Bắc Kinh bùng phát dịch bệnh, người dân lén lút dựng quầy bán hàng để sinh tồn
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán tấn công nghiêm trọng nền kinh tế Trung Quốc khiến một lượng lớn người dân rơi vào tình cảnh không có việc làm. Đề xuất “kinh tế vỉa hè” vừa được nhen nhóm đã bị ngăn cấm, rất nhiều tiểu thương đành phải len lén bày sạp hàng, ở trong “kẽ hở” mà sinh tồn một cách khó khăn.
Gần đây, dịch bệnh đột nhiên bùng phát nghiêm trọng tại Bắc Kinh, và chợ Tân Phát Địa – một trong những chợ bán buôn lớn nhất Trung Quốc đã trở thành trung tâm lây lan của dịch bệnh.
Một người dân sống tại Xương Bình đã đến thị trấn Sa Hà để thuê nhà và bán trái cây rong, bởi vì anh đã đến chợ Tân Phát Địa để lấy hàng nên đã bị cách ly tại nhà. Chủ nhà phụ trách mua thức ăn và đồ dùng sinh hoạt cho anh cùng người nhà của anh. Nghe nói nhà anh đã được lắp đặt Camera quan sát và có các cán bộ liên quan trực tiếp theo dõi.
Một người trong cuộc cho biết: “Hôm qua, anh ấy và rất nhiều người từng đến chợ Tân Phát Địa đã tập trung lại tại Sa Hà, tất cả họ đã đi xe buýt đến bệnh viện quận Xương Bình để làm xét nghiệm axit nucleic, sau đó đã bị cách ly trong 14 ngày. Tổng cộng có sáu chiếc xe buýt đã đi”.
Một chủ gian hàng ở Bắc Kinh nói rằng vì mở quầy bán hàng vỉa hè mà bà đã bị bắt đến đồn cảnh sát Đại Hưng ba lần và bị giam trong 10 ngày. Bà cũng nói rằng bán hàng vỉa hè có thể kiếm được một vài đô la mỗi ngày.
Tuy nhiên, tổng số tiền mà bà và chồng kiếm được cũng không đủ để trả tiền thuê nhà. Sau một thời gian, bà đã trở về quê nhà ở Hà Nam. Bà cũng cho biết, nhiều người đã len lén mở các quầy hàng vào ban đêm để kiếm thêm thu nhập.
Người đàn ông trung niên thất nghiệp: Kiếm được gần 3.000 tệ mỗi tháng
Một người đàn ông trung niên ở Bắc Kinh đã mở một sạp bán hàng trên vỉa hè trong một tiểu khu tại Triều Dương. Bản thân ông đang không có việc làm, ở nhà lại còn có cha mẹ già và con nhỏ.
Ông cho biết, mỗi tháng ông kiếm được chưa tới 3000 tệ, còn phải tự mình giao hàng và cuộc sống rất vất vả.
Thị trấn Sa Hà, Xương Bình: Người bán hàng len lén bày sạp hàng vào ban đêm
Tại thị trấn Sa Hà, Xương Bình, thành phố Bắc Kinh, vào ban đêm có nhiều người bí mật bày các sạp bán hàng, bởi vì đây là lúc mà quản lý đô thị và an ninh thôn đã tan sở.
Tuy nhiên, hiện tại có rất ít công nhân nhập cư tại đây và tất cả các quầy hàng này đều phải trở về nhà vào lúc 1 hoặc 2 giờ sáng, do đó số tiền kiếm được cũng rất ít.
Xương Bình và Giang Tô: Mới dựng các gian hàng tập trung cho thương nhân với phí 4500 tệ/tháng
Tại Xương Bình, Bắc Kinh và Giang Tô, những ngày gần đây chính quyền vừa mới cho dựng sạp 2 bên đường để cho các tiểu thương cùng tập trung bán hàng ăn vặt tại đây, phí mỗi gian hàng là 4.500 nhân dân tệ mỗi tháng.
Đối với việc này, các tiểu thương cảm thấy rất tức giận nhưng cũng không làm gì được. Bởi vì hiện nay số người ở trọ trong khu vực ít hơn nhiều so với năm ngoái, do đó doanh thu mỗi ngày cũng không được bao nhiêu.
Mà việc quản lý tập trung còn khiến tình cảnh buôn bán trở nên khó khăn hơn, vả lại cũng sẽ không có nhiều người đi xa như vậy để mua đồ ăn vặt.
Những ông lão kéo xe ba gác trước ga tàu điện ngầm Đông Trực Môn
Một vài ông lão kéo xe ba gác ở trước cửa ga tàu điện ngầm Đông Trực Môn. Họ lái chiếc xe ba gác có mái che, đứng xếp hàng để chờ mọi người ra khỏi ga tàu điện ngầm.
Họ đều là những người dân sống ở Bắc Kinh đã nghỉ hưu, người trẻ nhất ở độ tuổi sáu mươi và người già nhất là 76 tuổi.
Gần công trường xây dựng đường cao tốc vành đai 6, nhiều người bày sạp hàng để bán quần áo và giày dép cũ.
Gia Hưng (Theo Epoch Times)