‘Thần đèn’ dời núi Đức Mẹ bật mí những phi vụ kinh điển
(TNO) Ngót 10 năm trong nghề di dời, chống lún, chống nghiêng các công trình xây dựng, thần đèn Nguyễn Văn Cư, người vừa dời núi Đức Mẹ có sự sáng tạo không ngừng nghỉ bởi những công trình ông nhận được đều thuộc dạng cổ kim hiếm có.
Cái nghề di dời công trình với “thần đèn” Nguyễn Văn Cư hoàn toàn không hề có trong sách vở mà chỉ được đúc kết bằng kinh nghiệm, chất xám và thêm vào đó một chút liều lĩnh. Không chỉ việc dời núi Đức Mẹ, mỗi công trình mới là một sự thử thách cao độ với “thần đèn” bởi công trình nào cũng độc lạ và khác nhau.
Thử lửa 3 căn nhà dính như sam
Những ngày mới vào nghề, ông Cư kể: “Năm 2008 có 3 căn nhà liên kế trên đường số 11, P. 11 ở Q.6 (TPHCM) được xem là nghiêng nhất ở khu vực Bình Phú. Bắt tay vào việc xử lý, tôi mới đâm lo vì căn nhà nghiêng quá cỡ, căn này đè hẳn lên căn kia”.
Ông Cư cho công nhân đào phá nền nhà, đục móng ép cọc, đổ bê tông gia cố móng. Đến lúc cắt cột để chỉnh ngay và nâng nhà lên thì phát hiện 3 căn này đã dính chặt với nhau.
Thường thì thợ chỉ cần đục vài lần là các căn nhà tự động tách ra, nhưng 3 căn này dính nhau như sam. Thức trắng vài đêm suy nghĩ, ông chỉ huy công nhân vừa tách vừa nâng, cuối cùng 3 căn nhà cũng chịu rời ra, ông cắt móng, ép cọc đổ bê tông, cân chỉnh 3 căn nhà đứng thẳng.
Cánh cổng 100 tấn và xuất ngoại
Một công trình khác hiếm có là nâng cái cổng khổng lồ nặng gần 100 tấn, cao đến 7 mét ở Q. Bình Tân. Mệnh lệnh đặt ra là ônng Cư phải nâng lên cao mà vẫn giữ nguyện hiện trạng. Do con đường chính dẫn vào vườn ở đây được nâng lên ông chủ vườn cũng tính đến phương án nâng cao một số hạng mục trong vườn. Chủ vườn trước đó đã mời rất nhiều người đến giúp nhưng ai cũng từ chối vì yêu cầu quá khó.
Khi mời đến ông Cư thì ngoài nhiệm vụ nâng cao cổng chính của khu vườn lên cao nửa mét, ông cũng đồng ý nâng căn nhà thủy tạ gần đó lên cao 40cm và cân chỉnh ngay ngắn. Cái khó nhất của công trình này, theo ông Cư, đó là phải làm việc dưới nước, móng cột cũng rất yếu nên chỉ cần tính toán không kỹ là “bể show” ngay.
Năm 2009, ông Cư xuất ngoại lần đầu tiên để xử lý tòa nhà khách sạn nhà hàng quy mô 1 trệt, 1 lửng, 3 lầu ở tỉnh Pavet, Campuchia. Khi khảo sát ai cũng nghĩ là chỉ bị lún nền, nhưng khi đào móng lên thì thấy có nhiều cột bị cong hoặc gãy hết vì chủ đầu tư xây vượt thiết kế, tải trọng tòa nhà quá nặng, mà các cột chống đỡ lại yếu. Vì vậy, nếu so với những công trình khác thì việc nâng tòa nhà này lên rất khó khăn và nguy hiểm hơn hẳn.
Ông Cư ngay lập tức cho đưa các cột sắt chèn vào để chống nứt gãy, gia cố lại cột cho chắc chắn. Sau khi chuẩn bị xong việc gia cường móng và các đà, cột, ông Cư chỉ mất tổng cộng khoảng 90 phút để nâng tòa nhà lên cao 5 tấc theo đúng hợp đồng của ông chủ ở Campuchia.
Miếu cổ 300 tuổi, núi đá 420 tấn
Năm 2013, “thần đèn” Nguyễn Văn Cư đã hoàn tất việc nâng cao ngôi miếu cổ tại Ấp Vĩnh Thạnh, Xã Vĩnh Kim, Huyện Châu Thành (Tiền Giang). Theo người dân địa phương, ngôi miếu cổ này thờ Hỏa Đức tinh quân, có cách đây gần 300 năm. Năm 1995, ngôi miếu này được trùng tu lại nhưng hiện nay do các cột trụ bị lún và mối mọt tấn công nên chủ miếu và người dân đã quyên góp để nâng miếu lên cao thêm 1,5 mét.
“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư cho biết: “Việc nâng miếu lên cao chỉ thực hiện trong vòng 2 ngày là xong, tuy nhiên do có niên đại quá lâu nên gần 30% số cột gỗ trong miếu đã bị hư mục. Việc dịch chuyển phải hết sức đồng bộ và nhẹ nhàng, bởi chỉ cần rung lắc một chút là cái miếu cổ đổ sập. Sau khi nâng lên cao, ông Cư phải tiến hành gia cố và thay thế bằng một số cột bê tông giả gỗ để tòa miếu 300 tuổi này được chắc chắn hơn.
Hiện nay, “thần đèn” Nguyễn Văn Cư đang nhận di dời ngọn núi nhân tạo nặng hơn 420 tấn, cao 9m với diện tích 60m2 nằm trong Giáo xứ Phước Thành tại Bà Rịa Vũng Tàu.
Cả tòa núi toàn bằng đá rắn chắc, không có móng và trọng lượng tập trung vào một điểm nên việc dịch chuyển khó khăn hơn nhiều so với di dời nhà ở. Sau khi cho công nhân lòn xuống dưới chân núi khoan cấy sắt vào đá, ông Cư bắt đầu đổ đà bằng bê tông, lót con lăn và dùng máy nổ để kéo.
Tuy nhiên, ngọn núi quá nặng nên chỉ dịch chuyển được 2m là dây cáp quá tải, phải tạm ngưng. Tiếp sau đó, ông Cư đã dùng máy kích thủy lực vừa đẩy vừa kéo tòa núi trên những con lăn. Kết quả chỉ trong 2 ngày đã dời tòa núi đá đến vị trí mới cách xa 9m so với chỗ cũ
Quang Thuần |
Theo Thanh Niên