Vô vọng “quan tài trôi”
“Nếu biết chuyến đi khủng khiếp như thế, tôi thà chết ở Myanmar còn hơn” – cô gái 19 tuổi Manu Abudul Salam, người Rohingya Hồi giáo đến từ bang Rakhine của Myanmar, cám cảnh. Manu nằm trong số gần 800 người yếu ớt, đói lả và khô quắt vì thiếu nước được ngư dân bản địa kéo vào làng Langsa, tỉnh Aceh của Indonesia hôm 15-5 khi tàu của họ sắp chìm.
Manu bảo thuyền trưởng phá hỏng động cơ và bỏ tàu sau khi nghe một cú điện thoại từ nhiều ngày trước. Hết đồ ăn, cạn nước uống, nóng giận bùng lên và người anh trai 20 tuổi của Manu thiệt mạng cùng hơn chục người khác trong trận kịch chiến giữa người Rohingya và người Bangladesh trên tàu. “Họ tưởng thuyền trưởng đến từ nước tôi nên trả thù bằng gậy gộc và dao. Người chết bị ném xuống biển” – Manu nức nở. Một người sống sót khác, Saidul Islam, 19 tuổi, kể rằng hành trình 3 tháng của mình bắt đầu khi có kẻ đến làng, mời chào cơ hội làm việc ở Malaysia. Nhưng ra đến biển rồi, thuyền trưởng đòi mỗi người hàng trăm USD và bắt họ gọi cho gia đình trả “tiền bảo đảm”. Dù chưa biết tương lai ra sao nhưng Manu và Islam còn may mắn hơn khoảng 8.000 người đang trôi dạt ngoài khơi các nước Đông Nam Á. Mặc cho họ kiệt sức dưới ánh nắng thiêu đốt, mặc cho ánh mắt cầu xin hay giọt nước mắt lã chã trên những khuôn mặt teo tóp hay những cánh tay trơ xương vẫy trong tuyệt vọng, tàu của họ vẫn bị hải quân các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia đẩy qua đẩy lại. Được cung cấp thức ăn, nước uống và sửa máy tàu nhưng những con người tội nghiệp biết rõ mình không được chào đón! Người di cư kiệt sức khi vào được đất liền ở tỉnh Aceh – Indonesia hôm 15-5 Ảnh: AP “Chúng tôi không thể cho họ vào, làm vậy thì hàng trăm ngàn người sẽ lũ lượt kéo đến từ Myanmar và Bangladesh” – Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Wan Junaidi Jaafar nói với đài CNN. Tại Malaysia đang có hơn 45.000 người Rohingya tá túc, theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR). Chỉ riêng tuần rồi, khoảng 2.500 người nhập cư đã đặt chân lên Malaysia và Indonesia. Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha đặt câu hỏi tại sao một nước “trung gian” như nước ông lại phải gánh chịu trách nhiệm về người Rohingya. “Tiền đâu mà lo cho họ? Chẳng lẽ lấy tiền thuế của người dân Thái?” – ông hỏi. Ngày 29-5 tới, Bangkok sẽ mở hội nghị bàn thực trạng mà lâu nay Đông Nam Á nhắm mắt làm ngơ – 1,3 triệu người Rohingya vượt biển từ Myanmar nhiều năm qua. UNHCR ước tính trong 3 tháng đầu năm nay, khoảng 25.000 người Rohingya và Bangladesh vượt biển, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và đã có 300 người nằm lại đáy biển. Tuy nhiên, Myanmar sau gần 2 tuần im hơi lặng tiếng đã chính thức chối bỏ hôm 15-5. “Chúng ta không thể nói những người nhập cư ấy đến từ Myanmar trừ khi xác định được danh tính của họ” – ông Ye Htut, phát ngôn viên chính phủ, nói. Một quan chức khác tên Zaw Htay khẳng định Myanmar sẽ không tham dự cuộc họp ở Thái Lan nếu thư mời nhắc đến từ “Rohingya”. Khoảng 1,3 triệu người Rohingya Hồi giáo tại Myanmar bị chính quyền xem là người Bangladesh nhập cư bất hợp pháp. Nằm trong danh sách những sắc tộc thiểu số bị ngược đãi nhất thế giới của Liên Hiệp Quốc, 140.000 người Rohingya ở bang Rakhine phải sống trong các trại tập trung kể từ khi xung đột nổ ra với người theo đạo Phật vào năm 2012. Phản ứng của các nước Đông Nam Á đang hứng chịu chỉ trích từ các tổ chức thế giới. “Chính phủ Myanmar tạo ra khủng hoảng và Thái Lan, Malaysia, Indonesia làm tình hình tồi tệ hơn với những chính sách máu lạnh” – ông Phil Robertson, Phó Giám đốc châu Á của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW), cáo buộc. Còn ông David Hammond, chuyên gia về luật hàng hải kiêm người sáng lập Tổ chức Nhân quyền trên biển, chỉ trích 3 nước trên vi phạm nghĩa vụ giải cứu những người gặp nạn trên biển. Trong khi đó, Tổ chức Di cư thế giới (IMO) thông báo chi 1 triệu USD hỗ trợ nhưng trước hết, phải để dân di cư lên bờ. Theo Liên Hiệp Quốc, để cứu người di cư thoát cảnh “quan tài trôi”, chỉ có cách Myanmar phải chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử với người Rohingya. Bà Kristen McConnachie, nhà nghiên cứu về người tị nạn của Trường ĐH Oxford (Anh), cho rằng ASEAN nên tạm gạt bỏ nguyên tắc không can thiệp nội bộ để ép Myanmar cải thiện điều kiện sống của người Rohingya, tối thiểu là cung cấp nước sạch, nơi cư trú, dinh dưỡng đầy đủ và chăm sóc y tế. Theo bà McConnachie, ngoài ASEAN, các nước đã đổ xô viện trợ, đầu tư cho Myanmar kể từ khi nước này cải cách chính trị vào năm 2011 cũng có thể góp sức bằng cách ra điều kiện đổi đầu tư lấy sự bảo vệ dành cho người Rohingya. MỸ NHUNG |
Theo Người Lao Động