Báu vật bí ẩn trong vườn dâu Chăm cổ ngàn tuổi
Những gốc dâu Chăm nghìn tuổi, xù xì, hơn một vòng tay người ôm được đưa về trồng ngay ngắn. Làng dệt lụa Chăm nổi tiếng xưa cũng được phục dựng tại đô thị cổ Hội An.
Nghìn năm tơ lụa Mã Châu Mã Châu là tên làng, còn trên bản đồ hành chính là thôn Châu Hiệp thuộc thị trấn Nam Phước huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Nghìn năm trước, vùng đất này nổi tiếng nghề dệt lụa của người Chăm, sau này là vùng đất của Đại Việt được khai mở bởi những binh phu theo tiếng gọi của triều đình, mang theo nghề dệt lụa cổ truyền từ hơn 500 năm trước. Người dân ở đây kể rằng, lụa Mã Châu đã bắt đầu suy vi giống nghề trồng dâu dệt lụa người Chăm. Ly do: giống dâu và con tằm sản lượng cao được nhập từ Trung Quốc những năm 70-80 của thế kỷ trước cho sản lượng cao nhưng chất lượng lụa không bằng cây dâu còn tằm bản địa.
Lão nông Trịnh Anh – một trong những người cuối cùng còn giữ nghề – cho hay, nghề dệt lụa đã trải qua cả nghìn năm và nhiều lần thất truyền. Đến đời ông cố níu giữ, nhưng không biết giữ được bao lâu. Đưa tay chỉ những cội dâu Chăm nghìn năm tuổi xù xì lá tỏa xanh mát nơi góc vườn, ông Anh bảo đó là những gốc dâu được bà con giữ lại cho cây tầm gửi mọc để hái lá làm thuốc uống chữa chứng đau đầu mất ngủ rất công hiệu. Giờ, làng lụa nổi tiếng một thời trở thành đại công xưởng dệt vải gia công với 500-600 hộ tham gia. Họ nhận sợi công nghiệp của một đầu mối về dệt nên những tấm vải thô mộc rồi xuất bán cho thương lái. Để giữ nghề, ông Anh bỏ chức phó giám đốc xây dựng của hợp tác xã, gom toàn bộ vốn liếng ki cóp dựng nhà tằm, sắm khung dệt để nối lại nghiệp cha ông. Để kiếm cái ăn nuôi con, ông ở nhà trồng dâu nuôi tằm, còn vợ là chị Phạm Thị Lê mang theo hai khung dệt xuống Hội An ngày ngày ươm tơ dệt lụa phục vụ khách tham quan tại một trung tâm du lịch trên đường Phan Châu Trinh. Ông Anh nói, suốt mấy năm nay ông âm thầm cho ra sản phẩm chăn lụa bán cho du khách bằng phương pháp cho tằm nhả tơ trực tiếp thành tấm chăn theo kích cỡ định sẵn, chứ không cho cuộn tổ kén như xưa. Tấm chăn nhỏ cỡ 70x110cm giá chỉ 300.000 đồng. Còn kích cỡ lớn hơn có thể làm nệm xe hơi rất sang trọng và chắc bền. Bí ẩn vườn dâu cổ Khi làng lụa bắt đầu suy vi thì xuất hiện một chàng trai trẻ, sau bao năm lang bạt trở về. Đó là Lê Thái Vũ, quê gốc Đại Lộc. Vũ âm thầm tìm kiếm những cội dâu Chăm nghìn năm tuổi với khát vọng phục hồi nghề dệt lụa xưa đã thất truyền. Lê Thái Vũ cho hay, nhờ tư liệu trong cuốn “Xứ Đàng Trong – Năm 1621” của Christoforo Borri, nhà truyền giáo người Ý viết từ cách đây gần 400 năm, anh đã bỏ hàng chục năm trời đi tìm những cội dâu cổ dọc bờ sông Thu.
Nay giống tằm quý đã thất truyền, và người Chăm từ lâu chuyển sang dệt thổ cẩm. Cây dâu Chăm có lá hình chân chim rất hiếm. Người Nhật từng cất công qua vùng đất này tìm kiếm cây dâu Chăm xưa nhưng đều bất lực quay về. Giờ những gốc dâu Chăm nghìn tuổi, xù xì, hơn một vòng tay người ôm được Lê Thái Vũ đưa về trồng ngay ngắn nơi làng lụa của mình tại đô thị cổ Hội An. Theo lời Vũ, trong tổng số 40 gốc dâu Chăm xưa có một cây to nhất, cao trên 10m tỏa bóng xum xuê, được tìm thấy trong vườn nhà của người dân ở vùng núi Quế Sơn. Để đưa được gốc dâu nghìn tuổi này về là cả một kỳ công. Vũ bảo lá dâu Chăm hình chân chim khác với lá dâu to tròn của người Việt. Đây là thứ nguyên liệu chính cho ra đời thứ lụa là gấm vóc nổi tiếng. Vũ chỉ ra vườn dâu Chăm trồng thành hàng và cạnh bên là vườn dâu Việt xanh non. Trên con đường lát gạch mộc, thấp thoáng giữa bóng dâu xanh là những nhà rường xứ Quảng. Nằm xen kẻ là nhà nuôi tằm, nhà ươm tơ thủ công, nhà dệt thủ công truyền thống Champa, nhà dệt bằng khung cửi Cửu Diễn, nhà trưng bày sản phẩm tơ lụa, may đo, mua sắm, cùng bộ trưng bày áo dài và trang phục truyền thống của 54 dân tộc,… được phục dựng gần như nguyên trạng. Đây được coi là “bảo tàng sống” của nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, với hàng trăm hiện vật công cụ sản xuất của các làng dệt 3 miền. Vũ cho biết anh đang nghiên cứu phục dựng kỹ thuật dệt truyền thống, các hoa văn cổ, giới thiệu tinh hoa văn hóa trong nghề tơ lụa tại Việt Nam. Vũ cũng đã thử nghiệm thành công việc cho tằm nhà tơ trên cây dâu Chăm như mô tả của giáo sĩ Christoforo Borri, kết quả cho ra loại kén rất chắc. Nghề dệt lụa Chăm xưa có thể được phục hồi.
Vũ Trung |
Theo VietnamNet