JohnathanHạnh Nguyễn – Người đi mở đường bay – Kỳ 3: Phần thưởng nóng
Năm 1987, Ban Việt kiều trung ương đồng ý cấp cho bố mẹ và các anh chị em của ông Johnathan Hạnh Nguyễn 7 giấy thông hành để xuất cảnh sang Mỹ. Cuối cùng họ đã trở lại.
Văn bản đó do Phó vụ trưởng Vụ 1 Nguyễn Ngọc Thanh thừa lệnh Trưởng ban Việt kiều trung ương ký. Nội dung ghi rõ: “Kính gửi anh Johnathan Hạnh Nguyễn, Việt kiều ở Philippines. Chúng tôi xin thông báo để anh được rõ. Việc xin cho gia đình ở Nha Trang xuất cảnh sang Mỹ của anh đã được trong nước chấp thuận căn cứ vào chính sách của Nhà nước CHXHCN VN và những đóng góp của anh với đất nước. Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an – PV) đã cấp cho gia đình anh 7 giấy thông hành (từ số 52092 đến 52098A – TH1 ngày 25.7.1987). Còn việc xuất cảnh được tiến hành sớm hay muộn là tùy thuộc vào phía Mỹ”.
Văn bản cũng khẳng định: “Chúng tôi cũng coi đây chính là nguồn động viên lớn giúp anh thêm phấn khởi và gắn bó với đất nước, tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nước”.
Trở lại quê nhà
Tâm sự với chúng tôi, Johnathan Hạnh Nguyễn nói có những chuyện mà bây giờ ông mới nói ra, sau mấy mươi năm âm thầm chôn giấu cho riêng mình. Khi mở được đường bay TP.HCM – Manila rồi, có một cán bộ bên Cục Hàng không dân dụng đến gặp ông hỏi: “Giờ anh có mong muốn gì không? Cấp trên muốn thưởng nóng cho anh”. Ông nói ngay: “Tôi làm bằng cái tâm của mình với đất nước, tôi mong muốn có đầy đủ thuốc men để chăm sóc cho các em nhỏ, có đầy đủ điều kiện để nhân dân có được đời sống tốt hơn. Công của tôi thì tùy các anh đánh giá. Tôi chỉ xin cái hộ chiếu và giấy thông hành để cho gia đình tôi đi ra đi về thoải mái thôi”. Johnathan Hạnh Nguyễn không hề giấu giếm ý định lúc ban đầu của ông là muốn đưa cả đại gia đình đi Mỹ định cư. Ông bảo qua bên đó ông còn có thể lo được cho họ. Chứ ở VN thì đâu có giúp được gì nhiều. Kiếm việc làm cho các anh chị em cũng khó. Còn cả vấn đề sức khỏe cha mẹ của ông nữa, bởi ăn uống thời tem phiếu những năm bao cấp rất vất vả.
Và như đã đề cập ở trên, sau những gì đã làm cho đất nước, mong muốn ấy của ông được nhà nước chấp thuận ngay. Có giấy thông hành, cả gia đình lên máy bay sang Manila, trên chính đường bay mà ông đóng góp công sức để mở trước đó.
Tuy nhiên họ không tiếp tục bay sang Mỹ mà ở Manila 2 năm làm ăn buôn bán rồi sau đó quay về lại VN. Lý do trở lại vì ai cũng còn quyến luyến với quê hương. “Ông già tôi hỏi: Con có định về hẳn VN luôn không? Nếu về sẽ khổ lắm con à! Tôi thưa: Chính vì khổ con mới về. Nhà nước và mọi người đã sung sướng rồi thì con về làm gì nữa. Ba tôi nghe vậy không nói gì. Chắc ổng cũng hiểu rõ tâm nguyện của tôi lúc đó”, Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Gia đình Johnathan Hạnh Nguyễn trước 1975 ở Nha Trang. Bố làm kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo, gỗ, thuốc tây… Nói nôm na là làm đa ngành, đa nghề để nuôi 7 người con. Có lẽ kế thừa truyền thống đó của gia đình nên sau này ông cũng thành công trên lĩnh vực kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu…
Thấy “một cái gì đó” trỗi dậy…
Johnathan Hạnh Nguyễn kể, khi còn học phổ thông, ông từng mơ mộng được đi du học. Tốt nghiệp Viện Đại học Đà Lạt ngành chính trị kinh doanh vào năm 1973 khi mới 22 tuổi, ông được người dì ở Arizona (Mỹ) làm thư bảo lãnh sang Mỹ du học. Hai năm sau thì ông lên đường sang Mỹ.
Đến năm 1980, trên chuyến bay của Hãng Philippines Airlines đến Manila, ông gặp bà Cristina Serrano, khi đó đang là tiếp viên của hãng hàng không này. Tình yêu “sét đánh” và sau đó họ thành vợ chồng. Trong khoảng thời gian 5 năm tiếp theo trên đất Mỹ, ông hạnh phúc với cuộc sống gia đình nhỏ của mình. Ngày đi làm thanh tra cho Hãng máy bay Boeing, tối về ông đi dạy võ thái cực đạo. Ở nhà mãi cũng thấy buồn, bà Cristina vừa đi học vừa mở shop bán hàng lưu niệm. Hai người lúc này đã có với nhau 3 người con: Henry, Louis và Phillip Nguyễn.
Nhưng khi làn sóng những người vượt biên lan tới cùng những hình ảnh chết chóc, khổ cực trong các trại tị nạn… phát đi phát lại trên truyền hình quốc tế thì ông không thể ngồi yên được. “Nhìn những cảnh đó thấy đau lòng quá. Tự nhiên trong người mình thấy một cái gì đó trỗi dậy. Tôi nói với Cristina: “Thôi bây giờ bà giữ mấy đứa nhỏ. Tôi xin visa đi mấy ngày”. Qua Philippines, tôi chạy xuống trại tị nạn ở đảo Palawan thì được mấy bà sơ làm tình nguyện hướng dẫn đi gặp từng người. Gặp tới ai khóc tới đó. Có người mất vợ. Có người mất chồng. Có người mất con…”, ông xúc động nhớ lại và kể: “Ngủ lại Palawan một đêm. Sáng hôm sau bay về Mỹ, tôi bàn với Cristina là phải trở lại VN xem tình hình thế nào để có cách gì giúp cho những người còn ở lại”.
Rồi ông đưa cả vợ con cùng về Philippines, để lại cơ ngơi nhà cửa còn nguyên vẹn trên đất Mỹ. Từ Philippines, sau khi gửi đứa con út là Phillip cho bà ngoại trông nom, hai vợ chồng ông mang theo Henry và Louis về VN. “Máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất và tất cả chúng tôi về nhà của cha mẹ ở đường Phạm Ngũ Lão. Muỗi nó đầy hết. Nhà kiểu như nhà ma vậy. Hỏi bàn ghế đâu hết rồi. Họ nói đã đem bán. Ăn cơm ở đâu? Nhà nấu. Bếp núc thì sao? Nấu than. Trong nhà nấu than lâu ngày nên ám khói, bụi bay đầy nhà đầy cửa. Ráng đi mua con gà. Người nhà luộc xong không dám bỏ lông ra ngoài đường. Hỏi sao vậy? Vì công an sẽ đến hỏi “gà đâu ra”. Thấy trong nhà có cái hố nên giấu mớ lông gà vào đó”, ông thuật lại.
“Ngày đầu về, lúc 10 giờ tối thì công an đến làm việc. Họ hỏi tôi tình hình ở Mỹ sao, ở Philippines sao. Cứ hỏi khơi khơi vậy thôi. Trời ơi! Tôi hơi sợ! Lúc đó Việt kiều Mỹ về mà nghe công an là sợ lắm!”, ông kể thêm và tự giải thích: “Anh phải chấp nhận thực tế lúc đó bởi nó hoàn toàn không cởi mở, tự do và được thuận lợi như bây giờ”.
Johnathan Hạnh Nguyễn đã đi một hành trình dài để vượt qua sự nghi ngờ đó…
Võ Khối – Đình Phú |
Theo Thanh Niên