí đã đích thân thăm quần đảo Natuna, nhấn mạnh việc bảo vệ chủ quyền của Indonesia.
Được biết, Natuna là một quần đảo xa xôi mà Trung Quốc chính thức công nhận là lãnh thổ của Indonesia. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cho rằng vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo này chồng lấn với “đường lưỡi bò (đường 9 đoạn)” mà Trung Quốc tự vẽ ra nên muốn đàm phán. Indonesia đã bác bỏ lời kêu gọi này.
Trước đây, Jakarta và Bắc Kinh cũng đã vài lần xảy ra va chạm trên Biển Đông. Cụ thể, vào năm 2016, một tàu tuần tra của Indonesia đã bắt giữ tàu đánh cá tải trọng 300 tấn của Trung Quốc.
Thùy Linh (t/h)