Hai thế giới
Cuộc sống là màu hồng hay màu đen nhiều khi lại do tâm hồn của mỗi người tự nhìn nhận. Hoàn cảnh mỗi người là khác nhau, nhưng ý chí vươn lên phía trước thì chỉ có một.
Thế giới trong những chuyến xa nhà của Quân chỉ là một màu bệnh viện. Bệnh viện, người đi khám, chữa chật ních như nêm đến khắc khổ, mỗi giường ghép ba – bốn – năm người là chuyện thường, ngủ khó duỗi chân, được về nhà sớm là mừng khôn tả xiết. Người ta bảo đông hay tây thì nhà vẫn nhất, quả không sai!
Vừa về tới đầu hè, Quân đã nghe tiếng cha mẹ cãi nhau om sòm. Nhà năm đứa con: Hai đứa theo chồng, hai đứa đi làm ăn xa, và Quân cũng hay đi xa. Giờ còn mỗi hai thân già, nhưng thế cũng vui, cho nhà có tiếng người. Ngày xưa lúc còn bé, mỗi lần cha mẹ cãi vã là Quân lại nơm nớp lo sợ họ sẽ đánh nhau, bỏ nhau.
Cha của Quân là một người gia trưởng, độc đoán, ông khiến cả mấy anh em Quân sợ sút vó nên chỉ dám khuyên can bà mẹ. Bà khóc lóc và lũ nheo nhóc anh em Quân cũng cứ thế mà hòa vào “ca than” cùng người. Có lần, vì giận chồng, mẹ Quân bực tức ra trùm màn nằm ngủ qua đêm trên cát ngoài bờ rào, sáng thức dậy đi vệ sinh Quân suýt chết khiếp vì tưởng ma quái gì đó, hóa ra là mẹ mình: Bà như con mèo ướt sũng sương đêm, run lên vì lạnh nhưng cứ thế nằm ngủ ngon lành. (Và Quân chợt rùng mình liên tưởng tới cảnh tượng: Đêm qua mẹ cậu có thể bị vây hãm bởi lũ chuột).
Một lần khác, cũng vì căm phẫn người chồng đối xử thậm tệ mà mẹ Quân định quyên sinh bên dòng sông chảy qua làng. Quân nước mắt ngắn nước mắt dài, quáng quàng chạy theo níu chân mẹ trở lại.
Nhiều năm nay, cha mẹ Quân vẫn mãi “song ca” bài ca “bất hủ” ấy, nhưng may thay đã không còn “điệp khúc khóc than” nữa, và Quân thì cũng đã đủ lớn, đũ vững tâm và thản nhiên… cười, hoặc không cần bận tâm đến mấy chuyện vặt ấy. Bởi rốt cuộc, ngày ngày mặt trời vẫn cứ mọc, chiếu nắng chói chang rồi lặn, nhường chỗ cho đêm xuống, cho trăng lên dịu dàng, cuộc sống muôn màu vẫn thế, cha mẹ Quân vẫn thế, và đâu rồi lại vào đấy, chiều tối hoặc đêm về: Họ lại vui cười ấm áp bên nhau.
Sáng nay Quân về, chợt buồn vì tiếng kèn trống đám ma nhà ai đó lại ai oán. Ra tết đến nay, cứ dăm ba ngày lại có đám, dạo này đám ma thật nhiều. Mỗi chuyến từ bệnh viện trở về, cha mẹ Quân lại cho anh biết anh A sau một cơn đau bụng quằn quại vừa đi cấp cứu thì chết, ông B sau bao ngày chống cự cùng căn bệnh ung thư giờ thì cũng chẳng còn.
Nhưng nhà có tiếng trống đám ma kia lại là một cái chết đau lòng: Thằng con út mới mười chín tuổi, đang phơi phới tuổi trẻ có thể một mình dong buồm ra khơi, đã thắt cổ tự vẫn. Người làng bàn ra tán vào, nào là cha thằng bé đánh đập hắn nhiều lắm nên sinh uất, nào là nhà hắn chia phần bạn chài cả bảy tám triệu bạc nhưng phần hắn là con trong nhà thì chỉ có năm trăm sao đủ mua bộ quần áo đẹp, nào là mới tí thế thôi đã dám vay nặng lãi đánh bạc nên nợ nần chồng chất không trả nổi nên…
Nhưng giá như bây giờ thằng bé có thể đội nắp quan tài đứng dậy, nói vì sao lại bỏ cuộc đời đang tươi đẹp này mà ra đi một cách khờ dại như thế. Và Quân cảm thấy giận mình, giá mà anh đã có thể kết bạn cùng nó, cùng xóm thì chuyện ấy không khó lắm. Biết đâu nhờ thế mà Quân có thể biết được tâm tư mà cho cậu bé mới lớn những niềm tin rằng cuộc đời này là đáng sống, và không chừng cậu sẽ sống tốt và sống đẹp.
Nhưng lúc chàng trai mười chín tuổi bỏ thế giới này mà đi, thì cách đó nửa ngàn cây số, Quân đang rời bệnh viện lên chuyến xe cuối cùng trong ngày để về nhà.
* *
*
Đêm. Trên ca bin xe giường nằm chạy tuyến Bắc – Nam, Quân nằm trên lối đi mà từ chuyên nghiệp của dân lơ xe gọi là ghế phụ, anh thích gọi là giường, chỗ ngủ không là giường thì là gì. So với những lần đi trước thì lần này Quân cực kỳ may mắn, được nằm giữa hai người phụ nữ: bên phải là một người đẹp, bên trái là một người tóc trắng màu huyền hoặc, cả hai đều đang nằm đắp chăn mỏng và nhắm mắt như đang ngủ.
Bỗng giật mình thức giấc vì khó thở, Quân bắt đầu cảm thấy hối hận vì vừa truyền thuốc xong chiều nay đã vội thu xếp lên xe ngay để về nhà. Lơ mơ nhận ra là mình đói, lơ mơ nhận ra là mình cần phải vào ngay toilet phía cuối xe, nhưng tất cả các lối đi đều vô cùng khó khăn cho anh.
Loay hoay. Bối rối. Quân vội cúi người xuống định lòn qua trước mặt người đẹp bên phải, nhưng không thể cúi gập lại vì cổ cứng đơ. Điều này khiến cô nàng phía bên phải vô cùng hiểu lầm hỏi ngay định làm cái gì thế với giọng điệu không thân thiện lắm. Ồ, hóa ra là ả không ngủ, chỉ nhắm mắt để đó. Anh chàng chỉ định đi qua thôi mà. Rồi, ả thu chân lên và Quân được qua. Lát sau, ả lại thu chân lên để anh về “ổ” của mình. “Nỗi buồn” được giải quyết nhưng Quân không thấy dễ chịu hơn, và anh biết chắc (giờ thì không hề mơ hồ nữa) là mình đói thật: Một trái táo và một hộp sữa còn lại trong hành lý giúp Quân vỗ về giấc ngủ một cách khó nhọc. Nhưng những ám ảnh hồi chiều khó mà cho anh ngủ được…
* *
*
Chiều. Khu điều trị bệnh nhân vào giờ cao điểm. Tòa nhà sáu tầng được xây khá hiện đại theo phong cách Nhật Bản, mỗi tầng là một khoa, giếng trời nằm ở giữa, các khoa phòng vây quanh giếng, mấy ngàn con người trong khu này được hít thở là nhờ nó. Một chàng sinh viên y khoa đứng trên hành lang tầng 6 muốn thể hiện lời tình tứ với một cô bạn cùng nghề đang ngẩn ngơ ở hành lang tầng 1, hoặc tầng 2 thì chỉ cần gọi điện và vẫy tay là biết; cổ điển hơn một chút thì viết vài lời hẹn hò vào tờ giấy đã gấp thành chiếc máy bay và liệng xuống qua giếng trời, không khó lắm để nàng túm lấy đọc và tủm tỉm cười.
Nhưng những tiếng cười thì không dễ gì bắt gặp được ở nơi này, ngoại trừ khoa nhi ở tầng trệt: Nỗi đau đã được dồn cả lên gương mặt phụ huynh của những đứa trẻ để chúng được cười đùa inh ỏi. Người bố trẻ đang cho đứa con nhỏ đi vệ sinh ngay trên chiếc bô trên sân chơi khoa nhi. Không khí xung quanh thật ngột ngạt, nhưng nhộn nhịp, thêm những gian hàng được bày ra hoặc cộng thêm tiếng trả giá nữa thì sẽ không khác gì một phiên chợ lớn hoặc lễ hội đang vào mùa, chỉ tiếc người đi chợ hoặc đi hội lại mang một bộ mặt gần như đưa đám.
Mà có đám thật! Một chàng trai trẻ đã nhảy lầu từ tầng 4, trước hành lang khoa thận tiết niệu. Tiếng gào thét kinh hoàng từ một cô gái nào đó khi nhìn thấy chàng trai rơi, đầu đập mạnh xuống nền, toàn thân nằm bất động trên sân chơi khoa nhi. Người bố trẻ lúc nãy thất thần, hoảng hốt, vội bế phắt đứa con chạy vào nhà vệ sinh cạnh đó, một tay anh bịt mắt thằng bé lại. Tiếng người kinh hãi, la ó, bàn tán xôn xao, chân người rầm rập đổ xô lao tới, nhìn ra, nhìn vào. Hoảng loạn. Vài bệnh nhân yếu tim hai tay ôm lấy ngực không dám nhìn, nét mặt khủng khiếp.
Ông lão từ tầng 6 chạy bổ nhào xuống, trên tay còn cầm tờ giấy xét nghiệm của thằng con. Người ta không còn quan tâm trên mặt tờ giấy đó đề gì, họ cám cảnh cho thân già gầy guộc bên xác trẻ nằm bất tỉnh, lão chắp hai tay cầu cứu mọi người giúp đỡ con trai ông. Một vũng máu đầm đìa loang ra vây lấy mái đầu xanh chàng thanh niên. Một con người đã hoàn toàn tuyệt vọng, buông bỏ thế giới này để rơi tự do vào một thế giới khác, có lẽ ở đó sẽ không còn những bi đát và khóc than. Một phút trôi qua, tinh thần người thanh niên đã chết hẳn, giá như linh hồn kịp níu nó lại cùng thân thể ấy. Một cuộc chiến hoặc nhiều cuộc chiến vì sự sống lại bắt đầu.
Lúc Quân rời bệnh viện lên xe thì không hề biết hoặc chẳng ai nói cho biết chàng trai ấy còn sống hay đã chết. Bỗng nhớ một lần, người bạn học thời cấp hai sau bao năm gặp lại, ngao ngán khi biết hoàn cảnh thảm hại của Quân, hắn bảo nếu tao là mày thì ôm mìn nổ phát cho rồi đời! Giải thoát hay chạy trốn? Anh đã không giải thoát và cũng không chạy trốn.
* *
*
Quân rơi vào giấc ngủ tự lúc nào và mơ màng tỉnh giấc vì tiếng đọc kinh lầm rầm từ người đàn bà phía bên trái. Mái tóc trắng huyền hoặc cùng cặp mắt luôn nhắm tịt của bà trong thứ ánh sáng mờ ảo trên xe, đôi khi được rõ nét nhờ ánh đèn đường thỉnh thoảng hắt vào, ngay lúc này ám ảnh lấy tâm trí anh.
Quân tỉnh hẳn, quay người sang phải thì chỉ còn là chiếc ghế trống đang ngủ say, người đẹp bên phải đã xuống xe từ lúc nào. Không ngủ lại được, Quân để ý mọi hành động của người đàn bà tóc trắng bên trái, đúng ra là anh không ngủ được vì bà.
Đầu tiên, anh lắng nghe bà gọi tên tất cả các vị chư Phật gì gì đó trong bài kinh, hết bài này đến bài khác, Quân biết là rất nhiều vì chốc chốc bà phải dừng để lấy hơi, hoặc nghỉ một hai giây gì đó vì hụt hơi. Lần đầu tiên trong đời, anh có thể nghe rõ một bài kinh đạo Phật đến vậy, tất cả văng vẳng bên tai: Đủ nhỏ nhưng đủ rõ. Đã hơn 4 giờ sáng, những người tu hành cũng thường tụng kinh vào giờ này.
Xe vẫn đang chạy đi trong mưa. Người đàn bà tóc trắng đã ngồi dậy, tung chăn, miệng đọc kinh, tay quơ quào tìm gì đó dưới chỗ nằm để buộc lên đầu, là dây buộc tóc. Nhờ nó mà mái tóc của bà giờ này trông rất gọn gàng. Miệng bà vẫn không ngừng cầu kinh, trông thản nhiên như việc làm thường ngày không thể thiếu.
Hình ảnh người đàn bà tóc trắng trước mắt làm Quân nhớ tới bà nội. Lần ấy là một buổi sáng, Quân lúc ấy chỉ là một cậu bé mới lớn, từ bờ sông trở về nhà sau một đêm ngủ dưới thuyền, trên đường về lần nào cũng thế, cậu thường ghé nhà bà vì người sống một mình dù bà nội cậu có cả thảy năm người con, ai nấy đều đã yên bề gia thất nhà cửa đàng hoàng.
Quân đi vào chỗ giếng nước, nơi bà nội đang ngồi quay lưng, cặm cụi cạo rửa thứ gì đó, cậu không thể nhìn vì bị lưng bà che khuất. Vừa tiến tới, chưa kịp hỏi bà đang làm gì, thì ánh mắt cậu chạm ngay phải thứ ấy và đột nhiên đôi chân cậu đứng khựng lại, liền quay gót bước trở ra, gần như khắp người râm ran nổi da gà, sống lưng lạnh đi, khiếp hãi: Bà đang cạo lông một con chuột cống to đến tởm lợm. Sau đó, cậu không biết và không hề muốn biết bà nội đã tiếp tục làm gì với con chuột to sụ, nhưng cảnh tượng ấy đã ám ảnh Quân đến tận bây giờ, khó mà nguôi ngoai.
Bà nội Quân đã là người thiên cổ, bà mất vì bệnh ung thư gan, năm bà mất Quân mới hai mươi, giờ anh đã ba hai. Ông nội Quân tham gia kháng chiến chống Mĩ, hy sinh vì bom kẻ thù khi tuổi đời mới ngoài ba mươi, bà nội anh vì thế mà thành góa bụa khi tuổi đời cũng ngần ấy. Người đàn bà trẻ đẹp cô độc một mình nuôi nấng năm người con trong gian khổ thành người. Nhiều khi Quân tự hỏi vì sao bà không đi bước nữa cho bớt cô đơn, và mãi mãi anh không thể biết được vì sao. Bà thường hay uống rượu, rượu là người bạn tri kỷ của bà, và rượu giúp bà vui. Nên phần nào Quân hiểu được vì sao bà lại nghiện rượu.
Xe vẫn chạy đều đều đi trong đêm. Mưa đã tạnh. Tiếng xe ồn ào trò chuyện cùng đường đêm, soi sáng đường chạy mãi. Quân vẫn chăm chú nhìn người đàn bà tóc trắng, bà nội anh tóc cũng bạc phơ. Di ảnh cuối cùng mà bà của Quân để lại cho con cháu chỉ là tấm ảnh chân dung đặt nghiêm trang trên bàn thờ, nụ cười bà vẫn mãi an nhiên, sướng sõa.
Trong tim Quân là cả những kỷ niệm khó quên: Một lần bà nội mua cho mấy viên kẹo rồi dắt anh em Quân lên chuyến đò trưa, đội nắng đi xem người ta đào xác phi công Mĩ, hồi đó người làng đi xem như trẩy hội, trưa hôm đó bà đã uống rất nhiều rượu và chửi bới bọn giặc Mĩ trong khi mấy người xung quanh thì cười rộ lên.
Một lần khác bà nội Quân che mưa, che gió, dắt cậu đi bộ cả năm cây số đến dự đám cưới người cô họ Quân, là cháu của bà, nhưng rồi không biết vì cãi vã gì đó nên bà lại đùng đùng nổi giận, che mưa lôi cậu về, hai bà cháu lại lội nước trời ngược đường trở lại… Quân không thể không nhớ: Lưng bà còng trĩu nặng thời gian.
* *
*
Một lát sau, người đàn ông và một người đàn bà khác gọi tên “Mai” và người phụ nữ tóc trắng bên trái Quân lên tiếng (ba người là bạn đồng hành của nhau), nên anh mới biết bà lão mang một cái tên đẹp: Mai (tên một loài hoa đứng đầu tứ quý: mai, lan, cúc, trúc). Họ bảo với bà Mai là đã đến nhà, chuẩn bị xuống.
Nếu người đàn ông đó không cho biết bà bị mù thì chắc chắn Quân không thể biết được người đàn bà tóc trắng đó mù. Anh cố gắng trở mình ngồi dậy và nhường “ổ” của mình làm đường cho bà lão bước ra (“ổ” nằm của Quân vốn là đường mà), bằng cách anh ghé vào chỗ nằm của bà để bà đi qua chỗ của anh. Người đàn ông vui vẻ, nhẹ nhàng nói cho bà biết có đồ đạc phía trước (đó là hai túi đồ của Quân):
– Bước chân cao lên, đừng giẫm lên đồ của họ!
Người đàn bà tóc trắng nhẹ nhàng bước đi qua, chậm rãi, nhẹ như mây.
Nhìn bước chân bà, Quân càng thêm thấu hiểu ý nghĩa một câu danh ngôn đã từng đọc ở đâu đó, đại ý thế này: Hãy cứ tin đi! Cuộc đời này đáng sống lắm, dù trước mắt có khốn đốn đến cỡ nào!
Tháng 4/2015
Khai Xuân