Báo Nhật: Cam Ranh vẫn là “át chủ bài” của Việt Nam để bảo vệ chủ quyền
(GDVN) – Mỹ đang cạnh tranh chiến lược với Nga về việc sử dụng (dịch vụ tại) Cam Ranh. Việt Nam rất có thể thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương…
Tờ Nikkei ngày 21/5 đăng bài phân tích của tác giả Atsushi Tomiyama cho rằng, trong cạnh tranh chiến lược, Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc với kích thước nền kinh tế nhỏ hơn 54 lần và hải quân Trung Quốc có quy mô lớn hơn 10 lần Việt Nam. Nhưng trong vấn đề liên quan đến Biển Đông, Việt Nam có một quân át chủ bài, đó là vịnh Cam Ranh. Tomiyama cho rằng để tận dụng tối đa đòn bẩy của Cam Ranh, Việt Nam thường cho phép Nga sử dụng dịch vụ tại cảng này. Cam Ranh là một trong những vịnh chiến lược quan trọng nhất châu Á. Hoa Kỳ từng sử dụng nó làm trung tâm các hoạt động hải quân trong Chiến tranh Việt Nam. Bây giờ hải quân Mỹ đang cạnh tranh chiến lược với Nga về việc sử dụng (dịch vụ tại) Cam Ranh. Việt Nam rất có thể thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương chỉ đơn giản bằng cách cung cấp một hoặc một số cách tiếp cận ưu đãi khác với Cam Ranh. Vịnh này nằm cách quần đảo Hoàng Sa 600 km về phía Tây và cách Trường Sa 800 km về phía Tây Bắc. Tàu đóng tại Cam Ranh có thể dễ dàng truy cập Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Lịch sử đã cho thấy giá trị của nó như một căn cứ hải quân và không quân. Sau Chiến tranh Việt Nam, Liên Xô và sau này là Nga đã thuê Cam Ranh từ năm 1979 đến 2002. Kết thúc Chiến tranh Lạnh, một số tầm quan trọng chiến lược của Cam Ranh bị suy giảm. Nhưng sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm thay đổi tầm quan trọng trong sự hiện diện của vịnh Cam Ranh. Việt Nam lâu nay vẫn chủ trương nhất quán không cho bất cứ quốc gia nào “thuê” Cam Ranh và nhiều lần từ chối yêu cầu lặp đi lặp lại từ Hoa Kỳ đang tìm cách sử dụng cảng Cam Ranh như một căn cứ. Việt Nam chỉ cho phép tàu nước ngoài được truy cập và sử dụng dịch vụ tại Cam Ranh và Nga trở thành khách hàng thường xuyên. Tính đến tháng 3 năm nay hải quân Việt Nam đã mua 3 tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo và triển khai ở Cam Ranh. 3 chiếc còn lại sẽ được bàn giao hoàn tất vào cuối năm 2016. Tàu chiến Nga ghé cảng Cam Ranh sử dụng dịch vụ thường xuyên hơn sẽ dễ dàng hơn cho Việt Nam để có được lời khuyên của Nga về hoạt động của tàu ngầm chiến lược. Một nhà ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội nói với Tomiyama, rất có thể Việt Nam đã nhận được cam kết từ Nga để cập nhật hệ thống vũ khí cho Việt Nam nếu được ưu đãi sử dụng dịch vụ tại Cam Ranh. Năm nay đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ Mỹ – Việt, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp đi thăm Hoa Kỳ và nhiều khả năng là trong tháng Sáu này. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc, chiếm 11,7% tổng giá trị thương mại của người Việt. Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam trong 40 năm qua. Cho đến nay những hạn chế được nới lỏng cho các mặt hàng liên quan đến phòng thủ hàng hải. Tomiyanma cho rằng dường như Việt Nam đang quan tâm đến mua máy bay chống tàu ngầm và tàu thuyền tuần tra biển tốc độ cao. Khoảng 95% vũ khí hiện tại của Việt Nam đến từ Nga và hầu hết đã cũ. Vũ khí Mỹ có thể là một lựa chọn thay thế với dịch vụ hậu mãi và đào tạo sau bán hàng tốt hơn. Nhật Bản cũng quan tâm sâu sắc đến những diễn biến này. Cuối tháng 4 Reuters đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xem xét phương án tuần tra chung với Mỹ ở Biển Đông. Nếu được sử dụng (dịch vụ tại) Cam Ranh, Nhật Bản có thể thường xuyên theo dõi toàn bộ Biển Đông, nhà ngoại giao tại Hà Nội nói với Tomiyama. Ngày 13/5, hai chiếc P-3C của quân đội Nhật Bản đã bay đến Đà Nẵng, phía Bắc vịnh Cam Ranh để tham gia hoạt động trao đổi quân sự với Việt Nam. Đây là chuyến thăm thứ 2 đến Việt Nam của máy bay P-3C Nhật Bản. Dù là tình cờ hay hữu ý, Tomiyama cho rằng Việt Nam đang gửi một thông điệp tới các nước láng giềng. Trò chơi quyền lực trong khu vực đang trở nên phức tạp hơn. |
Theo Báo Giáo dục Việt Nam