Indonesia tuyên bố ‘chủ quyền không thể thương lượng’, điều 4 máy bay ra Biển Đông
Khẳng định ‘chủ quyền không thể mang ra thương lượng’, Indonesia không chỉ huy động nhiều tàu chiến và hàng trăm ngư dân mà mới đây còn điều thêm 4 máy bay chiến đấu ra khu vực quần đảo Natuna để gây sức ép buộc các tàu Trung Quốc đang hoạt động trái phép tại đây rời đi.
Điều thêm 4 máy bay chiến đấu bảo vệ chủ quyền trên biển Đông
Theo nguồn tin từ Không quân Indonesia thì vào ngày 7/1 mới đây, 4 máy bay chiến đấu F-16 của nước này đã được điều ra khu vực quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông để gây sức ép buộc các tàu của Trung Quốc rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
“Họ đang tuần tra đúng chuẩn để bảo vệ khu vực thuộc quyền chủ quyền của chúng tôi. Việc tuần tra ở Natuna cũng như vậy. Chúng tôi không nhận được lệnh khai chiến với Trung Quốc”, ông Fajar Adriyanto, phát ngôn viên không quân Indonesia cho hay.
Trước đó, lực lượng vũ trang Indonesia (TNI) cũng cho biết đã triển khai ít nhất 600 binh sĩ và 2 khinh hạm chống tàu ngầm (KRI Teuku Umar và KRI Tjiptadi) đến Natuna Lớn (đảo lớn nhất trong quần đảo Natuna). Đồng thời, huy động nhiều tàu chiến khác cùng với tàu cá và hàng trăm ngư dân ra khu vực có các tàu Trung Quốc để cảnh báo hoạt động trái phép của các tàu này.
Tuy nhiên, không những không rời đi, phía Trung Quốc khi ấy còn khẳng định rằng vùng biển xung quanh Natuna là ngư trường truyền thống của ngư dân nước họ bởi họ đã hoạt động tại đây từ lâu.
Chủ quyền không thể mang ra thương lượng
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 7/1 cũng nói rằng Bắc Kinh đã ‘mở các kênh ngoại giao’ với Indonesia sau vụ việc này, và rằng ‘cả hai nước nên cùng chịu trách nhiệm duy trì hoà bình và ổn định khu vực’.
Trước đề nghị của Bắc Kinh, Bộ trưởng điều phối về tài nguyên và đầu tư của Indonesia ông Luhut Pandjaitan khẳng định rằng, chủ quyền là chuyện không thể mang ra thương lượng, dù Trung Quốc đóng vai trò quan trọng về kinh tế đối với nước này.
“Tôi sẽ không bán chủ quyền lấy đầu tư, không bao giờ. Tôi không phải thằng ngu”, ông nói.
Indonesia dọa hủy bỏ hợp tác song phương
Trước những diễn biến trên, ông Charles Honoris, người cầm quyền của Đảng Đấu tranh Dân chủ ở Indonesia, đã đề nghị chính phủ tạm đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp tác song phương với Trung Quốc.
Ông Honoris nói rằng chính phủ cần phải đánh giá lại quan hệ song phương với Trung Quốc, có thể xem xét đình chỉ hoặc hủy bỏ các kế hoạch hợp tác song phương khác nhau đang thảo luận và tìm kiếm sự ủng hộ của các quốc gia thành viên ASEAN khác…
Không chỉ đồng tình với quan điểm trên, một số quan chức thậm chí còn đề xuất mua thêm tàu tuần tra trên biển, tăng cường khả năng bảo vệ vùng biển của Indonesia.
Được biết, căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc bắt đầu từ giữa tháng 12/2019, khi một tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống các tàu cá của nước này đi vào vùng biển ngoài khơi phía bắc đảo Natuna.
Indonesia khi đó đã khẳng định Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế EEZ của nước này và triệu tập đại sứ Trung Quốc đến để phản đối.
Vụ việc này làm xấu quan hệ nhìn chung khá tốt đẹp của Indonesia với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và là một nhà đầu tư lớn vào quốc gia lớn nhất ở Đông Nam Á.
Theo dữ liệu từ Maritime Traffic, trang web theo dõi hoạt động của các tàu trên biển, có ít nhất 2 tàu Trung Quốc là Zhongguohaijing và Haijing 35111 đang ở rìa vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, cách quần đảo Riau của Indonesia khoảng 200km.
Theo nguồn tin mới nhất từ chính phủ Indonesia thì vào ngày 8/1, vẫn còn một tàu hải cảnh của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Vũ Tuấn (t/h)