Không còn đường xuống, nhiều người mắc kẹt trên đỉnh Everest
TTO – Chính phủ nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm và xác nhận thông tin liên quan đến công dân của họ đang mất tích ở Nepal, sau trận động đất kinh hoàng hôm 25-4.
Theo AFP, trận động đất mạnh 7,9 độ Richter xảy ra ngay lúc cao điểm mùa du lịch. Ước tính có khoảng 300.000 khách du lịch đến Nepal, trong đó có hàng trăm người đang leo núi Everest. Gần 30 quốc gia trên thế giới hiện đang liên tục thông tin về tình hình công dân của mình, kể cả người đã được an toàn và người còn đang mất liên lạc hoặc được xác nhận là mất tích. Bộ Ngoại giao Úc cho biết có 549 công dân đăng ký đến Nepal, 200 người được xác nhận an toàn. Đại sứ quán Úc ở Kathmandu đang tích cực truy tìm thông tin nhiều người còn lại dù chưa có báo cáo về thương vong. Trung Quốc có bốn công dân thiệt mạng và 10 người khác bị thương trong động đất. Hong Kong xác nhận có chín công dân đặc khu này đang còn mất tích. Colombia có bảy người đang mất tích. CH Czech đang mất liên lạc với 54 công dân đang ở Nepal sau động đất, trong khi Pháp có đến 674 công dân trong tình trạng tương tự.
Quốc gia láng giềng với Nepal là Ấn Độ có 71 người ở Nepal và các vùng dọc biên giới thiệt mạng ngay trong động đất. Hàng loạt quốc gia khác như Indonesia, Ý, Ireland, Israel, Mexico vẫn còn đang mất liên lạc với nhiều công dân của họ sau động đất ở Nepal. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26-4 xác nhận quốc gia này có ba công dân thiệt mạng trên núi Everest do lở tuyết sau động đất gây ra. John Tsang Chi Sing, người Hong Kong, vừa thoát chết trên đỉnh Everest cho biết vẫn còn rất nhiều người leo núi đang bị mắc kẹt giữa núi tuyết giá lạnh mà không có thức ăn và khí gas. “Vẫn còn rất nhiều người leo núi cùng hướng dẫn viên chưa được tìm thấy. Không có đường đi xuống” – Tsang Chi Sing viết trên Facebook cá nhân. Tsang được cho là một trong năm người Trung Quốc đại lục và Hong Kong may mắn an toàn ở khu vực Everest ngay khi động đất xảy ra.
MỸ LOAN
|
Theo Tuổi Trẻ