Không đổ hết trách nhiệm cho nhà thầu
TP – Sau vụ đổ cần cẩu, ngày hôm qua, toàn dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn – ga Hà Nội bị dừng thi công. Nhiều chuyên gia đường sắt đô thị cho rằng, phương án thi công tại các siêu dự án đường sắt đang có vấn đề và Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà thầu.
Theo các chuyên gia, phương án thi công không phù hợp là nguyên nhân sập cần cẩu tại dự án ĐSĐT trên đường Cầu Giấy ngày 12/3 Ghi nhận của Tiền Phong trong ngày hôm qua, toàn bộ công trường dự án ĐSĐT Nhổn – ga Hà Nội, gồm các phần việc thi công nhà ga và trụ đường ray đã bị dừng sau vụ đổ cần cẩu chiều ngày 12/3. Riêng hiện trường vụ tai nạn xảy ra gói thầu CP1 đoạn qua đường Cầu Giấy được “giới nghiêm” để lực lượng cảnh sát khám nghiệm, điều tra. Trao đổi với Tiền Phong chiều qua, ông Lê Huy Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đại diện (chủ đầu tư) cho rằng, tai nạn xảy ra khi nhà thầu Daelim (Hàn Quốc) đang dùng máy cẩu nhổ ống vách thép có đường kính 1m, được chôn sâu 9m dưới mặt đất. “Đã có 417 cái cọc như thế này được nhà thầu nhổ an toàn trên toàn tuyến, nhưng đến khi nhổ các cọc tại gói thầu CP1 trên đường Cầu Giấy thì tai nạn xảy ra”, ông Hoàng nói. Cũng theo ông Hoàng, nhà thầu đã không lường trước được hết lực ma sát (độ bám) giữa ống vách và các lớp đất, khiến tải trọng cẩu và ống vách lệch nhau, dẫn đến tai nạn. “Cùng với chỉ đạo tạm dừng thi công trên toàn bộ công trường của dự án, chiều 13/5, Ban đã làm việc với các đơn vị liên quan. Tại cuộc họp Ban đã phê bình Tư vấn Systra, phê bình Giám đốc dự án nhà thầu Daelim để xảy ra vụ việc”, ông Hoàng nhấn mạnh. Với vụ tai nạn rơi thanh thép tại công trường thi công dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông trên đường Nguyễn Trãi sáng 12/5, ngày hôm qua đại diện Chủ đầu tư – Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, việc thi công tại đây đã bị tạm dừng để kiểm tra. Cùng với đó Ban cũng yêu cầu Nhà thầu ga Vành đai 3 (Liên danh Tone Thăng Long – Hà An – PV) phải rà soát, báo cáo sự việc. Ngày hôm qua Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã nhất trí tạm dừng thi công dự án để kiểm điểm sự việc. Cùng với đó, ông Hùng cũng có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm khắc phục, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Phương án thi công không phù hợp Ý kiến về công trường hai dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua; nhiều chuyên gia đường sắt đô thị cho rằng, phương án thi công chưa phù hợp và có vấn đề. Theo các chuyên gia, ở các nước việc thi công, trong đó có ĐSĐT Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát đóng vai trò chính. “Để đảm bảo an toàn họ phải thường xuyên có người kiểm tra, giám sát toàn bộ quá trình thi công, nhất là biện pháp thi công, vì biện pháp thi công có tính quyết định đến hiệu quả dự án”, ông Vũ Xuân Hồng, Hội Kinh doanh vận tải đường sắt nói. Theo ông Hồng, trách nhiệm của Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát có tính quyết định phương án thi công. Trước khi thi công bất kỳ hạng mục nào, họ có quyền yêu cầu nhà thầu phải báo cáo phương án. Một số giảng viên tại Bộ môn Đường sắt, Đại học GTVT cho rằng, theo quy định và đang được các nước phát triển áp dụng khi thi công ĐSĐT trong điều kiện đảm bảo giao thông, ngoài phạm vi công trường, toàn bộ chiều cao của cẩu trong thời gian thi công nhà thầu phải có hàng rào phòng vệ che chắn. Hàng rào phòng vệ này có tính chất di động và cẩu đi đến đâu hàng rào sẽ di chuyển hoặc được thiết lập đến đó. Ngoài ngăn cản vật liệu, giả sử có gặp sự cố cẩu sẽ đổ vào hàng rào phòng vệ chứ không thể đổ ra bên ngoài. Hiện rào tôn và hàng rào lưới thép cao trên dưới 1 m tại các dự án ĐSĐT ở Hà Nội không có ý nghĩa gì, đặc biệt với các nhà ga và cẩu phải thi công ở bên trên. “Có thể vì chi phí mà việc lập loại hàng rào phòng vệ này không được các nhà thầu tại các dự án ĐSĐT ở Hà Nội thực hiện; và việc này cũng có thể được Chủ đầu tư và Tư vấn giám sát lờ đi”, một giảng viên nói. Theo các chuyên gia, từ những thực tế trên, để làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn vừa qua tại các công trường ĐSĐT không có gì khó khăn. Riêng với vụ sập cẩu ngày 12/5 trên đường Cầu Giấy, chỉ cần đơn vị có trách nhiệm làm rõ xem tải trọng cẩu là bao nhiêu, cọc có sức ma sát với đất là bao nhiêu mọi việc sẽ rõ ràng cả. Nếu biết như vậy mà nhà thầu vẫn thi công bằng hình thức cẩu bánh xích là cố tình vi phạm. Còn theo quy định, Chủ đầu tư và Tư vấn giám sát có quyền yêu cầu nhà thầu trình báo biện pháp thi công, trường hợp không yêu cầu nhà thầu báo thì Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát chưa làm đúng trách nhiệm, nhưng nếu biết vẫn để thi công thì đã tiếp tay cho vi phạm. Việc này nếu đổ hết trách nhiệm cho nhà thầu là chưa thuyết phục. |
Theo Tiền Phong